Doanh nghiệp chưa lạc quan về năm 2014
Kết quả điều tra mới đây với hơn 300 doanh nghiệp lớn cho thấy các doanh nghiệp không mấy lạc quan trước viễn cảnh kinh doanh trong thời gian tới.
Doanh nghiệp sản xuất đang đối mặt với việc tăng chi phí đầu vào. Ảnh minh họa: TL TBKTSG Online.
|
Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) ngày 4-9 cho biết họ đã tiến hành điều tra hơn 300 đại diện từ các doanh nghiệp lớn về thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013 và triển vọng tăng trưởng trong năm 2014.
Qua kết quả điều tra, các doanh nghiệp cho biết họ chưa tìm thấy tín hiệu lạc quan trong kinh doanh năm 2014.
57,7% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng trong năm tới tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục bị bao trùm trong không khí ảm đạm như hiện nay, 20,4% nhận định, năm 2014 sẽ là một năm chật vật hơn của giới kinh doanh bởi tình hình chung sẽ xấu hơn, thậm chí rất xấu so với năm 2013, và chỉ có 21,9% cho rằng kinh doanh năm 2014 sẽ tốt hơn.
“Dường như niềm tin vào khả năng sớm phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp đang suy giảm dần một phần do thực trạng kinh doanh khó khăn đang kéo dài quá lâu, trong khi những hỗ trợ từ phía Chính phủ không đủ sức vực dậy nền kinh tế đang trong trạng thái bất ổn và khó lường, buộc các doanh nghiệp phải tự tìm kiếm những phương án riêng biệt mới để tự cứu lấy mình”, theo các tác giả báo cáo khảo sát.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang bớt đi sự lo sợ về lạm phát cao và tín dụng khó tiếp cận, thay vào đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn đang chú trọng hơn tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, cũng như gia tăng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới và sáng tạo nhằm tạo ra sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu tồn tại và phát triển trong dài hạn.
Theo kết quả khảo sát, CEO các doanh nghiệp lớn cho rằng, lạm phát trong năm 2013 sẽ không thể lên tới 2 con số.
Khi được hỏi đâu là yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2013, chỉ 25% số doanh nghiệp cho rằng lạm phát tác động tới tình hình sản xuất và kinh doanh của mình. Những yếu tố như nguồn tín dụng khó tiếp cận (18,2%) đã không còn là yếu tố chính yếu có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp bởi tình hình khó khăn chung và rủi ro vỡ nợ đã khiến các doanh nghiệp thay vì đi vay, họ cân đối và sử dụng nguồn vốn tự có của mình để hoạt động.
Phần đông doanh nghiệp (gần 66%) nhận định, sự cạnh tranh không lành mạnh và thông tin thiếu minh bạch mới thực sự có ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp, 52,3% lo ngại về những thay đổi trong chính sách của Chính phủ, và 29,5% chật vật vì thiếu lao động tay nghề cao.
Trong 6 tháng cuối năm 2013, hầu hết các doanh nghiệp cho biết doanh thu, lợi nhuận và quy mô lao động cũng sẽ khó có sự đột biến, trong đó không ít người quan ngại cho rằng, suy giảm doanh thu và lợi nhuận không phải là điều không thể.
Trong thời gian tới đây, các doanh nghiệp cũng định hướng đầu tư chủ yếu cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng (81,8%), phát triển nguồn nhân lực (63,6%), R&D và đổi mới (54,5%).
Khi được hỏi đâu sẽ là lĩnh vực doanh nghiệp lựa chọn để đổi mới trong 3 năm tới, đa số các CEO đều lựa chọn sản phẩm (50%) là yếu tố chính cần được lưu tâm trước tiên.
H.Phúc
Thời báo kinh tế sài gòn
|