Doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn?
Con số DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng, nhưng nhìn theo chuỗi các tháng, có thể thấy đà lao dốc của DN đã giảm dần. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lí đăng kí kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và ông Phạm Thế Hưng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu DN nhỏ và vừa xung quanh vấn đề này.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lí đăng kí kinh doanh- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Doanh nghiệp đang thận trọng hơn với đồng vốn
Từ đầu năm đến nay, số DN thành lập mới gia tăng, DN gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động cũng có xu hướng giảm dần. Theo ông, đây có phải tín hiệu nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục?
Con số DN đăng kí mới tăng 9,5% so với cùng kì là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy DN bắt đầu bỏ tiền tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Số DN hoàn thành thủ tục giải thể giảm đi đáng kể với mức giảm 4,9% cũng là tín hiệu tích cực. Một tín hiệu tích cực nữa là đà suy giảm của các DN tạm ngừng hoạt động đã giảm đi. Nếu chỉ nhìn số DN tạm ngừng hoạt động trong tháng 8 tăng 11,3% thì có vẻ cao, nhưng nhìn theo chuỗi số liệu thì thấy đà lao dốc của DN đang giảm đi.
Nhìn chung, số lượng DN đăng kí thành lập mới gia tăng và số DN làm thủ tục giải thể đã giảm cũng là một dấu hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và là một điểm sáng chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi.
Số DN đăng kí thành lập mới tăng, nhưng vốn đăng kí giảm, phải chăng là do xuất hiện nhiều DN siêu nhỏ, thưa ông?
Nếu nhìn thoáng qua, việc số vốn đăng kí giảm đi là không tốt nhưng tôi có góc nhìn khác. Trong bối cảnh hiện nay, người dân và DN thận trọng hơn với đồng vốn. Quy mô vốn trên 1 DN giảm đi so với trước đây thể hiện DN đã sàng lọc kĩ hơn cơ hội kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, nếu thấy cơ hội kinh doanh lớn hơn họ sẽ tăng vốn. Bằng chứng là thời gian qua, số lượng DN đăng kí tăng vốn cũng tăng lên, mặc dù quy mô vốn đăng kí ban đầu giảm đi. Đó cũng là điểm mạnh của DN Việt Nam hiện nay. Quy mô dùng vốn trên 1 DN giảm đi cũng không phải là điều quá xấu mà thể hiện sự linh hoạt của DN Việt Nam mà thôi.
Nhưng chúng ta cần có giải pháp gì để hạn chế tình trạng DN phá sản, tạm ngừng hoạt động thời gian tới?
Chúng ta phải nhìn vấn đề một cách khách quan và nhiều khía cạnh, không thể nhìn DN đăng kí tăng lên, DN giải thể giảm đi mà đánh giá DN đã bước qua khỏi khó khăn. Thực ra DN vẫn rất khó khăn vì 8 tháng đầu năm còn tới 39 nghìn DN giải thể, ngừng hoạt động.
Để DN thực sự thoát khó, cần phải có sự nỗ lực từ hai phía, cả cơ quan quản lí Nhà nước và DN. Nhà nước cần giữ ổn định vĩ mô, khôi phục niềm tin của DN. Khi DN có niềm tin, nhìn thấy cơ hội, họ sẽ bỏ vốn để kinh doanh chứ không rời bỏ thị trường.
Nếu có sự tham gia của DN và Nhà nước, chúng ta mới vượt qua được những thách thức trong nền kinh tế hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Thế Hưng-
Viện trưởng Viện Nghiên cứu DN nhỏ và vừa
|
Đến năm 2015-2016 doanh nghiệp mới phục hồi
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số DN thành lập mới gia tăng, DN gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động cũng có xu hướng giảm dần. Ông có nghĩ DN Việt đã dần phục hồi, thưa ông?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, các DN Việt Nam hiện nay vẫn còn đang trong thời kì cực kì khó khăn. Những số liệu về số lượng DN thành lập mới tăng lên, DN giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm đi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể nói lên được nhiều điều. Nếu nói rằng DN đã phục hồi thì hơi “hồng hào”. Thực tế, thủ tục phá sản DN khó khăn cũng là một trong số những lí do khiến nhiều DN “muốn chết mà chưa chết được”. Nhìn chung cộng đồng DN vẫn còn rất gay go chứ chưa khởi sắc thực sự. Có thể quá trình phục hồi của DN phải chờ đến năm 2015-2016.
Căn cứ nào để ông đưa ra thời điểm dự báo trên?
Hiện nay tình hình kinh tế thế giới vẫn đang còn khó khăn, tốc độ phục hồi chậm chạp, chưa ổn định. Nền kinh tế Việt Nam lại có độ mở rất lớn nên những biến động của tình hình thị trường thế giới đều tác động nhiều vào thị trường Việt Nam. Mặt khác, những tồn tại của nền kinh tế Việt Nam như nợ xấu, đóng băng bất động sản, tín dụng “tắc”... chưa thể giải quyết ngay được, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế lại không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.Vì vậy, tôi cho rằng ít nhất đến năm 2015-2016 DN mới phục hồi và phát triển được.
Vậy ông đánh giá như thế nào về những giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 01, 02 cũng như gói kích cầu bất động sản 30 nghìn tỉ đồng của Chính phủ?
Gói kích cầu có tác dụng nhất định trong việc hỗ trợ DN nhưng không phải là đồng đều, đồng nhất, tôi băn khoăn có hay không sự “thiên vị” với một số DN khi triển khai gói kích cầu này trên thực tế? Nhìn chung, những giải pháp đề ra trong các bản Nghị quyết nói trên của Chính phủ đều không quá xa vời với DN, đã có những nội dung hỗ trợ sát sườn với DN. Tuy nhiên tôi băn khoăn người thực hiện các giải pháp đó ở các cấp có công bằng hay không, hay lại xảy ra cơ chế “xin-cho” khiến DN cần hỗ trợ lại không tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Các giải pháp phải đến được với DN thực sự cần, chỉ nên hỗ trợ những DN có sức sống, có thể phát triển được. Nếu việc hỗ trợ lại dành cho cả những DN sắp chết, đang ngắc ngoải thì không giải quyết được vấn đề.
Xin cảm ơn ông!
Lương Bằng
Hải quan
|