Chủ Nhật, 15/09/2013 09:44

Việt Nam "nắn" lại chiến lược đóng tàu

Ngành đóng tàu Việt Nam sẽ chỉ phải “gánh” một mục tiêu vừa sức với tổng sản lượng đóng mới vào khoảng 2 - 2,5 triệu DWT/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Theo Tờ trình về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ Giao thông - Vận tải, sẽ có nhiều thay đổi liên quan tới kế hoạch phát triển ngành này trong những năm tới.

Sản lượng đóng mới phục vụ xuất khẩu của toàn ngành đóng tàu Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 1,67 - 2,16 triệu DWT/năm.

Thay đổi nổi bật nhất chính là từ việc theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh và mạnh theo chiều rộng để chiếm lĩnh thị phần đóng tàu thế giới, ngành đóng tàu trong nước đã được Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất “co lại” để phù hợp với năng lực và thị trường hiện có.

Cụ thể, đối với lĩnh vực đóng tàu, trong giai đoạn đến năm 2020, tổng sản lượng đóng mới toàn ngành được chốt ở 2 - 2,5 triệu DWT/năm, trong đó xuất khẩu đạt 1,67 - 2,16 triệu DWT/năm.

Đối với sản lượng đóng mới phục vụ xuất khẩu, khối DN trong nước dự kiến góp 0,47 - 0,66 triệu DWT, khối DN nước ngoài là 1,2 - 1,5 triệu DWT.

“Mục tiêu sản lượng đóng mới tàu biển này cũng khớp với sức sản xuất của 180 nhà máy hiện có và một số nhà máy đang triển khai đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư trên toàn quốc”, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, với sản lượng xuất khẩu nói trên, đóng tàu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,48% thị phần đóng tàu thế giới.

Cần phải nói thêm rằng, theo Đề án Điều chỉnh phát triển Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2015 được thông qua vào năm 2005, sản lượng đóng mới của Việt Nam từng được kỳ vọng sẽ đạt mức 5 triệu DWT vào năm 2015, chiếm khoảng 10% thị phần đóng tàu thế giới.

Đối với sửa chữa tàu - lĩnh vực giờ đây đã được đặt ngang hàng với đóng mới, Việt Nam ưu tiên nguồn lực để hình thành các trung tâm sửa chữa tàu quy mô lớn gắn liền với hệ thống cảng biển và các tuyến hành hải quốc tế quan trọng có công nghệ sửa chữa tiên tiến, nhằm đáp ứng mục tiêu sửa chữa toàn bộ đội tàu biển quốc gia và tham gia vào thị trường sửa chữa đội tàu quốc tế hoạt động ở biển Đông có trọng tải đến 300.000 DWT.

Liên quan tới việc phát triển mạng lưới công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị hình thành một số trung tâm đóng tàu chuyên dụng.

Theo đó, đối với lĩnh vực chủ lực của ngành công nghiệp đóng tàu là đóng tàu vận tải, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ hình thành 3 trung tâm được xây dựng trên cơ sở 9 nhà máy hiện có gồm: Trung tâm đóng tàu phía Bắc đặt tại Hải Phòng, Quảng Ninh trên cơ sở 3 nhà máy đóng tàu hiện có là Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng có khả năng đóng các gam tàu phức tạp đến 70.000 DWT; Trung tâm đóng tàu miền Trung đặt tại Quảng Ngãi, Khánh Hòa trên cơ sở 3 nhà máy hiện có là Dung Quất, Hyundai - Vinashin, Cam Ranh và một nhà máy mới là Oshima - Cam Ranh có năng lực đóng tàu trọng tải 30.000 - 300.000 DWT; Trung tâm đóng tàu miền Nam với 2 nhà máy hiện có là Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Nhà máy đóng và sửa chữa tàu Long Sơn.

Trong khi đó, lĩnh vực sửa chữa tàu biển quốc tế sẽ đặt “trái tim” tại khu vực miền Trung do hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên, hàng hải với 3 nhà máy: TVS Cam Ranh sửa chữa tàu đến 200.000 DWT; Dung Quất sửa chữa tàu và phương tiện nổi đến 300.000 DWT và Hyundai - Vinashin.

Trung tâm sửa chữa đội tàu quốc gia khu vực phía Bắc sẽ đặt tại Quảng Ninh, Hải Phòng với mũi nhọn là Nhà máy sửa chữa tàu biển Nosco - Vinalines.

Theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, quan điểm phát triển của ngành đóng tàu Việt Nam trong 10 năm tới là duy trì cơ bản năng lực hiện có của ngành.

“Trước mắt, cần giữ các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thủy có truyền thống, có điều kiện phát triển dài hạn, gắn với tái cơ cấu Vinashin”, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất.

Đối với Vinashin, đơn vị lập quy hoạch tổng thể kiến nghị giữ lại và tái cơ cấu 8 DN mũi nhọn là Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn.

Mặc dù không công bố nhu cầu vốn đầu tư cho ngành đóng tàu, nhưng trước đó, trong Báo cáo nghiên cứu cuối kỳ Quy hoạch tổng thể tháng 10/2010, đơn vị tư vấn là CTCP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải đã ước cần đầu tư thêm 74.492 tỷ đồng cho giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Bảo Như

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Thị trường điện máy chưa hết lo (15/09/2013)

>   Mobifone có thể tách khỏi VNPT (14/09/2013)

>   Việt Nam và Tây Ban Nha tăng trao đổi thương mại (14/09/2013)

>   Sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản bị phạt tiền (14/09/2013)

>   Tham gia TPP: Không dễ hưởng lợi! (14/09/2013)

>   Việt Nam dành nhiều cơ hội cho công ty Singapore (13/09/2013)

>   Nhật Bản dành 500 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam (13/09/2013)

>   Quy định như dự luật sẽ có 99% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản (13/09/2013)

>   Bỏ trích trực tiếp lệ phí đăng ký và cấp biển số ôtô, xe máy (13/09/2013)

>   Giá nước “rượt đuổi“ giá điện? (13/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật