Thị trường điện máy chưa hết lo
Sau thời gian dài èo uột với sự ra đi của không ít nhà bán lẻ điện máy, thị trường điện máy thời gian gần đây đã có những tín hiệu khởi sắc hơn, nhưng tâm lý người tiêu dùng vẫn mua sắm khá thận trọng.
Những năm gần đây, hàng loạt trung tâm điện máy xuất hiện khiến người tiêu dùng có tâm lý đi xem, đi so sánh giá, ở đâu rẻ hơn hoặc khuyến mãi nhiều hơn mới quyết định mua. Điều này lý giải phần nào nguyên nhân tại sao có vẻ các trung tâm ngày càng ế ẩm trong khi thống kê cho thấy tiêu dùng điện máy vẫn tăng!
Nơi đông vui, chỗ vắng vẻ
Gần 5g chiều 11-9, Trung tâm điện máy Nguyễn Kim trong Trung tâm thương mại Pandora (Q.Tân Phú, TP.HCM) nhạc vẫn phát ra inh ỏi, quầy giới thiệu sản phẩm của một hãng điện tử cũng trưng bày rất nhiều sản phẩm ra tận ngoài sảnh nhưng gần như chẳng mấy người tiêu dùng quan tâm, để ý.
Tại trung tâm này, tầng trệt là nơi trưng bày, bán các loại điện thoại di động, máy tính bảng, tivi.
Mặc dù là giờ tan tầm nhưng ghi nhận tại đây cho thấy chỉ có 4-5 khách hàng tìm xem các thiết bị di động. Tại khu vực tivi, hầu hết các loại tivi đều mở hết công suất, âm thanh nhưng chỉ 1-2 người tiêu dùng đứng xem, còn lại là nhân viên bán hàng của hãng đông hơn người tiêu dùng.
Tại Trung tâm điện máy Chợ Lớn (đường Trường Chinh, Q.12), lượng người đi mua sắm có khả quan hơn nhưng chủ yếu đi xem là chính. Hàng loạt mặt hàng tủ lạnh, máy giặt của các hãng có mức giá từ 5-35 triệu đồng đều được niêm yết giảm giá 5-30%, thậm chí tặng kèm một bình đun nước gần 500.000 đồng nhưng gần như không mấy ai ngó ngàng.
Cách đó chưa tới 500m, Trung tâm điện máy Thiên Hòa cũng bày rất nhiều thiết bị gia dụng, thậm chí máy giặt, ra tận sảnh để mời chào người tiêu dùng.
Tương tự, tại Trung tâm nội thất - điện máy Hà Nam (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp), đã hơn 7g tối nhưng toàn bộ khu vực đồ gia dụng, điện máy đều trống vắng, không thấy bóng dáng người tiêu dùng đi mua sắm mặc cho các chương trình khuyến mãi, giảm giá treo đầy trên băngrôn, dán cả trên sản phẩm. Một nhân viên phụ trách khu vực này cho biết lễ 2-9 còn có người đi mua sắm chứ thời điểm này rất ít người đi mua.
Tuy nhiên, những trung tâm điện máy ở khu vực quận 1, 3 tình hình khả quan hơn. Tại siêu thị Nguyễn Kim (Q.1), ngay buổi sáng khách vẫn ra vào nhộn nhịp và buổi trưa thường đông hơn. “Đi xem cũng nhiều nhưng chọn mua cũng không ít” - một nhân viên của trung tâm này cho biết. Tại Trung tâm điện máy Chợ Lớn ở quận 5, dù là ngày giữa tuần nhưng khách đến mua sắm khá rộn ràng.
Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, giám đốc marketing hệ thống Trung tâm điện máy - nội thất Thiên Hòa, cho biết thị trường điện máy thời gian qua đúng là có lắng đọng nhưng đang có dấu hiệu hồi phục nhẹ.
“Thị trường điện máy vẫn chứng kiến sự ra đi, đóng cửa của nhiều thương hiệu là do vài năm gần đây ngày càng có thêm nhà cung cấp tham gia. Một khi có nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng sẽ đắn đo, lựa chọn kỹ hơn, đi đến nhiều trung tâm khác nhau dò giá” - ông Hậu cho biết.
Giá bán, dịch vụ hậu mãi quyết định
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ điện máy đang rơi vào kịch bản của thị trường bán lẻ tiêu dùng nhanh cách đây hơn mười năm, khi mà những siêu thị đầu tiên xuất hiện ở TP.HCM.
“Khách ban đầu khá phân vân: chọn một không gian mát mẻ, hàng hóa trưng bày đẹp nhưng phải trả giá cao hơn tại các siêu thị hay chấp nhận lội bì bõm ở chợ truyền thống để mua món hàng rẻ hơn” - chuyên gia lĩnh vực bán lẻ Trần Khánh nói.
Phải mất nhiều năm người tiêu dùng mới quen được mua sắm trong kênh phân phối hiện đại. Tương tự, thị trường điện máy hiện chứng kiến sự dịch chuyển ngày càng rõ rệt này. “Người tiêu dùng chọn mua hàng ở những trung tâm điện máy có thương hiệu thay cho các cửa hàng nhỏ lẻ, họ chấp nhận trả giá cao hơn nhưng đổi lại được chăm sóc, dịch vụ hậu mãi tốt” - ông Trần Tấn Hoàng Hậu chia sẻ.
Tuy nhiên chị Mai Hạnh, ngụ quận 7, cho rằng giá cả luôn là ưu tiên hàng đầu khi gia đình chọn mua các thiết bị điện tử, đồ dùng gia đình, sau đó mới đến dịch vụ hậu mãi. “Vừa rồi nhà tôi mua một cái tủ lạnh, phải đi đến ba trung tâm điện máy khác nhau hỏi giá cả, tư vấn chức năng mất cả hơn hai tuần tôi mới quyết định mua” - chị Hạnh kể.
Ông Lê Phạm Anh Thy, giám đốc tiếp thị Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim, cho rằng với mức lãi gộp trung bình 10% thì chi phí cho hậu mãi là một vấn đề không đơn giản. Nếu không chuẩn bị được điều này, các doanh nghiệp bán lẻ điện máy khó bề trụ vững. Hậu mãi trong điện máy không chỉ cần đầu tư chi phí tốn kém mà còn phải có kinh nghiệm quản lý các công đoạn phức tạp như giao nhận, lắp đặt, bảo trì, bảo hành...
Sức mua sụt giảm đã cho thấy sự “vùng vẫy” của các nhà bán lẻ. Hiện nay để tồn tại được, các doanh nghiệp đều phải chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Nếu chỉ dựa vào bán hàng điện máy là chưa đủ, hiện nay bước vào các trung tâm điện máy của Nguyễn Kim người tiêu dùng còn thấy bên cạnh hàng điện tử, điện lạnh có thêm hàng tiêu dùng nhanh như bột giặt, nước xả vải..., đồ dùng nhà bếp...
Hay tại các trung tâm điện máy Thiên Hòa, Chợ Lớn mở rộng thêm hàng nội thất, đồng hồ... Theo các doanh nghiệp, bán lẻ điện máy là một ngành đặc thù bởi ngoài yếu tố sản phẩm có vòng đời ngắn, chi phí vận hành cao thì sự khác biệt giữa các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành không lớn dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành và đặc biệt là cạnh tranh về giá.
Như Bình - Dũng Tuấn
Tuổi trẻ
|