Mua vàng trên 300 triệu đồng: Phải chứng minh nhân thân
Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền (PCRT), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ trong cuộc trao đổi với ĐTCK xung quanh vấn đề PCRT trên thế giới và ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Ngọc
|
Xin ông cho biết, những hành vi như thế nào sẽ được coi là hoạt động rửa tiền?
Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Hành vi này được quy định trong Bộ luật Hình sự là: thứ nhất, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; thứ hai, sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; thứ ba, che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; thứ tư, thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm nêu trên đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.
Có ý kiến cho rằng, việc rửa tiền ở các quốc gia đang phát triển nhiều hơn các quốc gia phát triển. Quan điểm của ông?
Về cơ bản, các quốc gia đều có nguy cơ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền như nhau, nhưng mức độ có thể khác nhau, tùy thuộc vào tính hiệu quả của cơ chế PCRT của từng quốc gia.
Luật pháp quốc tế về PCRT có được áp dụng đúng tại Việt Nam, thưa ông?
Trong tất cả mọi vấn đề thì lợi ích quốc gia phải được xem xét, ưu tiên hàng đầu. Do vậy, việc áp dụng chuẩn mực quốc tế vào Việt Nam cần được xem xét trên cơ sở hệ thống luật pháp, nhu cầu nội tại của Việt Nam và theo hướng từng bước đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
Trách nhiệm PCRT thuộc về NHNN?
Theo pháp luật hiện hành, PCRT là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, trong đó có NHNN. Ví dụ, NHNN có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền quản lý của NHNN như các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, casino còn Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản…
Tuy nhiên, NHNN vẫn có thể tham gia chống rửa tiền ở các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, khi có nghi ngờ rửa tiền thì các định chế tài chính và phi tài chính ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề phải gửi báo cáo đáng ngờ về Cục PCRT chứ không gửi về cơ quan quản lý (không qua trung gian); hoặc nếu Cục PCRT có thông tin nghi ngờ một doanh nghiệp nào đó không thuộc hệ thống ngân hàng có liên quan đến rửa tiền thì Cục PCRT có thể đề nghị thanh tra bộ, ngành chủ quản thanh tra, kiểm tra và thông báo kết quả về Cục PCRT; và khi có cơ sở nghi ngờ thì Cục PCRT sẽ chuyển thông tin đó cho cơ quan điều tra xem xét để điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm của các bộ, ngành khác trong việc PCRT?
Đối với Bộ Công an là thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin về tội phạm liên quan đến rửa tiền, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm về rửa tiền; thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm rửa tiền trong nước và nước ngoài với NHNN; chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân thuộc danh sách đen; thực hiện hợp tác quốc tế về PCRT theo thẩm quyền.
Còn đối với các bộ, ngành khác thì phối hợp với NHNN thực hiện quản lý nhà nước về PCRT như: chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các biện pháp PCRT và thực hiện thanh tra, xử lý đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình; phối hợp với NHNN thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về PCRT; thực hiện chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi rửa tiền; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong đấu tranh PCRT.
Về các giao dịch phải báo cáo, ông có thể cho biết đó là các giao dịch nào?
Đó là các giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp hay giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo. Đối tượng báo cáo phải kiểm tra cơ sở pháp lý và mục đích của giao dịch; trường hợp có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích của giao dịch, đối tượng báo cáo phải lập báo cáo về giao dịch đáng ngờ gửi NHNN và có thể từ chối giao dịch đó.
Đặc biệt, thời gian tới, NHNN sẽ có quy định, khi mua vàng từ 300 triệu đồng trở lên, người mua phải chứng minh nhân thân bằng cách xuất trình chứng minh thư nhân dân. Qua đó, đơn vị giao dịch vàng sẽ phải ghi chép rất chi tiết thông tin của người đi mua vàng. Đây là một quy định nằm trong kế hoạch giám sát các giao dịch lớn, phục vụ cho công tác PCRT.
Vậy, giải pháp nào để PCRT hiệu quả hơn?
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tăng cường thể chế, cụ thể là tăng cường nguồn lực về nhân sự, tài chính, kỹ thuật và quyền hạn cho các cơ quan có trách nhiệm PCRT; tăng cường cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành; tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức về công tác PCRT; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật…
Các ngân hàng Việt Nam nên làm gì để bảo vệ mình trước vấn nạn rửa tiền?
Vấn đề đầu tiên là các ngân hàng phải nhận thức được những rủi ro do rửa tiền gây ra để từ đó đề ra chính sách, quy định, quy trình nội bộ về PCRT. Tiếp đó, quy định nội bộ về PCRT phải được phổ biến triệt để đến tất cả cán bộ, nhân viên có liên quan; phải thường xuyên kiểm tra, giam sát việc tuân thủ và xử lý các sai phạm; cuối cùng là công tác đào tạo phải được quan tâm, tổ chức thường xuyên.
Hồng Dung thực hiện
đầu tư chứng khoán
|