Thứ Sáu, 30/08/2013 10:39

Vàng đang đi đâu?

Đến ngày 28.8, gần 57,6 tấn vàng đã được bán qua 56 phiên đấu thầu nhưng thị trường vẫn hấp thụ hết, trái ngược hoàn toàn với dự đoán của ngân hàng Nhà nước (NHNN) rằng nhu cầu vàng sẽ giảm đi sau khi các tổ chức tín dụng tất toán xong trạng thái vàng vào ngày 30.6.2013.

Vậy vàng đi đâu? Theo tôi, câu trả lời nằm ở cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay. Việc NHNN cấm tín dụng vàng trong khi không xây dựng được thị trường vàng phái sinh, là nguyên nhân chính khiến cho vàng đột ngột trở nên khan hiếm.

Không có lực lượng nào làm tăng tốc độ “vàng hoá” nền kinh tế nhanh như NHNN đã làm trong thời gian vừa qua

Vàng vật chất, tín dụng vàng và vàng phái sinh

Khi tín dụng vàng được cho phép, lượng vàng giao dịch trong nền kinh tế có hình thức tương tự như cung tiền mở rộng (M2), trong khi lượng vàng vật chất sẽ có hình thức tương tự lượng tiền cơ sở (M0). Cung tiền mở rộng lớn hơn rất nhiều so với cung tiền cơ sở, bởi vì nó được khuếch đại qua hệ thống tín dụng. Khi có tín dụng vàng, lượng vàng giao dịch cũng được nhân lên rất nhiều lần nhờ cơ chế này.

Ta có thể minh hoạ cơ chế này như sau. Giả sử người dân sở hữu 10 tấn vàng vật chất và gửi vào hệ thống tín dụng. Các ngân hàng sau đó đem 10 tấn vàng này đi bán hoặc cho ai đó vay để bán. Khi đó, nhờ hệ thống tín dụng, nền kinh tế có thêm 10 tấn vàng nữa để đáp ứng nhu cầu sở hữu của người dân. Nếu người dân lại mang 10 tấn vàng này gửi vào một ngân hàng khác và ngân hàng này lại bán hay cho vay để bán thì nền kinh tế lại có thêm 10 tấn vàng nữa… Như vậy, chỉ với 10 tấn vàng vật chất, nhờ hệ thống tín dụng, có thể đáp ứng được tới 30 tấn vàng nhu cầu sở hữu của người dân.

Nếu vì một lý do gì đó mà hệ thống tín dụng bị tê liệt, không huy động được tiền của người dân thì NHNN sẽ phải bơm ra một lượng tiền mặt M0 tương đương với lượng tiền M2 để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Hàm ý tương tự cho thị trường vàng khi NHNN cấm tín dụng vàng trong thời gian qua. Để đáp ứng nhu cầu thanh khoản như trước khi cấm tín dụng vàng, thị trường cần một lượng vàng vật chất tương đương với lượng vàng giao dịch đã được khuếch đại thông qua hệ thống tín dụng.

Trên thế giới, để đáp ứng nhu cầu giao dịch với một lượng vàng vật chất hữu hạn (khoảng 170.000 tấn vàng sẵn sàng giao dịch, tương đương khoảng 2.500 tỉ USD), hệ thống tài chính phát minh ra giao dịch vàng phái sinh thay vì sử dụng hệ thống tín dụng. Xét về bản chất, một chứng chỉ vàng được mang ra giao dịch cũng là một loại tiền được đảm bảo bằng vàng. Lượng vàng giao dịch trên các sàn giao dịch tăng khi người dân quan tâm nhiều hơn tới vàng và giảm khi họ quan tâm ít đi.

Trong số các loại tài sản, vàng là loại tài sản có mức thanh khoản (tức có lượng mua bán trên tổng giá trị) đứng hàng thứ hai chỉ sau trái phiếu chính phủ Mỹ. Hàng ngày có tới gần 70 tỉ USD, tức khoảng 2,8% tổng lượng vàng sẵn có, được giao dịch trên thế giới. Nói cách khác, lượng vàng giao dịch trên thế giới trong một năm lớn hơn tới chục lần so với lượng vàng vật chất sẵn có. Dịch chuyển vàng vật chất trên thế giới thực chất chỉ diễn ra giữa những cá nhân hoặc đơn vị thực sự cần vàng vật chất như các định chế tài chính, các công ty công nghệ, và nhà chế tác nữ trang.

Việc NHNN bỏ hệ thống tín dụng vàng trong khi không xây dựng thị trường vàng phái sinh để đáp ứng nhu cầu giao dịch, ắt khiến cho nhu cầu về vàng vật chất tăng lên đột ngột tại Việt Nam. 50 tấn vàng mà NHNN cung thêm ra thị trường trong thời gian vừa qua có lẽ vẫn còn nhỏ so với nhu cầu giao dịch thực sự của thị trường.

Hệ luỵ của chính sách vàng hiện nay

Trong nền kinh tế thị trường, sự thịnh vượng có được là nhờ vòng quay của vốn. Vòng quay vốn càng nhanh là một chỉ dấu cho một nền kinh tế phát triển. Khi các thị trường tài sản như chứng khoán và đất đai giao dịch ảm đạm, không chỉ các thị trường đó trì trệ, mà nền kinh tế nói chung trì trệ.

Điều tương tự có thể còn đúng hơn đối với thị trường vàng, bởi vàng là một loại tài sản có mức thanh khoản cao nhất trong số các loại tài sản. Việc đóng băng loại tài sản này chẳng khác gì đem một lượng tiền khổng lồ “chôn xuống đất”. Bởi hầu như toàn bộ lượng vàng mà người dân Việt Nam nắm giữ đều là nhập khẩu, nên khi người dân đem vàng gửi vào các két ngân hàng hoặc cất trong tủ ở nhà thì một lượng ngoại tệ tương ứng đang được người dân “giam cầm”, hoàn toàn không tham gia vào việc tạo thêm các giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Nếu NHNN tiếp tục chính sách hiện nay thì có thể NHNN sẽ phải nhập thêm cả trăm tấn vàng nữa, tức khoảng 4 – 5 tỉ USD, để đảm bảo nhu cầu giữ và giao dịch vàng của người dân như trước đây. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Với lượng vốn đầu tư tiếp tục suy giảm, huy động vốn nước ngoài khó khăn, và tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ dao động quanh mức 5% từ năm ngoái tới nay thì việc mang số tiền 5 – 10 tỉ USD để đáp ứng nhu cầu thanh khoản vàng là một hành động cực kỳ “xa xỉ” của NHNN.

NHNN nên làm gì?

Có thể nói, không có lực lượng nào làm tăng tốc độ “vàng hoá” nền kinh tế nhanh như NHNN đã làm trong thời gian vừa qua, nếu coi “vàng hoá” là việc người dân nắm giữ vàng vật chất. Đây là điều ngược hẳn với mong muốn ban đầu của NHNN.

Nếu NHNN muốn giảm việc nhập khẩu vàng và tiến tới giảm lượng vàng vật chất trong dân, trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu nắm giữ và giao dịch vàng của người dân, thì NHNN hoặc phải quay trở lại với chính sách tín dụng vàng như trước đây hoặc phải đẩy nhanh việc hình thành sàn vàng. Không còn con đường nào khác.

Có lẽ việc quay trở lại chính sách tín dụng vàng là điều NHNN không mong muốn. Như vậy, NHNN chỉ còn con đường đẩy nhanh hình thành sàn vàng tập trung để tăng tốc độ giao dịch. Càng chậm trễ việc hình thành sàn vàng, NHNN sẽ còn phải tiếp tục nhập thêm rất nhiều vàng vật chất nữa để đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân.

Trong thời gian chờ đợi việc hình thành sàn vàng tập trung chính thức, thì dịch vụ mua bán vàng qua mạng (e-gold) của Tien Phong Bank có lẽ là một bước khởi đầu tự phát trên con đường này. NHNN nên khuyến khích các tổ chức tín dụng khác làm như vậy.

Đinh Tuấn Minh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Giá vàng hạ nhiệt (30/08/2013)

>   Vàng vững trên 1,410 USD dù giảm hai phiên liên tiếp (30/08/2013)

>   Thêm 20.000 lượng vàng được chào thầu vào sáng 30/8 (29/08/2013)

>   Đảo chiều, vàng SJC giảm 350.000 đồng mỗi lượng (29/08/2013)

>   Mua vàng từ 300 triệu đồng phải xuất trình CMND (29/08/2013)

>   Đừng vẽ đường cho... lách luật! (29/08/2013)

>   Kinh doanh nữ trang sẽ được vay tiền mua vàng (29/08/2013)

>   Dự trữ vàng của Nga tăng cao nhất kể từ năm 1993 (28/08/2013)

>   Vàng tăng 500.000 đồng so với buổi sáng (28/08/2013)

>   19.700 lượng vàng đấu thầu thành công phiên thứ 56 (28/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật