Thứ Năm, 22/08/2013 10:58

Kích hoạt vốn ngoại, nới room hay chọn NVDR

Đề xuất phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) của HOSE và đề xuất nới room của UBCK đang tạo ra mối quan tâm lớn của các thành viên thị trường.

Để rộng đường dư luận, Đầu tư Chứng khoán giới thiệu quan điểm của một số chuyên gia, DN.

“NVDR là lựa chọn hợp lý hơn lúc này”

Ông Johan Kruimer, Giám đốc điều hành Khối Khách hàng tổ chức, CTCK HSC

Việc tăng trần sở hữu nước ngoài lên trên mức 49% tại các DN niêm yết sẽ không giải quyết được vấn đề kích cầu vốn ngoại lúc này. Trên sàn HOSE, chỉ có dưới 6% DN niêm yết đã chạm kịch trần sở hữu nước ngoài và tỷ lệ này ở HNX là dưới 2%. Ngoài những cổ phiếu chạm kịch trần sở hữu như VNM, FPT, REE, DHGPNJ…, NĐT nước ngoài không hề hăng hái sở hữu thêm tại hầu hết DN.

Tôi không có con số chính xác về mong muốn mua cổ phiếu Việt Nam của NĐT nước ngoài, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn NĐT ngoại hiện nay trên sàn chứng khoán là NĐT tài chính nhiều hơn là NĐT chiến lược và họ không nhất thiết phải tham gia vào quyết định quản trị của DN. Một NĐT chủ động (chuyên đầu tư vào các công ty yếu kém, tham gia tái cấu trúc và cuối cùng là bán lại lấy lời) không nhất thiết phải có sở hữu đa số mới có thể gây ảnh hưởng lên quyết định quản trị. Một nhóm cổ đông - không quan trọng là nước ngoài hay trong nước - có thể kết hợp lại để có quyền lực biểu quyết và qua đó có ảnh hưởng rõ ràng tới quyết định của ban quản trị.

Các NĐT nước ngoài có thể muốn tăng thêm sở hữu ở một vài công ty nào đó, nhưng kể cả khi nới thêm room thì một lúc nào đó, room sở hữu nước ngoài mới sẽ lại hết và chúng ta sẽ lại tiếp tục tranh luận. NVDR sẽ là công cụ tốt hơn để chúng ta không phải tiếp tục tranh luận vấn đề này trong tương lai.

“Phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết khả thi hơn”

TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital

Nới room cho NĐT nước ngoài không chỉ là đòi hỏi bức bách của thị trường thời điểm hiện tại, mà từ nhiều năm nay. Nghĩa là không nên để NĐT ngoại chờ đợi thêm, mà cần có giải pháp triển khai càng sớm càng tốt. Xét yêu cầu này, cũng như thực tiễn pháp lý hiện hành và theo thông lệ quốc tế, thì phương án phát hành NVDR do HOSE đề xuất, tuy có nhiều ưu điểm, nhưng khó có tính khả thi trong thời gian ngắn.

Theo HOSE, NVDR do công ty con của Sở GDCK phát hành, trong khi Luật Chứng khoán hiện hành khi quy định về quyền của Sở GDCK, không hề quy định tổ chức này có quyền phát hành các loại chứng khoán, hoặc Sở GDCK được quyền thành lập công ty con để phát hành chứng khoán, trong khi NVDR là một dạng chứng khoán. Trong khi đó, việc sửa Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên thường mất nhiều thời gian. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho hoạt động niêm yết, giao dịch NVDR cũng chưa có, nên nếu triển khai, Bộ Tài chính phải có thông tư hướng dẫn, nên cũng mất khá nhiều thời gian.

Ở khía cạnh thông lệ TTCK quốc tế, đơn cử như thị trường Mỹ, các DN niêm yết được quyền phát hành nhiều loại chứng khoán để đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT, trong khi Sở GDCK không có quyền phát hành chứng khoán. Nói cách khác, Sở GDCK không nên can thiệp vào công việc phát hành hàng hóa của các DN niêm yết.

Vì những lý do trên, phương án cho phép DN Việt Nam được phép phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết, để ngoài tỷ lệ sở hữu tối đa hiện hành là 49%, tổ chức đầu tư nước ngoài còn được nắm thêm 10% cổ phần không có quyết biểu quyết, như đề xuất của Bộ Tài chính, UBCK tại Dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 55/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, là có tính khả thi, đồng thời nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thì có thể triển khai sớm như mong đợi từ nhiều năm nay của TTCK.

“Định hướng nới room cho NĐT nước ngoài là tốt nhất”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)

Trên quan điểm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn từ nước ngoài và nguồn vốn có tính chất xây dựng và phát triển DN trong nước, chúng tôi cho rằng, định hướng nới room cho NĐT nước ngoài là tốt nhất. Bởi xét về logic thông thường, việc nới room nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài với mong muốn các NĐT nước ngoài đầu tư dài hạn vào các DN Việt Nam và mang theo các kỹ năng quản trị, hay công nghệ tiên tiến. Vậy nếu chúng ta không cho NĐT nước ngoài tăng thêm phần biểu quyết tương ứng với đồng vốn đầu tư thì liệu họ có sẵn sàng chuyển giao kỹ năng quản trị và công nghệ hay không, hay chỉ có các quỹ đầu cơ tham gia vào với mục đích thu lợi nhuận ngắn hạn nhờ kỹ năng và kinh nghiệm dày dạn trên các TTCK mới nổi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện kinh tế, kỹ thuật cũng như tâm lý thận trọng của các nhà quản lý hiện tại thì việc phát hành NVDR sẽ dễ dàng được chấp thuận hơn, xuất phát từ việc NVDR không gây ảnh hưởng đến quản trị công ty do cổ đông chiến lược trong nước nắm cổ phần chi phối, mặt khác giúp cho NĐT có thêm cơ hội để đầu tư vào cổ phiếu của công ty. NVDR giúp thúc đẩy giao dịch, tăng sức hấp dẫn và tạo điều kiện dễ dàng cho NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. NVDR phù hợp với nhiều NĐT quan tâm đến quyền lợi tài chính và biến động giá cổ phiếu.

Như vậy, có thể thấy NVDR sẽ tạo ra sức hấp dẫn thị trường về ngắn hạn, nhưng không hẳn mang lại lợi ích dài hạn cho DN Việt Nam. Trên quan điểm lợi ích dài hạn, để có thể thu hút các nguồn vốn dài hạn đóng góp cho sự phát triển thực sự của DN, chúng ta cần nới room cho NĐT nước ngoài để họ yên tâm với đồng vốn bỏ ra, đóng góp xây dựng và phát triển DN Việt Nam.

“Cần sửa đổi các quy định pháp lý liên quan”

Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó tổng giám đốc CTCK VietinbankSC (CTS)

Đề xuất nới room của UBCK và phát hành NVDR của HOSE cho thấy, trong khuôn khổ pháp lý hiện hành về chứng khoán và TTCK, phương án nào cũng phải có những thay đổi, bổ sung các quy định pháp lý.

Muốn phát hành thêm 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho NĐT nước ngoài theo đề xuất của UBCK thì sẽ phải sửa Quyết định 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Đồng thời, các DN sẽ phải thực hiện phát hành một loại chứng khoán đặc biệt - không có quyền biểu quyết dành riêng cho NĐT nước ngoài với tỷ lệ không quá 10% vốn điều lệ. Giao dịch của các cổ phiếu này sẽ được thực hiện riêng biệt dưới dạng tách biệt so với các cổ phiếu có quyền biểu quyết khác. Quá trình hình thành loại cổ phiếu này và quá trình đưa nó vào giao dịch trên thị trường sẽ cần một thời gian chuẩn bị cả khuôn khổ pháp lý lẫn giải pháp triển khai.

Tuy nhiên, chọn giải pháp này sẽ luôn luôn bảo đảm duy trì tỷ lệ biểu quyết của NĐT nước ngoài không quá 49%. Việc phát hành NVDR theo đề xuất của HOSE cũng sẽ phải sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, đặc biệt là các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của HOSE, Trung tâm Lưu ký và các quy định nghiệp vụ có liên quan đến phát hành và giao dịch, thanh toán NVDR.

Tuy nhiên, theo tôi, trong điều kiện hiện tại, việc lựa chọn phát hành NVDR sẽ phù hợp hơn và nhanh chóng đưa sản phẩm vào thị trường hơn. Đối với các cổ phiếu đã hết room cho NĐT nước ngoài, họ vẫn tiếp tục mua được NVDR bằng các lệnh mua NVDR trên thị trường mà không cần chờ DN phát hành thêm cổ phần không có quyền biểu quyết như phương án của UBCK. Các quy định nghiệp vụ liên quan đến giao dịch, thanh toán các NVDR cũng sẽ đơn giản hơn, bởi chỉ cần thêm một ký hiệu của NVDR vào các mã cổ phiếu hiện hành là có thể nhận biết được ngay.

“Tôi nghĩ chính phủ không sẵn sàng cho phép nới Room lên trên 50%”

Ông Michel Tosto, Giám đốc Giao dịch chứng khoán khách hàng tổ chức, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tuần trước, thị trường đặc biệt quan tâm tới thông tin rằng, Văn phòng Chính phủ ủng hộ đề xuất cho NĐT nước ngoài sở hữu thêm 10% tổng lượng cổ phiếu của một công ty thông qua cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Thị trường đã diễn giải thông tin này như đó là việc tăng sở hữu nước ngoài, đồng thời tăng cả tỷ lệ biểu quyết. Tôi cho rằng, đã có sự nhầm lẫn.

Sự thực là chúng ta đã biết từ hồi tháng 6 năm nay là Chính phủ đồng tình về chủ trương với đề xuất trên, nhưng cần thêm ý kiến tham luận khác. Việc tăng trần sở hữu nước ngoài tất nhiên sẽ được hoan nghênh hơn, nhưng tôi tin rằng phương án này khó có khả năng thực hiện trong thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ, Chính phủ không sẵn sàng cho phép TTCK trở thành con đường để NĐT nước ngoài dễ dàng thâu tóm công ty Việt Nam - điều đó sẽ có thể xảy ra nếu trần sở hữu nước ngoài được nâng lên trên 50%.

Mọi người hiện đang tranh luận về việc cho phép NĐT nước ngoài mua cổ phiếu của công ty thông qua NVDR giống với mô hình của Thái Lan, hay là cho phép công ty phát hành thêm cổ phiếu không có quyền biểu quyết. NVDR sẽ khả thi hơn vì công cụ này áp dụng được cho tất cả các công ty niêm yết. Còn việc phát hành thêm cổ phiếu không có quyền biểu quyết sẽ ít có tác dụng, vì trên thực tế, các công ty đã kịch trần sở hữu nước ngoài ít khi có nhu cầu huy động thêm tiền mặt.

Nhóm phóng viên thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 22/08: Xu hướng tăng vẫn được “bảo lưu” (21/08/2013)

>   Việt Nam ở mức dưới trung bình về quản trị công ty và ngân hàng (21/08/2013)

>   Ngày 22/08: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (22/08/2013)

>   Góc nhìn 21/08: Sẽ tăng điểm trở lại? (20/08/2013)

>   Ngày 20/08: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn kỹ thuật (20/08/2013)

>   Tín hiệu kỹ thuật từ các Trading System: Tuần 19 – 23/08 (21/08/2013)

>   Góc nhìn 20/08: Tâm lý tích cực hơn (19/08/2013)

>   Góc nhìn 19 - 23/08: Phá vỡ kháng cự? (18/08/2013)

>   Chủ tịch UBCK: “Thị trường chứng khoán đã có được những bước tiến lớn” (18/08/2013)

>   Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: SCR - CTCP Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín (21/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật