Góc nhìn 22/08: Xu hướng tăng vẫn được “bảo lưu”
Mặc dù giảm điểm trong phiên giao dịch 21/08 nhưng nhiều ý kiến cho rằng xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa thay đổi. Phiên điều chỉnh chính là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Xu hướng tăng điểm vẫn chưa đổi
CTCK BIDV (BSI): Tâm lý giao dịch đã trở lên thận trọng với diễn biến bất lợi của thị trường thế giới và việc đẩy mạnh bán ròng khối ngoại, tuy vậy thanh khoản vẫn duy trì khá ổn định và thị trường không có dấu hiệu hoảng loạn dù có thời điểm mức giảm trên 7 điểm.
Sau phiên bứt phá tạo “gap” ngày 15/8, VN-Index đã tạo mặt bằng giá cùng với mặt bằng khối lượng ổn định 60 triệu cổ phiếu/ phiên trong 4 phiên liên tục. Vùng gap từ 503-505 điểm sẽ hỗ trợ cho thị trường trong phiên ngày mai, tuy nhiên một sự giảm sút qua vùng này với khối lượng giao dịch từ 60-70 triệu cổ phiếu là một tín hiệu xấu cho đợt tăng giá ngắn hạn, cho dù ngưỡng hỗ trợ cứng đang nằm trong khoảng 495-500 điểm.
Theo quan điểm phân tích kỹ thuật thì xu hướng tăng điểm của VN-Index vẫn chưa có sự thay đổi, dù vậy chúng tôi vẫn lưu ý về việc nên hạ bớt tỷ trọng đầu tư khi VN-Index xuyên thủng và đóng cửa ở dưới vùng giá 503-505 điểm trong phiên giao dịch 21/8.
Có thể tăng trở lại
CTCP Chứng khoán ACB (ACBS): PVF là một trong số ít mã bất ngờ đi ngược thị trường ngày hôm qua khi đóng cửa với dư mua ở giá trần. Tuy nhiên, ACBS không nhận thấy sự kiện bất thường nào liên quan đến hoạt động của PVF. Về mặt kỹ thuật, việc mã này giao dịch gần vùng mức hỗ trợ 6,000, tồn tại trong hai năm qua, có thể đã làm gia tăng lực cầu bắt đáy.
Mã này cũng vừa vượt đường trung bình 20 ngày, là dấu hiệu tích cực đáng chú ý khác. ACBS cho rằng PVF có thể hồi phục về vùng 7,500-8,000, vùng phân phối gần nhất và là mức Fibo 38.,2%.
Lực cầu bắt đáy mạnh diễn ra trong phiên chiều 21/08 là dấu hiệu tích cực. Cây nên Hammer hình thành cho thấy khả năng thị trường có thể tăng trở lại trong phiên tới. Nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục tích lũy thêm cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Tiếp tục giảm điểm
Công ty chứng khoán MB (MBS): Thị trường tiếp tục cho thấy sự rủi ro khi hai chỉ số đều biến động mạnh trong phiên. VN-Index và HNX-Index hình thành các nến thân nhỏ với bấc dưới dài. Cây nến với bấc dưới dài là tín hiệu tích cực vì nó phản ánh lực mua tăng lên lúc cuối phiên.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng chỉ báo kỹ thuật PSAR của VN-Index cảnh báo khả năng giảm tiếp tục. Trong điều kiện hiện tại, nhà đầu tư nên cân nhắc không nên mua bán với giá trị quá lớn.
Điều chỉnh là cơ hội
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Về yếu tố tác động, thông tin về việc chỉ số CPI của Hà Nội tăng hơn 3% và sự sụt giảm của chứng khoán châu Á đã gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên 21//08, việc lượng cung bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch buổi chiều đã phản ánh tâm lý lo ngại của một phận nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.
Tuy vậy, tín hiệu lạc quan cũng được ghi nhận khi sức cầu giá thấp được đẩy mạnh tại thời điểm thị trường lao dốc đã giúp VN-Index đóng cửa với mốc 500 điểm vẫn được giữ vững. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào việc xu thế hồi phục sẽ sớm trở lại trong một vài phiên tới. Trong phiên giao dịch, thanh khoản vẫn được duy trì khá tốt, ngoại trừ tác động xấu của các cổ phiếu lớn thì tại một vài cổ phiếu vẫn có dấu hiệu của dòng tiền đầu cơ.
Theo quan điểm của FPTS thì phiên 21/08 vẫn là bước điều chỉnh kỹ thuật của thị trường, khả năng tiếp tục hồi phục tới những ngưỡng điểm cao hơn được giữ vững. Theo đó, diễn biến điều chỉnh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tiếp tục gia tăng tích lũy đối với các mã cổ phiếu có cơ bản tốt, giá chưa tăng nhiều và thuộc nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng.
Xu hướng tăng điểm vẫn được bảo lưu
CTCK Bảo Việt ( BVSC): Việc tăng cao của CPI trong tháng 8 sẽ có tác động nhất định đến bức tranh kinh tế vĩ mô và khả năng điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành cũng không còn nhiều trong các tháng cuối năm. Cơ hội tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất tín dụng đầu ra sẽ trông chờ vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu nhằm giảm biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.
Trên góc độ vận động dòng tiền và PTKT, khả năng duy trì xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn đang được bảo lưu. Mặc dù bị bán mạnh vào đầu phiên chiều nhưng lực cầu bắt đáy đã sớm xuất hiện trở lại, giúp VN-Index lấy lại phần lớn số điểm đã mất về cuối phiên.
Khối lượng giao dịch được duy trì trên 50 triệu đơn vị khớp lệnh trên HOSE cũng cho thấy dòng tiền vẫn chưa có tín hiệu thoát ra. Các nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị duy trì vị thế và tranh thủ quay vòng một phần danh mục - bán khi tăng chạm kháng cự và mua khi giảm về hỗ trợ - nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Sanh Tín tổng hợp
Infonet
|