Thứ Bảy, 10/08/2013 09:19

DN kinh doanh XK Thủy sản: Áp lực mới từ giá điện

Theo ghi nhận của DĐDN, giá xăng và điện đồng loạt tăng đã đẩy DN ngành thủy sản lâm vào tình cảnh khó khăn hơn, giá đầu vào bị đội lên cao trong khi đầu ra của hầu hết sản phẩm đều đang bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Tổng giám đốc Cty CP chế biến thủy sản XK An Hóa (Bến Tre) cho biết:

Ngành thủy sản có hai chuỗi hoạt động chính là nhà máy chế biến và kho đông lạnh. Riêng tại nhà máy chế biến, cơ cấu điện nằm trong giá thành chiếm từ 10 – 20%, đối với kho đông lạnh thì con số này cao hơn nhiều, phải từ 30 – 50%. Bình quân mỗi tháng, DN phải trả cho ngành điện khoảng 600 triệu đồng. Nay theo đợt tăng giá điện lần này đối với cấp điện áp từ 110 kV trở lên, mức giá điện cho sản xuất giờ thấp điểm ở mức 792 đồng/kWh, mức giá giờ bình thường là 1.277 đồng/kWh, mức giá cho giờ cao điểm lên tới 2.284 đồng/kWh. Đây là bài toán khó cho các DN ngành thủy sản chúng tôi. Với đặc thù của ngành thủy sản, không thể chuyển công nhân sản xuất sang làm vào những giờ “thấp điểm” hoặc không thể ngắt điện kho đông lạnh vào giờ “cao điểm” bởi nguyên liệu về là phải sản xuất ngay và khi hoàn thành là đưa vào kho đông lạnh để cấp đông trước khi XK. Còn nếu không tăng giá bán ra thì sẽ lỗ, nhưng tăng giá bán thì liệu thị trường XK có chấp nhận không. Hiện DN đang cân nhắc để tìm hướng đi thích hợp.

Ông Tăng Hồng - chủ DN Sông Hậu (Cần Thơ) bức xúc:

Đầu vào thì tăng giá, trong khi đầu ra lại không tăng được, lợi nhuận của DN vốn đã ít ỏi nay càng teo tóp hơn. Cứ nói hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nhưng các chi phí đầu vào lại liên tục tăng, DN chẳng được hỗ trợ bao nhiêu. Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng này, DN không thể nào ngóc đầu lên được thì nói gì đến tích lũy để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường cho tương lai. Ngành điện trong năm 2012 đạt tổng doanh thu bán điện lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức khoảng 7 tỉ USD), lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng, thì việc tăng giá điện đợt này nghe không có sức thuyết phục. Tuy vậy, để “bảo toàn” cho DN, giải pháp đưa ra lúc này là chuyển một bộ phận ở lò luyện kim và khu cơ khí chính xác làm việc vào ban đêm để hưởng mức giá thấp nhất của bảng giá điện mới.

Một DN trong ngành nhựa chuyên sản xuất các mặt hàng bao bì phục vụ XK thủy sản khẳng định:

Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch chi phí, sản xuất và lợi nhuận của DN. Nhất là trong thời điểm “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay thì việc tăng giá để bù lỗ cho chi phí đầu vào gia tăng như giá điện sẽ khó thuyết phục được đối tác của mình là ngành sản xuất xi măng do thị trường này hiện đang ở “thế khó” do hàng tồn kho lớn. Ngành điện cần có lộ trình công bố dài hạn về giá điện, đồng thời minh bạch chi phí giá, công bố việc tiết kiệm chi phí của họ, giảm hao tổn điện năng và cơ cấu các chi phí trong giá điện cụ thể như thế nào vẫn chưa được công khai, minh bạch. Những khúc mắc này nếu chưa được giải đáp thấu đáo sẽ không nhận được sự đồng tình của xã hội và mọi người cho rằng do độc quyền nên ngành điện luôn chỉ nghĩ đến tăng giá.

Ông Phạm Trọng Nhường - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Tiền Giang cho rằng:

Trong khi Nhà nước vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp khác để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh giải quyết tình trạng nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho như các biện pháp hỗ trợ về thuế, lãi suất, thị trường… giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay thì việc tăng giá điện sau khi giá xăng vừa điều chỉnh tăng là không hợp lý. Dù rằng, theo lý giải của ngành điện, thì việc tăng giá điện là cần thiết. Song việc tăng giá điện ở mức độ nào cần phải công khai, minh bạch các khoản chi phí ngành điện, chứ không thể kêu thua lỗ để tăng giá, trong khi người dân và giới DN không biết đó là thua lỗ do quản trị kém hay do đầu tư ngoài ngành. Việc ngành điện chưa tận dụng tốt nguồn thủy điện để tăng nguồn điện giá rẻ giúp giảm những chi phí không cần thiết là điều đáng tiếc.

Ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng giám đốc Cty CP thủy sản Cafatex (Cần Thơ), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN cho biết:

Hiện hai sản phẩm XK chủ lực là cá tra và con tôm đang gặp nhiều khó khăn với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp khiến nhiều DN phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng và thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì việc tăng giá điện trong giai đoạn này càng khiến ngành hàng này thêm “kiệt sức”. Với giá điện tăng như hiện nay như một cú “nốc ao” khiến số DN này chết nhanh hơn.

Quốc Chánh

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cửa hẹp cho doanh nghiệp nội (10/08/2013)

>   Chung sức đưa hạt gạo Việt Nam ra thế giới (10/08/2013)

>   Minh bạch hoạt động các dự án FDI: Chưa đủ tư liệu nên ngại công khai? (09/08/2013)

>   Vinashin chính thức thoát vụ kiện quốc tế (09/08/2013)

>   Thu hút FDI: Bước chậm trong khôn ngoan? (09/08/2013)

>   Phó chủ tịch Hiệp hội Thép: EVN lạc hậu, bán điện giá cao là không công bằng (09/08/2013)

>   Sawaco muốn tăng giá nước (09/08/2013)

>   Cơ hội kèm thách thức trở lại với ngành tôm (08/08/2013)

>   Thị trường bánh Trung thu 2013 - Cuộc đua chất lượng và sự khác biệt (08/08/2013)

>   Ngành dệt may không dễ hưởng lợi từ TPP (08/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật