Thứ Sáu, 09/08/2013 09:39

Phó chủ tịch Hiệp hội Thép: EVN lạc hậu, bán điện giá cao là không công bằng

"Lấy lý do ngành thép công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện để áp mức giá đặc biệt là không công bằng. Tôi hỏi ngành điện là có bao nhiêu nhà máy nhiệt điện vào loại tiên tiến? Có những nhà máy mà tôi nhớ Vinashin đã nhập cực kỳ lạc hậu ở Nam Định mà báo chí đã nói rất nhiều. Với loại máy móc lạc hậu như vậy mà anh lại nhập khẩu về để sản xuất điện thì giá điện sẽ lên đến bao nhiêu? Tại sao ngành điện không kể đến những cái như thế?" - Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đặt câu hỏi cho ngành điện.

Đầu tháng 6/2013, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến dự thảo sửa đổi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó có đề xuất sẽ áp mức giá đặc biệt đối với ngành sản xuất sắt, thép, xi măng vì sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn, lãng phí điện. Trước đó, Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng đã đưa ra kiến nghị này.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thì đây là một đề xuất vô lý, không công bằng. Và trước khi chê trách các ngành khác, Tập đoàn Điện lực nên tự xem xét lại mình, công nghệ của ngành điện cũng vô cùng lạc hậu nên không tránh khỏi giá thành điện cao.

"Nếu nói đến ngành điện thì có 2 điều cần phải nhắc đến. Thứ nhất là đã minh bạch toàn bộ ở ngành điện chưa? Hay là vẫn cứ tù mù, không ai biết lỗ, lãi ở mức độ nào cả?

Ví dụ như ngành thép là hiển hiện ngay. Nếu giải quyết tốt thì có thu nhập tốt, còn giải quyết không tốt thì thu nhập kém. Còn ngành điện có khi là không cần biết, thu nhập cứ ổn định, tốt hay không tốt vẫn ổn định. Cho nên yêu cầu là phải minh bạch hóa, phải rõ ràng, phải giống như các ngành khác, chứ không phải âm thầm làm những cái khác để rồi Nhà nước bao cấp cho được.

Thứ hai là ngành điện cũng phải phấn đấu công nghệ, thiết bị tiên tiến hơn để chỉ tiêu tiêu hao thấp, từ đó mới có giá thành thấp. Chứ ngành điện cứ đi chê các ngành khác mà bản thân mình thì không đả động gì đến. Việc này cũng cần phải xem lại" - Ông Nghi cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

Cũng theo ông Nghi, với đề xuất của Tập đoàn Điện lực (EVN) cần áp mức giá đặc biệt với ngành thép và xi măng vì tiêu tốn quá nhiều điện là một việc hết sức vô lý, vì cái gì cũng phải công bằng, còn nếu đã áp 2 loại giá khác nhau là không công bằng.

"Thép cũng như điện và các ngành khác, đều lọt lòng trong cơ chế bao cấp mà ra, cùng một mặt bằng và có phát triển được cũng là từ khi chuyển sang cơ chế thị trường. Có nghĩa là cùng một mặt bằng, cùng đến một thời điểm như hiện nay lại bảo là tách ra, bảo là một mình xi măng với thép tiêu tốn điện là vô lý.

Đang cùng đi trên một mặt đường, tự nhiên anh lại nhấc thằng này lên, bảo nó là tiêu tốn, cho nó đi đường khác là thỏa đáng? Không nước nào người ta làm như vậy. Chỉ có anh cửa quyền, độc quyền, không theo cơ chế thị trường thì mới làm như vậy.

Còn theo cơ chế thị trường như bây giờ, dù tôi rất muốn nâng giá thép, nhưng tôi không thể nâng được, thị trường không tiêu thụ được. Nhưng riêng ngành điện độc quyền thì mới nói như vậy. Ngành thép với các ngành khác có dám nói như vậy không? Chả ai dám nói.

Vậy cớ làm sao mà ngành điện lại nói là áp mức giá riêng cho ngành thép và xi măng? Nói thế là không được, rất vớ vẩn, không có tí kiến thức gì về thị trường cả" - Ông Nghi cho biết.

Lấy lý do ngành thép công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện để áp mức giá đặc biệt là không công bằng.

Công nghệ của ngành điện mới là lạc hậu!

Đề cập đến ý kiến của Bộ Công thương và EVN khi cho rằng, phải áp mức giá điện riêng cho xi măng và thép là vì công nghệ của hai ngành này rất lạc hậu, dẫn đến việc tiêu tốn và lãng phí điện năng, ông Nghi khẳng định, công nghệ của ngành thép là rất hiện đại, còn công nghệ của chính ngành điện mới là lạc hậu.

"Nếu nói công nghệ của ngành thép lạc hậu thì chỉ đúng từ năm 2005 trở về trước, còn từ năm 2005 trở lại đây ngành thép đã đầu tư quá hiện đại. Ví dụ như có những lò sản xuất phôi thép ở Bà Rịa Vũng Tàu có năng suất 120 tấn/mẻ là lớn nhất Đông Nam Á, không có một lò nào là lớn hơn cả. Công suất 1 triệu đến 1,2 triệu tấn/năm và thiết bị của G7. Toàn bộ thiết bị luyện thép, cán thép là của G7 hết...

Chúng tôi, sẵn sàng cung cấp thông tin về các nhà máy cho ngành điện xem và đánh giá mức tiêu hao điện là bao nhiêu. Thế cho nên ngành điện cứ nói đại, nói theo thói của một anh được bao cấp, được chiều chuộng, phán quyết người khác mà người khác không được phán quyết mình.

Tiếp theo nữa, tôi hỏi ngành điện là có bao nhiêu nhà máy nhiệt điện xếp vào loại tiên tiến? Có những nhà máy mà tôi nhớ Vinashin đã nhập cực kỳ lạc hậu ở Nam Định mà báo chí đã nói rất nhiều.

Với loại máy móc lạc hậu như vậy mà anh lại nhập khẩu về để sản xuất điện thì giá điện sẽ lên đến bao nhiêu? Tại sao ngành điện không kể đến những cái như thế? Đấy là tôi lấy một ví dụ thôi chứ chưa kể đến những anh khác nữa mà báo chí đã công khai.

Vấn đề tiếp nữa mà tôi muốn nói đến là nếu chỉ áp riêng mức giá đối với ngành thép và xi măng, còn bỏ qua các ngành khác cũng tiêu tốn điện là không công bằng. Có lẽ vì EVN thấy có mỗi ngành thép và xi măng hiền lành và chí thú làm ăn quá nên nhắm vào chăng?" - Ông Nghi đặt ra câu hỏi.

Cũng theo ông Nghi, nếu hiện nay ngành điện cũng phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường thì sẽ thế nào? Khi có nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh ngành điện chứ không phải một mình EVN, thì khi EVN tuyên bố tăng giá sẽ còn có người mua điện của EVN không? Hay người ta sẽ mua của doanh nghiệp khác, và EVN sẽ chết?

"Giờ có mỗi một anh EVN, anh bảo làm thế và anh làm thật thì tôi cũng phải chịu thôi, tôi còn cách nào khác. Đâu có anh thứ hai cho tôi lựa chọn.

Còn anh điện bảo tôi đầu tư quá, làm tiêu tốn điện thì tất cả các ngành khác cũng đều phải đầu tư. Khi tôi bắt đầu làm, anh đã cam kết, thỏa thuận sẽ cung cấp điện cho tôi thì tôi mới dám làm. Bây giờ anh lại bảo ngành thép làm nhiều nhà máy quá, tiêu hao điện nhiều quá, phải tăng giá là vô lý" - Ông Nghi nói.

Duyên Duyên

Đất Việt

Các tin tức khác

>   Sawaco muốn tăng giá nước (09/08/2013)

>   Cơ hội kèm thách thức trở lại với ngành tôm (08/08/2013)

>   Thị trường bánh Trung thu 2013 - Cuộc đua chất lượng và sự khác biệt (08/08/2013)

>   Ngành dệt may không dễ hưởng lợi từ TPP (08/08/2013)

>   Công ty mua bán điện bị tố lạm dụng vị thế độc quyền (08/08/2013)

>   Người dân ép xác, DN chết kẹt (08/08/2013)

>   Sản lượng ngành chế tạo Anh tăng mạnh nhất từ 2010 (07/08/2013)

>   Ấn Độ sắp dỡ bỏ thuế nhập khẩu cám gạo (07/08/2013)

>   Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu vào các nước trong TPP (07/08/2013)

>   Cân đối tài chính của TKV tiếp tục gặp khó (07/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật