Cửa hẹp cho doanh nghiệp nội
Qua 15 năm, thị trường thức ăn nhanh Việt Nam vẫn là sân chơi riêng của các doanh nghiệp ngoại và cuộc chiến giành thị phần cũng là giữa các thương hiệu ngoại với nhau
Mặc dù nhìn thấy rõ thị trường thức ăn nhanh đang tăng nóng và vẫn còn nhiều dư địa để khai thác nhưng đến nay, ngoại trừ làn sóng nhà đầu tư ngoại ồ ạt đổ vào (sẽ còn nhiều hơn nữa khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ năm 2015), các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn đang đứng ngoài cuộc.
Không còn nhiều cơ hội
Một số thương hiệu Việt trong lĩnh vực này như Phở 24, cơm kẹp VietMac… bước đầu đã tạo dấu ấn nhưng không duy trì được sự phát triển ổn định. Phở 24 hiện đã sang tên đổi chủ và thuộc về Jollibee. VietMac thì chùng xuống hẳn. Kinh Đô từng có kế hoạch tham gia vào thị trường thức ăn nhanh, mở 2-3 cửa hàng theo hình thức này nhưng kinh doanh không hiệu quả...
Khách hàng chờ mua thức ăn nhanh tại một cửa hàng của Lotteria
|
Theo giới kinh doanh, ngoài những hạn chế lớn về khả năng tài chính, trình độ quản lý, đặc thù món ăn Việt có thể là những món ăn phục vụ nhanh chứ không phải thức ăn nhanh, việc DN Việt không tham gia vào lĩnh vực này còn do không có niềm tin vào nó. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh Lotteria, cho rằng Việt Nam không thiếu những DN lớn có khả năng đầu tư phát triển thương hiệu và đã thành công nhưng ở những lĩnh vực khác. Riêng với thức ăn nhanh, hầu hết DN Việt không có niềm tin và định hướng tiêu dùng. Những DN tiên phong trong lĩnh vực này như Lotteria, KFC đã phải chịu nhiều “mất mát” mới xây dựng được thị trường như hôm nay. DN Việt không thể chịu được mất mát tương tự… Đây chính là “lỗ hổng” để các nhà đầu tư ngoại nhảy vào. Đến nay, khi thị trường thức ăn nhanh cơ bản đã phân chia thị phần thì không còn nhiều cơ hội cho DN Việt chen chân.
Chuyên gia marketing Hoàng Tùng thì cho rằng thương hiệu ngoại có một số ưu điểm vượt trội. Thứ nhất, họ có tiềm lực tài chính hùng hậu (KFC thông báo chịu lỗ sau 7 năm thâm nhập thị trường Việt Nam nhưng giờ đang thành công rực rỡ. DN Việt không thể chịu lỗ lâu như vậy). Thứ hai, khả năng quản trị về chuỗi nhà hàng của các DN nước ngoài rất tốt. Thứ ba, những thương hiệu như KFC, McDonald’s, Starbucks... đều là những cái tên có sức hút lớn đối với người tiêu dùng. Thứ tư, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam còn rất chuộng ngoại. Đây là một trong những lợi điểm của các DN nước ngoài. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường này, DN Việt vẫn có thể tìm ra những món ăn thuần Việt và làm thương hiệu tốt với quy chuẩn tốt, ví dụ Phở 24, bánh cuốn Gia An...
Sau nhượng quyền sẽ là thâu tóm?
Khác với KFC, Lotteria, Jollibee đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, một số thương hiệu lớn gần đây vào Việt Nam như McDonald’s, Burger King, Starbucks… thông qua hình thức nhượng quyền thương mại.
Theo chuyên gia marketing Hoàng Tùng, nguyên nhân khiến các thương hiệu chọn đến Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền chứ không phải đầu tư trực tiếp là do nhượng quyền là một trong những cách nhanh nhất để nhân bản thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường. Với cấp nhượng quyền cao nhất - master franchise (McDonald’s, Burger King, Starbucks nhượng quyền vào Việt Nam theo hình thức này), bên mua nhượng quyền chịu trách nhiệm phát triển trong 1 quốc gia hoặc 1 vùng, sau khi phát triển thành công sẽ bán lại. Theo ông Hoàng Tùng, đây là công cụ kinh doanh rất hiệu quả và quyền lực để phát triển thương hiệu, nhất là trong lĩnh vực thức ăn nhanh.
Nhiều DN cũng cho rằng các đối tác nhận nhượng quyền tại Việt Nam thực chất đang đóng vai trò người gầy dựng, làm nhiệm vụ đưa thương hiệu vào Việt Nam, phát triển mở rộng thương hiệu nhằm mục đích bán lại cho công ty mẹ ở nước ngoài hoặc bán lại cho một đối tác khác để kiếm lời. “Mọi hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc đổ bộ vào Việt Nam khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Nói cách khác, thị trường thức ăn nhanh sẽ hoàn toàn do nước ngoài làm chủ” - giám đốc kinh doanh một chuỗi thức ăn nhanh cho biết.
Trong khi đó, ở cấp độ nhượng quyền thấp hơn, 2 thương hiệu KFC và Lotteria cũng có kế hoạch mở rộng hệ thống tại Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền nhưng đến nay, kế hoạch vẫn còn đang cân nhắc. Việc kiểm soát chất lượng và quản lý chuỗi đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo sự đồng bộ, nhất quán của hệ thống. Đây lại là điểm hạn chế lớn khiến các DN ngần ngại phát triển thông qua nhượng quyền tại Việt Nam. Thất bại do nhượng quyền của Phở 24, cà phê Trung Nguyên là bài học lớn mà DN nào cũng phải dè chừng.
Chạy đua giành mặt bằng đẹp
Cùng với cuộc chạy đua mở rộng hệ thống, cuộc chạy đua tranh giành mặt bằng đẹp của các thương hiệu thức ăn nhanh cũng không kém phần gay cấn. Các DN không ngại trả giá cao để giành giật những mặt bằng đắc địa.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, hiện bình quân giá mặt bằng của các thương hiệu thức ăn nhanh ở trung tâm quận 1, quận 3, Phú Nhuận khoảng 40-50 USD/m2/tháng; tại các quận vùng ven khoảng 15-20 USD/m2.
|
Thanh Nhân
Người lao động
|