Minh bạch hoạt động các dự án FDI: Chưa đủ tư liệu nên ngại công khai?
Việc Coca-Cola và ADIDAS đầu tư thu lợi nhuận tại Việt Nam suốt thời gian dài không mất đồng thuế nào gây bức xúc dư luận. Dù Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra một số doanh nghiệp FDI “nghi ngờ chuyển giá” nhưng việc công bố kết quả vẫn chưa được thực hiện...
Từ chuyện Coca-Cola...
Trong chuyến thăm Mỹ và gặp gỡ các tập đoàn hàng đầu của Mỹ đầu tư tại Việt Nam vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh đã có cuộc làm việc với đại diện Tập đoàn Coca-Cola.
Cổng thông tin điện tử của Cục Đầu tư nước ngoài tường thuật lại và cho biết tại buổi làm việc nói trên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hoan nghênh việc Coca-Cola tiếp tục việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng thêm 300 triệu USD trong vòng 3 năm tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị Coca-Cola “nên thường xuyên cung cấp thông tin và minh bạch các hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam góp phần thực hiện có hiệu quả dự án tại Việt Nam và giữ đúng tiến độ cam kết đầu tư”.
Dư luận quan tâm tới Coca-Cola bởi Cty là một trong số các tên tuổi lớn dính tới nghi án chuyển giá hồi năm ngoái khi liên tục công bố lỗ đồng thời vẫn lên kế hoạch mở rộng đầu tư.
Ngay hồi tháng 4 năm nay, khi trả lời trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, trả lời về hiện tượng chuyển giá của một số DN FDI Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhắc lại rằng Việt Nam “không chấp nhận việc Coca-Cola hay ADIDAS đầu tư thu lợi ở Việt Nam mà không mất một đồng tiền thuế nào, chúng ta không bằng lòng và chấp nhận chuyện này”.
Bộ trưởng cũng nêu “quan điểm của Bộ KHĐT là chúng ta phải làm chặt chẽ và nghiêm túc việc này”.
Nhưng ngay sau đó, đại diện Coca-Cola tại Việt Nam đã lên tiếng khẳng định tập đoàn không chuyển giá để trốn thuế. Coca-Cola cũng khẳng định dù chưa có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập DN, nhưng trong khoảng thời gian từ 2008 đến tháng 5.2013, Cty này đã đóng hơn 33 triệu USD các loại thuế khác nhau.
... tới chuyện minh bạch
Trao đổi với PV Lao Động, GS- TSKH Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT, đồng tình rằng việc yêu cầu đối tượng minh bạch là điều khó và càng thể hiện năng lực của cơ quan quản lý.
Với Coca-Cola, trong mấy năm vừa rồi Cty không đóng thuế TNDN nhưng có đóng thuế VAT và các loại thuế khác.
“Bộ máy ở mình thường đủ sức phát hiện vấn đề nhưng đi xử lý những vấn đề ấy thì rất lâu; thiếu phương án nhanh và hiệu quả vừa đảm bảo lợi ích của DN và đồng thời đảm bảo lợi ích của quốc gia”, GS Mại nói.
GS Nguyễn Mại cho rằng câu chuyện chuyển giá là muôn năm trong cơ chế thị trường, và ngay cả ở thị trường lớn như Mỹ cho tới những thị trường nhỏ.
“Chỉ còn làm thế nào Nhà nước khắc phục được nó không phải chỉ một lần mà bằng luật pháp, bằng phản ứng chính sách”, vị chuyên gia đầu ngành về FDI cho hay.
Trong buổi tổng kết 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, TS Nguyễn Đăng Bình cũng đã chỉ ra 2 trong số các nguyên nhân khách quan dẫn tới các hạn chế của dòng vốn FDI như dự án ảo, chuyển giá... là luật pháp chưa đồng bộ và công tác kiểm tra giám sát còn hạn chế.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra một số DN FDI nằm trong diện nghi ngờ có khả năng chuyển giá và đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc công bố danh tính cụ thể lại vướng phải lo ngại sẽ tác động không tích cực tới việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Tôi thì tôi không sợ vì những nhà đầu tư chân chính họ chẳng bao giờ đi lấy những thông tin như thế để đánh giá về môi trường đầu tư cả”, GS Nguyễn Mại nói.
Ông cho rằng những nhà đầu tư chân chính khi đầu tư bao giờ cũng quan tâm tới sự ổn định luật pháp, thủ tục hành chính, công khai minh bạch.. chứ không phải vì công bố bao nhiêu DN bị phạt về môi trường, bao nhiêu DN bị phạt về trốn thuế mà họ không đầu tư. Ông cũng cho rằng việc công khai những nhà đầu tư không làm đúng luật cũng là cách minh bạch môi trường đầu tư.
“Những nhà đầu tư chân chính nên được khuyến khích. Còn những nhà đầu tư vi phạm luật pháp thì phải bị xử lý nghiêm. Chỉ khi mình chưa có tư liệu chính xác nên ngại công khai”, GS Nguyễn Mại nói.
Lưu Thủy
Lao động
|