CTCK nhỏ: Những nỗi niềm khó tỏ
Gặp cảnh TTCK khó khăn kéo dài như hiện tại, các CTCK nhỏ đang đối diện với không ít điều… khó nói.
* Điểm mặt CTCK “nguy cơ” cao bị rút giấy phép!
Tình trạng “3 mỏng”
Theo quy định hiện hành, 300 tỷ đồng là số vốn pháp định tối thiểu mà các CTCK phải đạt được nếu muốn triển khai đầy đủ các nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư. Để được triển khai nghiệp vụ tự doanh, CTCK phải đáp ứng điều kiện vốn pháp định từ 100 tỷ đồng trở lên. Với quy định này, các CTCK nhỏ có vốn dưới 100 tỷ đồng không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc triển khai hai nghiệp vụ là môi giới và tư vấn.
Thực tế trên cộng với sức ép cắt giảm chi phí để tồn tại khiến các CTCK nhỏ đang phải đối mặt với tình trạng “3 mỏng”: nhân sự, vốn và mỏng nghiệp vụ kinh doanh. Đây chính là nguyên nhân hiệu quả hoạt động của các CTCK quy mô nhỏ thường kém và khó cải thiện.
Theo ông Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK An Thành, cơ quan quản lý đặt ra mức vốn pháp định đối với việc triển khai các nghiệp vụ là cần thiết, nhưng thực tế đang đòi hỏi cần có quy định linh hoạt hơn. “Với đa phần CTCK nhỏ, đòi hỏi phải phải có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng mới được thực hiện tự doanh rất khó đáp ứng. Không ít CTCK có lượng tiền mặt lên đến 70 - 80 tỷ đồng, nhưng không được phép tự doanh, đành phải gửi vào ngân hàng. Cách khống chế này khiến một lượng tiền không nhỏ từ các CTCK chảy sang ngân hàng, trong khi nếu quy định về tự doanh mềm dẻo hơn, thì TTCK sẽ có thêm dòng tiền lành mạnh, qua đó góp phần cải thiện thanh khoản”, ông Phú nói.
Ông Phú cũng nhìn nhận, nếu xuất phát từ quan niệm tự doanh rủi ro hơn gửi tiền vào ngân hàng, hay mua trái phiếu Chính phủ, dẫn tới không cho phép CTCK nhỏ triển khai nghiệp vụ tự doanh là không hoàn toàn hợp lý. Bối cảnh vĩ mô hiện tại chứng minh, gửi tiền ngân hàng và mua trái phiếu Chính phủ cũng có rủi ro, khả năng sinh lời thấp, trong khi tự doanh mang lại cơ hội kiếm lời tốt hơn cho CTCK.
“Tự doanh không nên hiểu thiên về lướt sóng, mà là đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư giá trị…”, ông Phú nhấn mạnh.
Không riêng gì ông Phú, lãnh đạo nhiều CTCK nhỏ cho rằng, cơ quan quản lý nên xem xét cho phép CTCK nhỏ được phép triển khai nghiệp vụ tự doanh với mức độ phù hợp, miễn sao vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.
Từ tình trạng vốn mỏng hiện tại, nhiều CTCK nhỏ đang có nhu cầu tăng vốn để có cơ hội triển khai thêm nghiệp vụ kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu chính đáng này đang gặp phải rào cản từ quy định pháp lý về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Lãnh đạo một CTCK có vốn đầu tư nước ngoài cho hay, việc duy trì mức vốn vài chục tỷ đồng khiến Công ty bị “bó tay, bó chân” nhiều năm nay, không thể mở rộng hoạt động kinh doanh. Điều này khiến Công ty bị lỗ, hoặc có lãi thì rất nhỏ, chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Để khắc phục tình trạng này, từ cuối năm ngoái, phía đối tác ngoại (hiện nắm 49% cổ phần tại Công ty) muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 49% và rót thêm vốn để mở rộng hoạt động, nhưng quy định pháp lý không cho phép NĐT nước ngoài được chọn các ngưỡng sở hữu trong khoảng từ 50 -99%. Trong khi, đại diện phần vốn phía Việt Nam không muốn tăng thêm vốn, vì họ chỉ chờ cơ hội để thoái bớt, nên đối tác ngoại không có cơ hội gia tăng tỷ lệ góp vốn tương ứng. Điều này khiến nhu cầu tăng vốn, để triển khai thêm nghiệp vụ của Công ty đang rơi vào bế tắc.
Mịt mờ lối đi
Kinh doanh thua lỗ kéo dài, khủng hoảng trong định hình một chiến lược phát triển sắc nét, nhưng không phải ông chủ CTCK nào cũng dũng cảm công khai thừa nhận thất bại và thoái lui khỏi thị trường. Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, có khá nhiều CTCK nhỏ đang bế tắc trong đưa ra quyết định ra đi hay ở lại với thị trường.
Lãnh đạo một CTCK tâm sự, gắn bó với thị trường gần chục năm nay, giờ đây, Công ty đang đứng giữa ngã ba đường. Sau khi cắt giảm tất cả những gì có thể, từ chuyển trụ sở đến hai lần, đến giảm quá nửa nhân viên, chẳng biết rồi đây, Công ty phải xoay sở ra sao để trụ vững và lớn lên trong bối cảnh cạnh tranh giữa các CTCK ngày một gay gắt, cơ hội dành cho CTCK nhỏ ngày một ít hơn.
Với không ít ông chủ CTCK nhỏ, không dưới một lần câu hỏi: “Với chừng ấy vốn đang bỏ vào CTCK, liệu có hiệu quả hơn nếu chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác?” được đặt ra. Câu trả lời đang mịt mờ như chính lối đi của các CTCK nhỏ, dẫu rằng họ vẫn tiếp tục nuôi hy vọng và chờ đợi!
Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán
|