SMC: Vết đen trong công bố thông tin lợi nhuận
Chỉ đến khi thông tin khoản lỗ gần 27 tỷ đồng hợp nhất theo báo cáo tài chính quý 2/2013 của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) được công bố thì nhà đầu tư mới vỡ lẽ bởi những ảo tưởng lợi nhuận được xây dựng trước đó.
Có thể thấy, SMC trước nay đã tạo được một nền tảng và niềm tin nhất định của nhà đầu bởi hoạt động kinh doanh ổn định, lợi nhuận bình quân trên mức 70 tỷ đồng trong 5 năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng của kinh tế trong và ngoài nước.
Thông tin khả quan gần đây nhất, vào những ngày đầu tháng 6, việc cung cấp khoảng 100,000 tấn thép cho Dự án Formosa Hà Tĩnh mà lãnh đạo công ty đã chính thức chia sẻ cũng đã làm cho không ít nhà đầu tư nở nụ cười.
Bên cạnh đó, còn là những phát ngôn đầy tự tin của vị Chủ tịch HĐQT SMC là ông Nguyễn Ngọc Anh về một sự tăng trưởng ổn định, bền vững của công ty trong thời gian tới. Cụ thể, vào ngày 05/06/2013, ông Anh trả lời báo chí rằng, trong 5 tháng đầu năm 2013, SMC ước đạt 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 76% kế hoạch cả năm. Sản lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái cộng với giá thép tăng trong những tháng đầu năm giúp lợi nhuận 5 tháng của công ty tăng khá mạnh.
Nhưng đến ngày 24/07, SMC lại bất ngờ báo lỗ 27 tỷ đồng trong quý 2 khiến lãi ròng 6 tháng chỉ còn 18 tỷ đồng, giảm 46% so cùng kỳ và mới đạt 26% kế hoạch cả năm. Đây là số liệu chính thức theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2013 của SMC.
Theo giải trình của ông Nguyễn Ngọc Anh là do giá thép trong những tháng đầu quý 2/2013 tiếp tục xu hướng giảm mạnh làm cho lãi gộp chỉ đạt hơn 32 tỷ đồng. Mức lãi gộp này thấp hơn chi phí bán hàng và quản lý, công với chi phí tài chính tăng cao do ảnh hưởng của lãi vay và chênh lệch tỷ giá đã làm công ty lỗ ròng 27 tỷ đồng trong quý 2.
Tại sao một vị lãnh đạo cao nhất công ty lại có sự phát biểu trái ngược nhau như vậy chỉ trong hơn 1 tháng? Theo như giải trình trên thì SMC cũng không hề có bất kỳ sự kiện đột biến nào không lường trước được trong tháng 6 vừa qua, để có thể xoay chuyển hoàn toàn kết quả kinh doanh như vậy.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ tháng 6 đến nay, cổ phiếu SMC liên tục giảm giá với xu thế bán ngày một tăng dần. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7/2013 chỉ còn 12,400 đồng/cp, giảm mạnh từ mức đỉnh gần nhất vào ngày 31/5/2013 là 17,700 đồng/cp. Còn trong tháng 5 trước đó, chị gái của một thành viên trong ban kiểm soát đã thực bán 43,480 cp SMC từ ngày 21/05/2013 đến ngày 30/05/2013 nhưng không công bố thông tin.
Ngoài SMC, có thể thấy trường hợp của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (HOSE: GAS) gần đây cũng rất đáng chú ý, Cũng là lãi ròng công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2013, nhưng qua hai lần công bố cách nhau chỉ khoảng một tuần đã có sự chênh lệch lên tới 835 tỷ đồng.
Hay mới hôm qua đây thôi (ngày 30/07), CTCP Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) gây "náo loạn" với hàng loạt thông tin sốc. Từ cổ phiếu đang giao dịch tại mức giá 5,500 đồng/cp trên HNX, FLC công bố chuyển qua sàn HOSE với giá tham chiếu nhảy vọt lên 10,000 đồng/cp. Nhưng trong thông báo mới nhất thì mức giá tham chiếu này lại trở về con số 5,500 đồng/cp chỉ trong khoảng 24 tiếng đồng hồ.
Thiết nghĩ, trong quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thì những hành vi công bố thông tin gây nhiễu loạn cho nhà đầu tư cần được xử lý một cách nghiêm túc, nhằm tạo một môi trường thực sự lành mạnh và công bằng cho tất cả những người tham gia cuộc chơi.
Lê Mai
Infonet
|