Thứ Tư, 10/07/2013 11:08

Xử lý nợ xấu: Quan trọng là tạo ra dòng tiền

Các chuyên gia cho rằng, để VAMC thể hiện đủ sức mạnh trong việc xử lý nợ xấu, tổ chức này cần được trao một quyền lực đủ mạnh, cần có sự độc lập nhất định và được sự hỗ trợ pháp lý đầy đủ. Để VAMC dễ dàng thu hồi các khoản nợ đã mua, cần xây dựng và phát triển khung pháp lý sẵn sàng cho một thị trường mua - bán và xử lý các tài sản xấu.

Những băn khoăn về khả năng giải quyết nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được giải tỏa phần nào tại buổi tọa đàm về kinh nghiệm xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tài chính, do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (VPDF) tổ chức hôm 9/7/2013. Cùng ngày VAMC chính thức đi vào hoạt động.

Trước đó, những băn khoăn được đặt vào tương quan giữa vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng, trong khi nợ xấu, theo số liệu của NHNN vào khoảng 176.208 tỷ đồng (bằng 6% tổng dư nợ), hay “quyền lực” của tổ chức này đến đâu, khả năng tạo tiền thế nào...

Theo kinh nghiệm giải quyết nợ xấu được đại diện ngành Ngân hàng nhiều quốc gia chia sẻ tại buổi tọa đàm, quan trọng là cách tạo tiền chứ không phải có bao nhiêu tiền. Và các công ty mua bán nợ càng hoạt động sớm ngày nào, nền kinh tế càng đỡ tổn thất ngày đó.

“Nếu chúng tôi thành lập IBRA (Cơ quan tái cơ cấu Ngân hàng Indonesia) trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra, chi phí xử lý sẽ nhỏ hơn nhiều”, chuyên gia kinh tế cao cấp của Indonesia Gatot Arya Putra chia sẻ. Đã 15 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực có xuất phát điểm từ Thái Lan diễn ra, người dân Indonesia vẫn đang phải đóng thuế để giải quyết nốt những khoản nợ xấu từ ngày đó.

Cùng quan điểm trên, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam), cũng tỏ ra nóng ruột khi VAMC rất chậm đi vào hoạt động. Dù rằng, ông cũng như nhiều chuyên gia khác đều khẳng định VAMC không phải là “nước thánh” gột sạch được nợ xấu. Bởi theo ông, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đầy màu xám và nợ xấu đang nằm chính ở khu vực DNNN - khu vực có hệ số ICOR kém nhất, việc xử lý không nhanh sẽ khiến tình hình xấu thêm.

Liên quan đến nguồn lực của VAMC khá “mỏng” so với nhiệm vụ được giao, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng quan trọng là mẹo tạo tiền cho VAMC giải quyết nợ xấu. “Ý tưởng giải quyết nợ của VAMC như chàng trai ít tiền nhưng tài ba và dùng tài thuyết khách để xử lý nợ xấu”, ông gợi mở.

Cụ thể, đó là cách phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ của các TCTD, hay VAMC trực tiếp mua bán nợ xấu trên thị trường để tạo tiền, hoặc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào mua nợ… “Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đang nhòm đến không ít khoản nợ xấu”, TS. Thành cho biết.

Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, để VAMC thể hiện đủ sức mạnh trong việc xử lý nợ xấu, tổ chức này cần được trao một quyền lực đủ mạnh, cần có sự độc lập nhất định và được sự hỗ trợ pháp lý đầy đủ. Để VAMC dễ dàng thu hồi các khoản nợ đã mua, cần xây dựng và phát triển khung pháp lý sẵn sàng cho một thị trường mua - bán và xử lý các tài sản xấu. Thứ đến, phải có hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách vĩ mô tạo hành lang cho thị trường mua bán nợ vận hành trôi chảy như những thị trường khác và quan trọng nữa là đồng thời phải có giải pháp ngăn ngừa nợ xấu tương lai.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng, xử lý nợ xấu phải đi đôi với tái cấu trúc DN, đặc biệt là DNNN. “Việt Nam phải giải quyết khối nợ xấu trong khi không được dùng tiền ngân sách, không được in tiền là bài toán khó”, TS. Võ Trí Thành lưu ý. Nhưng theo ông, để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu rất cần đẩy mạnh việc tái cơ cấu DNNN nhằm hạn chế những tổn thất mà hệ thống này còn có thể gây ra cho nền kinh tế.

“Không nên gia cố hay dồn thêm nguồn lực cho khu vực này mà phải phân bổ lại nguồn lực vào khu vực sử dụng hiệu quả, nếu không sẽ lại nảy sinh nợ xấu trong tương lai”, ông Thành khuyến nghị.

Tri Nhân

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Dự tính tỷ giá cả năm đã được… tính (10/07/2013)

>   Hé lộ nhân sự làm Tổng Giám đốc VAMC (10/07/2013)

>   Xử lý nợ xấu: Phải mất 4-5 năm (10/07/2013)

>   Tỷ giá tăng do... “cơ cấu tài sản” (10/07/2013)

>   Ham vay tiêu dùng, dễ bần cùng hóa (10/07/2013)

>   Tỷ giá chợ đen giảm mạnh (09/07/2013)

>   PGS.TS Trần Hoàng Ngân: "Cần điều tra hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ" (09/07/2013)

>   Găm USD thiệt nhiều hơn lợi (09/07/2013)

>   Fitch: Không cải cách, VAMC khó giải quyết triệt để nợ xấu (09/07/2013)

>   "Sóng" đầu cơ USD (09/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật