Hé lộ nhân sự làm Tổng Giám đốc VAMC
Nghị định 53/2013/NĐ – CP về thành lập công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có hiệu lực từ hôm qua 9/7. Tuy nhiên, dự kiến tuần tới VAMC mới chính thức ra mắt và đi vào hoạt động, do hiện tại nhân sự chưa phê chuẩn xong cũng như một số văn bản cần thiết chưa được ban hành.
* Sếp phó Ngân hàng Bưu điện Liên Việt về VAMC
* Phó Tổng Giám đốc SHB chuyển sang làm tại VAMC
* Vì sao các sếp ngân hàng “đua nhau” đầu quân về VAMC?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một thành viên Ban trù bị thành lập VAMC cho biết, hiện tại, một số văn bản cần thiết cho hoạt động của VAMC chưa hoàn tất và một số chức danh chưa phê chuẩn xong. Vì vậy, VAMC sẽ chậm ra mắt khoảng một tuần. Dự kiến, đầu tuần tới công ty này sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VAMC có thể sẽ là Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình (hiện đang là Trưởng ban trù bị thành lập VAMC).
Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC có thể là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước
|
Nguồn tin cũng cho biết, Tổng giám đốc của VAMC dự kiến là TS. Nguyễn Hữu Thủy, hiện đang công tác tại Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN).
Trước đó, TS. Thủy là Trưởng Ban Giám sát Tập Đoàn Tài Chính thuộc Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia sau khi giữ chức vị chủ chốt tại một số ngân hàng thương mại như: Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietinbank, Tổng Giám đốc Ngân hàng GP Bank.
Vướng mắc lớn nhất về nhân sự của VAMC hiện nay là chức danh Chủ tịch HĐQT. Được biết, Phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại quốc doanh lớn đã được "nhắm" cho chức danh trên, song nhân vật này chưa nhận lời. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính ngân hàng có uy tín, từng là lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, Chủ tịch HĐQT của VAMC phải ở tầm cỡ Phó Thống đốc NHNN.
Trước đó, những nhân sự đầu tiên đầu quân cho VAMC đã được hé lộ, bao gồm TS. Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) và TS. Bùi Tín Nghị, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB. Đây đều là các lãnh đạo có uy tín, có bề dày kinh nghiệm trong quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu.
VAMC ra đời dự kiến sẽ xử lý được 80.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng năm 2013, VAMC kỳ vọng xử lý được 40.00 - 70.000 tỷ đồng. VAMC sẽ mua nợ theo giá thị trường hoặc mua bằng trái phiếu đặc biệt. Dự kiến, tỷ lệ thu hồi nợ là 20-40%.
Thùy Liên
Đầu tư
|