Thứ Tư, 10/07/2013 10:22

Dự tính tỷ giá cả năm đã được… tính

Đã ba lần Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng như một cam kết về kiểm soát biến động tỷ giá ở các mức cụ thể. Hai lần trước đã rõ. Lần này, dường như thị trường đang hoài nghi hay có một kỳ vọng nào đó xa hơn?

Không phải đến lúc này, cam kết giữ ổn định tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước mới bị thử thách.

Đầu tháng 6/2012, lần đầu tiên sau một thời gian dài giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại đột ngột kịch trần. Vốn quá quen với những xáo trộn của tỷ giá vài năm trước, thị trường xuất hiện hoài nghi. Khi đó, cam kết tỷ giá biến động trong khoảng 2 - 3% mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng mới chỉ đi được nửa quãng đường.

Trả lời VnEconomy thời điểm đó, một lãnh đạo chuyên trách mảng ngoại hối khẳng định thị trường sẽ sớm ổn định. Một trong nhiều cơ sở mà ông đưa ra là dòng vốn ngoại tệ đang dịch chuyển mạnh, từ tiền gửi sang tạo cung thương mại.

Tuy nhiên, chỉ khi đề nghị chứng minh cho điểm này, con số sụt giảm rất mạnh lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư (giảm tới hơn 10% so với cuối năm 2011, trong khi tổng tiền gửi dân cư tăng tới trên 12%) mới được “tiết lộ”.

Ngân hàng Nhà nước đưa ra cam kết ổn định tỷ giá USD/VND trong 2011, 2012 và 2013 cũng vậy. Với số đông, đó đơn thuần là một mục tiêu, có thể xem là sự tự tin, hoặc có góc nhìn là sự chủ quan. Tiếc rằng, chưa bao giờ nhà điều hành công bố rộng rãi và chi tiết các cơ sở, lập luận hay quá trình thai nghén để xác định được các mức cam kết đó.

Song có thể gián tiếp tham khảo về một dữ kiện hơn một năm về trước.

Ngày 2/3/2012, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có bản báo cáo số 5, là tài liệu phục vụ cho phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong đó có kiến nghị điều chỉnh tỷ giá USD/VND khoảng 5% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và tránh VND bị định giá quá cao.

Kiến nghị đó không hiện thực. Nếu hiện thực, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ không giảm được như thời gian qua, chưa nói lạm phát 2012 có thể đã khác; hay có thể dẫn đến tình huống doanh nghiệp chưa kịp hạch toán xong “cú sốc” tăng 9,3% đầu 2011 thì lại bị bồi thêm bước điều chỉnh mạnh nữa của tỷ giá. Nhưng vì sao không hiện thực?

Trong lần tham vấn đầu năm 2013, VnEconomy tình cờ nhận được một câu trả lời. Trước kiến nghị trên, vụ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và tổ chức phản biện chi tiết. Kết luận đưa ra là việc phá giá VND với mức độ 5% là không phù hợp, có thể tác động xấu đến cán cân thanh toán tổng thể, gia tăng lạm phát và phá vỡ những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định tỷ giá và tâm lý thị trường.

Các mô hình định lượng được áp dụng và cho kết quả: nếu VND bị mất giá 1% so với USD thì sẽ tác động làm giảm giá xuất khẩu khoảng 0,21%, nhưng đồng thời sẽ làm tăng giá nhập khẩu khoảng 0,49%, gắn với thực tế Việt Nam là một nền kinh tế nhập siêu nặng.

Đáng chú ý, tại thời điểm đó, nếu phá giá VND 1% sẽ tác động làm tăng lạm phát trong ngắn hạn khoảng 0,65% với độ trễ từ 3 - 6 tháng.

Cùng với các phân tích cơ bản khác, các tác động khác, cân nhắc thiệt hơn, tiếp tục giữ ổn định tỷ giá USD/VND là lựa chọn xuyên suốt trong năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước.

Đến năm 2013, cam kết giữ ổn định tỷ giá tiếp tục được đưa ra với định hướng tăng không quá 2 - 3%. Cũng như cuối 2011 và trong năm 2012, các cam kết của Ngân hàng Nhà nước không đơn thuần là sự tự tin hay chủ quan. Lãnh đạo chuyên trách cho biết, để xác định các giới hạn biến động, họ đã phải phân tích, lường định các tình huống và vượt qua sự phản biện chuyên môn, phải cân đối chặt chẽ với với các mục tiêu điều hành.

Lần điều chỉnh ngày 28/6 vừa qua cũng vậy. 1% được cho là bước tăng khá bất ngờ. Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy, một số chuyên gia dự tính Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng với khoảng 0,5 - 0,75%.

Song, có thể xét ý đồ của nhà điều hành là chỉ qua bước điều chỉnh lần này sẽ định hướng kỳ vọng hợp lý cho thị trường; tức theo cam kết cả năm thì mức độ điều chỉnh trong 6 tháng còn lại (nếu có) sẽ rất hạn hẹp.

Theo cán bộ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng 1% cũng đã được tính toán ở khả năng tác động làm tăng lạm phát khoảng 0,5% với độ trễ từ nay đến cuối năm. Đó là mức độ kiểm soát được, còn một sự tác động mạnh hơn có thể khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm thêm rủi ro, mà phía sau đó còn là áp lực giảm lãi suất cho vay.

Nói một cách hình ảnh, Ngân hàng Nhà nước như đang nắm một quả bóng, bóp chỗ này có thể phồng chỗ kia, và nếu mạnh tay có thể dễ vỡ.

Minh Đức

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Hé lộ nhân sự làm Tổng Giám đốc VAMC (10/07/2013)

>   Xử lý nợ xấu: Phải mất 4-5 năm (10/07/2013)

>   Tỷ giá tăng do... “cơ cấu tài sản” (10/07/2013)

>   Ham vay tiêu dùng, dễ bần cùng hóa (10/07/2013)

>   Tỷ giá chợ đen giảm mạnh (09/07/2013)

>   PGS.TS Trần Hoàng Ngân: "Cần điều tra hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ" (09/07/2013)

>   Găm USD thiệt nhiều hơn lợi (09/07/2013)

>   Fitch: Không cải cách, VAMC khó giải quyết triệt để nợ xấu (09/07/2013)

>   "Sóng" đầu cơ USD (09/07/2013)

>   Tình trạng 2 tỷ giá lại xuất hiện trong ngân hàng (09/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật