Vụ Vĩnh Hưng: Cuống cuồng chạy hợp đồng quá hạn
Sau khi VietNamNet đăng tải loạt bài về những bê bối liên quan đến dự án 409 Lĩnh Nam, phía đơn vị cung ứng thép cuống cuồng thực hiện hợp đồng trong thương vụ "tay ba" bí ẩn. Tuy nhiên, Công ty Vĩnh Hưng từ chối nhận lô hàng này.
* Liên doanh bí ẩn trong dự án của Vĩnh Hưng
* Vì sao Chủ tịch công ty Vĩnh Hưng bị bắt?
Ngày 9/7/2013, Công ty Vĩnh Hưng đã có văn gửi Ngân hàng Bảo Việt và Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Công ty Chăn nuôi).
Dự án Hesco Văn Quán, 409 Lĩnh Nam của Vĩnh Hưng, Megastar vẫn đang bỏ hoang.
|
Theo như văn bản này thì Công ty Chăn nuôi vừa có “nhã ý” muốn giao toàn bộ số thép cho Công ty Vĩnh Hưng theo như hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký kết. Tuy nhiên, phía Vĩnh Hưng đã từ chối nhận lô hàng này với lý do: đơn vị cung ứng thép không thực hiện đúng theo những điều khoản đã ký trước đó.
“Do hậu quả gây ra cho công ty chúng tôi là nghiêm trọng nên hiện tại, khi công ty Chăn nuôi đề xuất giao hàng, căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi quyết định không nhận hàng” – văn bản của Công ty Vĩnh Hưng khẳng định.
Về việc hoàn trả lại số tiền tạm ứng theo Hợp đồng số 12/2012/HĐKT/CN-VH ngày 13/12/2012, phía Vĩnh Hưng đề nghị Công ty Chăn nuôi phải hoàn trả số tiền 225 tỷ vào tài khoản của Vĩnh Hưng trong thời gian sớm nhất. Sau khi nhận được số tiền trên, cộng với lãi suất và số tiền phạt mà Công ty Chăn nuôi vi phạm hợp đồng, Công ty Vĩnh Hưng sẽ thực hiện nghiệp vụ cắt hoàn trả đầy đủ số tiền nợ cho Ngân hàng Bảo Việt.
Phía Vĩnh Hưng cũng yêu cầu ngân hàng Bảo Việt phải có nghĩa vụ đôn đốc Công ty Chăn nuôi hoàn trả số tiền 225 tỷ cùng với khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng.
“Vì ngân hàng Bảo Việt đã chỉ định cho Công ty Vĩnh Hưng ký hợp đồng mua thép với Công ty Chăn nuôi nên chúng tôi đề nghị ngân hàng có trách nhiệm đôn đốc Công ty Chăn nuôi sớm hoàn trả lại khoản vay này cho công ty chúng tôi và có trách nhiệm yêu cầu Công ty Chăn nuôi thanh toán khoản tiền phạt”- đại diện Công ty Vĩnh Hưng đề nghị.
Trong quá trình Công ty Chăn nuôi hoàn trả lại tiền, đại diện Vĩnh Hưng yêu cầu Ngân hàng Bảo Việt không được đơn phương cắt trước, hoặc cắt từng phần số tiền mà đơn vị cung ứng thép chuyển vào tài khoản của Vĩnh Hưng. Lý do mà phía Vĩnh Hưng đưa ra là: đơn vị này không vi phạm Hợp đồng tín dụng đã ký trước đó.
Cũng theo như văn bản này thì Vĩnh Hưng yêu cầu Công ty Chăn nuôi phải bồi thường thiệt hại cho đơn vị này số tiền 10 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng đã ký trước đó. Ngoài ra, ngân hàng Bảo Việt phải tiếp tục tài trợ vốn để Vĩnh Hưng triển khai dự án 409 Lĩnh Nam. Đổi lại, Vĩnh Hưng cam kết sẽ thế chấp nguồn thu của dự án để trả nợ và trình phương án vay vốn cụ thể.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch công ty Vĩnh Hưng và Vina Megastar đang bị bắt tạm giam.
|
Trước đó, do cần vốn để xây dựng Dự án này theo đúng tiến độ, Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công Ty Vĩnh Hưng) đã thế chấp dự án 409 Lĩnh Nam (chưa được cấp phép xây dựng) để vay vốn tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt, chi nhánh Hà Nội (gọi tắt là Ngân hàng Bảo Việt). Tổng số tiền vay theo hợp đồng tín dụng là 400 tỷ, được giải ngân chia làm 2 đợt (đợt 1 225 tỉ; đợt 2 175 tỷ).
Theo phản ánh của công ty Vĩnh Hưng, hội nghị "3 bên" gồm: Công ty Vĩnh Hưng (đại diện là ông Nguyễn Hoàng Long), công ty cổ phần 135 (đại diện là ông Bùi Văn Phú) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt (ông Bùi Quốc Vương – Chánh văn phòng HĐQT) đã được diễn ra.Theo thỏa thuận "ngầm", để được giải ngân số tiền 400 tỷ, công ty Vĩnh Hưng phải mua thép của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi (CPXDVPTCN).
Ngày 6/12/2012, phía Vĩnh Hưng ký hợp đồng kinh tế số 12/2012/HĐKT/CN-VH với Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi để mua thép xây dựng làm mục đích giải ngân.
Theo như hợp đồng này thì phía Vĩnh Hưng đồng ý mua 32.000 tấn thép từ Công ty CPXDVPTCN với tổng số tiền là 512 tỷ. Phía Vĩnh Hưng phải tạm ứng trước cho Công ty CPXDVPTCN số tiền 226 tỷ đồng. Sau 5 ngày nhận được toàn bộ số thép theo như hợp đồng, phía Việt Hưng phải thanh toán nốt số tiền còn lại.
Hợp đồng kinh tế này cũng ghi rõ: sau khi phía Vĩnh Hưng có đơn đặt hàng, trong vòng 5 ngày nếu Công ty CPXDVPTCN không cung cấp hàng cho phía Vĩnh Hưng thì phải hoàn trả lại số tiền tạm ứng là 226 tỷ đồng.
Ngày 10/12/2012, Công ty CPXDVPTCN đã có văn bản yêu cầu Vĩnh Hưng cho tạm ứng số tiền 226 tỷ như đã ký kết trong hợp đồng kinh tế trước đó.
Theo phản ánh của Công ty Vĩnh Hưng, sau khi hợp đồng này được ký kết, Ngân hàng Bảo Việt đã chuyển số tiền 225 tỉ đến tài khoản của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi nhận được 225 tỷ từ ngân hàng Bảo Việt, Công ty Vĩnh Hưng không nhận được thép từ Công ty CPXDVPTCN như hợp đồng Kinh tế mà trước đó, hai bên đã ký kết.
Phía Vĩnh Hưng đã gửi văn bản yêu cầu đơn vị cung ứng thép hoàn trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng ban đầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía Công ty CPXDVPTCN vẫn cố tình phớt lờ.
Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, ngày 30/6/2013, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Chăn nuôi mới tức tốc đề nghị trả thép cho Công ty Vĩnh Hưng theo hợp đồng kinh tế số 12/2012/HĐKT/CN-VH, tuy nhiên đại diện Công ty Vĩnh Hưng không nhận thép.
Sau nhiều lần từ chối không được, Công ty Vĩnh Hưng chính thức lên tiếng bằng văn bản yêu cầu giải quyết vụ việc này theo đúng các hợp đồng đã ký kết.
Như vậy, sau loạt bài điều tra của VietNamNet về những bê bối liên quan đến dự án 409 Lĩnh Nam, các đơn vị liên quan đã có những động thái để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, những sai phạm của các cá nhân, tập thể liên quan (nếu có) sẽ bị xử lý như thế nào vẫn đang là điều khiến dư luận quan tâm cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
PV
Vietnamnet
|