Thứ Hai, 08/07/2013 16:04

Cán bộ VDB giúp 5 quý bà lừa OCB và NamABank hàng trăm tỷ đồng

Với sự giúp sức của Giám đốc VDB khu vực Đắc Lắc - Đắc Nông “câu lạc bộ quý bà lừa đảo” đã lừa tiền của OCB và NamABank 580 tỷ đồng.

* Vụ lừa đảo hơn 1.000 tỉ đồng: “Rót” vốn ưu đãi cho doanh nghiệp lừa

* Nhân viên ngân hàng NamABank, OCB, VDB nhận hối lộ, chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng

* NamABank thua kiện nhân viên

Có 13 bị can đã bị đề nghị truy tố ra trước pháp luật vì các hành vi “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa và nhận hối lộ” gây hậu quả thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank).

Các đối tượng đã sử dụng hợp đồng kinh tế giả mua bán nhân hạt điều để vay vốn ngân hàng

Làm hợp đồng giả để vay vốn ưu đãi

Kết quả điều tra cho thấy, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Nhật thành lập năm 2004, vốn điều lệ 25 tỷ đồng do Cao Bạch Mai làm Giám đốc, chủ yếu kinh doanh mủ cao su, gỗ tròn, café, xuất nhập khẩu nông sản. Đến năm 2008, Công ty Minh Nhật không có hoạt động mua bán café, sắn lát, nhân hạt điều.

Năm 2008, Nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp, tài sản bảo đảm chỉ bằng 15% vốn vay, thủ tục vay vốn đơn giản, chỉ cần có hợp đồng kinh tế xuất khẩu café, sắn lát, nhân hạt điều. Để làm hồ sơ vay vốn, Mai ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) gặp một số người Trung Quốc nhờ ký tên, đóng dấu của một số pháp nhân Trung Quốc và dựa vào đó để làm hợp đồng kinh tế giả mua bán nhân hạt điều, rồi mang đến Chi nhánh VDB khu vực Đắc Lắc - Đắc Nông xin vay vốn.

Cao Bạch Mai đã gặp Vũ Việt Hùng, khi đó là Giám đốc chi nhánh VDB khu vực Đắc Lắc - Đắc Nông để xin vay vốn. Hùng đồng ý cho vay lách quy định tài sản thế chấp, bằng cách giải ngân số tiền vay vào tài khoản một ngân hàng thương mại, sau đó Mai rút tiền và nộp 15% vào VDB Đắc Lắc - Đắc Nông.

Kết quả điều tra cho thấy, sở dĩ hồ sơ vay vốn của Công ty Minh Nhật có thể trót lọt là nhờ sự “giúp đỡ” tận tình của các cán bộ VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Trong đó, Cao Văn Hải, Trưởng Phòng Tài chính kế toán VDB Đắc Lắc - Đắc Nông, đã làm giấy đề nghị vay vốn kèm phương án sản xuất kinh doanh, bảng kê diễn giải chi phí sản xuất, bảng kê giải trình vốn tự có, bảng kê dư nợ, dự kiến kế hoạch giao hàng, đồng thời sửa báo cáo tài chính để hoàn tất hồ sơ vay vốn.

Trong khi đó, Trần Xuân Lộc, Trưởng Phòng Tín dụng xuất khẩu VDB Đắc Lắc - Đắc Nông, đã nhận chỉ đạo của Giám đốc Hùng tiếp nhận hồ sơ của Công ty Minh Nhật rồi chuẩn bị hợp đồng tín dụng. Hùng đã ký 2 hợp đồng tín dụng cho Công ty Minh Nhật vay 20 tỷ đồng để thu mua hạt điều, phục vụ cho 3 hợp đồng xuất khẩu “ảo” sang Trung Quốc, hình thức giải ngân là xin tạm ứng. Thấy việc vay vốn tín dụng xuất khẩu dễ dàng, Mai tiếp tục dùng thủ đoạn cũ để xin vay vốn.

Sang năm 2009, khi Mai đến xin vay vốn tín dụng xuất khẩu, Vũ Việt Hùng thông báo hạn mức trong quý II của Công ty Minh Nhật là 350 tỷ đồng. Lúc này, do đã sử dụng hết những tờ A4 có chữ ký con dấu của các công ty Trung Quốc, Mai cùng với Nguyễn Thị Kim Loan, Giám đốc cũ của Công ty Minh Nhật sang Trung Quốc gặp cháu của Loan và đưa 100 triệu đồng để người này lập công ty, rồi yêu cầu ký, đóng dấu khống vào 100 tờ A4 mang về Việt Nam sử dụng vào việc lập hồ sơ xuất khẩu khống để vay vốn.

Bằng thủ đọa này, từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2010, Cao Bạch Mai đã dùng 65 hợp đồng xuất khẩu giả để vay tổng cộng 940 tỷ đồng vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Riêng đối với 6 hợp đồng xuất khẩu thật với Công ty Nedcoffee BV Hà Lan, Mai vay 65 tỷ đồng, nhưng sử dụng vốn vay sai mục đích, nên không có khả năng trả nợ. Tổng cộng Mai đã vay 1.004 tỷ đồng.

Tại Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Nhật Tân, do Mai tham gia sáng lập, vì quen biết Mai, nên Trần Thị Xuân đã trả cho Mai 2 tỷ đồng để mua pháp nhân Công ty Nhật Tân để được giới thiệu vay vốn tín dụng ưu đãi. Với vị trí Giám đốc Công ty Nhật Tân, lần đầu tiên Xuân làm hợp đồng giả vay được 40 tỷ đồng, nhưng vì chi phí 400 triệu đồng cho 4 tờ hợp đồng giả quá đắt, nên Xuân tìm Mai hỏi nguồn mua hợp đồng. Từ đó Mai đã bán cho Xuân các hợp đồng giả với giá 20 triệu đồng/tờ, tổng cộng bán 55 tờ.

Sau khi có nguồn hợp đồng giả ổn định, Xuân tiếp tục xin vay vốn tín dụng và nhờ Cao Văn Hải làm các thủ tục như giấy đề nghị vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh, các bảng kê… Từ tháng 12/2008 đến tháng 5/2010, Trần Thị Xuân đã dùng 64 hợp đồng xuất khẩu giả để vay 938,5 tỷ đồng.

Hối lộ bằng xe BMW X6

Đến tháng 9/2009, Hùng thông báo với Mai và Xuân là quý IV/2009 sẽ giảm hạn mức cho vay chỉ còn 250 tỷ đồng. Do đã sử dụng vốn vay sai mục đích, nên nếu hạn mức giảm xuống, 2 công ty này sẽ mất khả năng thanh toán. Mai và Xuân đã gặp Hùng để trao đổi và kết quả là Hùng hứa giữ nguyên hạn mức, đổi lại, Mai và Xuân mua cho Hùng một chiếc BMW X6 trị giá 3 tỷ đồng, nhờ người quen đứng tên rồi viết giấy tặng cho con trai Hùng. Chiếc xe này sau đó đã bị cơ quan điều tra thu giữ.

Trong vụ án này, tiếp tay cho Mai và Xuân lửa đảo, chiếm đoạt cả ngàn tỷ đồng của VDB là sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ của VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Trong 2 năm Mai và Xuân vay vốn ưu đãi, một số cán bộ VDB gồm Trần Xuân Lộc, Nguyễn Thị Hồng Liên đã phát hiện những bất thường, nhưng lại không kiên quyết ngăn chặn, vẫn nghe theo sự chỉ đạo của Hùng lập tờ trình cho vay. Ngoài ra, 2 DN này thường xuyên nợ chứng từ, xin khất và sau đó làm giả các chứng từ hoàn ứng để bổ sung vào hồ sơ. Khi đi kiểm tra thực tế DN, cán bộ VDB Đắc Lắc - Đắc Nông đã không kiểm tra chứng từ, thực tế hàng hóa, mà chỉ dựa vào báo cáo miệng của chủ DN rồi về lập biên bản tương ứng. Thậm chí, có lần không đi kiểm tra nhưng vẫn lập biên bản.

Kéo các ngân hàng khác “chết” theo

Đến tháng 7/2010, khi thấy cơ quan điều tra xác minh về vốn vay của 2 công ty này, Vũ Việt Hùng đã cùng các công ty là Minh Nhật (Cao Bạch Mai làm Giám đốc), Nhật Tân (Trần Thị Xuân làm Giám đốc), Phát Long (Nguyễn Thị Kim Loan làm Giám đốc), Thủy Ngân (Đặng Thị Ngân làm Giám đốc) và HTX Nông nghiệp Sông Cầu (Nguyễn Thị Vân làm Chủ nhiệm) tìm nguồn vốn đáo hạn mới cho vay tiếp.

Do nhiều năm liền thua lỗ, các DN nói trên không đủ khả năng thanh toán nợ cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Bất ngờ cuối năm 2010, các công ty này bỗng có hàng trăm tỷ đồng để trả cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Theo kết quả điều tra, chính Giám đốc VDB Đắc Lắc - Đắc Nông Vũ Việt Hùng là đồng phạm, giúp sức cho “câu lạc bộ quý bà lừa đảo này” lừa tiền của OCB và NamABank.

Vân và Xuân liên hệ với NamABank - Chi nhánh Hà Nội và cung cấp cho ngân hàng này hợp đồng tiền gửi có số tiền bằng với số tiền muốn vay (hợp đồng này được Vũ Việt Hùng ký khống trước đó) làm bảo đảm, cung cấp báo cáo tài chính thể hiện việc kinh doanh có lãi, các hợp đồng kinh tế xuất khẩu sang Trung Quốc và các tờ khai hải quan giả. Kết quả, Nguyễn Thị Vân đã vay được 50 tỷ đồng của NamABank và dùng số tiền này trả nợ cho VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Cùng với thủ đoạn tương tự, Vân, Xuân, Mai, Ngân lần lượt vay và chiếm đoạt của OCB - Sở giao dịch TP. HCM số tiền 530 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, để các đối tượng vay tiền ngân hàng khác, vai trò của Hùng rất quan trọng. Theo thỏa thuận, bên vay vốn và VDB Đắc Lắc - Đắc Nông cam kết phong tỏa tài khoản, không giải ngân khi chưa có sự đồng ý của bên cho vay là OCB và NamABank. Tuy nhiên, khi tiền vay chuyển về VDB Đắc Lắc - Đắc Nông, Vũ Việt Hùng chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu hồi nợ và yêu cầu các đối tượng đến làm thủ tục hủy cam kết với OCB và NamABank, nhằm hợp thức thủ đoạn chiếm đoạt số tiền này. Mặt khác, Hùng ký khống thông báo hạn mức, che giấu nợ xấu của các bị can tại VDB Đắc Lắc - Đắc Nông. Qua đó, các đối tượng mới được 2 ngân hàng cho vay và chiếm đoạt số tiền vay được.

Trong khi đó, dù các khoản vay không có tài sản bảo đảm, không có phương án sản xuất kinh doanh, vượt quá mức phán quyết cho vay, nhưng Trương Đình Hải, nguyên Giám đốc NamABank Hà Nội vẫn giải quyết cho vay. Tại OCB, Tạ Xuân Ý, Phó bộ phận Quan hệ khách hàng; Lâm Hữu Hạnh, nguyên Phó tổng giám đốc OCB; Võ Tiến Đạt, nguyên Giám đốc OCB - Sở giao dịch TP. HCM cũng giải quyết cho vay sai quy định và thẩm quyền.

Như vậy, các đối tượng đã chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó VDB Đắc Lắc - Đắc Nông hơn 430 tỷ đồng, OCB - Sở giao dịch TP. HCM 530 tỷ đồng, NamABank Chi nhánh Hà Nội là 50 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 687 tỷ đồng tiền mặt, đồng thời kê biên tài sản của các bị can.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Hàng ngàn sinh viên lao đao vì... một con dấu! (08/07/2013)

>   'Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải sau năm 2020' (08/07/2013)

>   Ưu đãi "sét đánh" của công ty ma (08/07/2013)

>   Vinashin lại nhận tối hậu thư vì chây ỳ (08/07/2013)

>   Tranh đất nuôi ngao, dân 2 huyện đánh nhau (08/07/2013)

>   Tổng công ty Sông Đà cố tình không hiểu luật? (08/07/2013)

>   Vẽ cả đàn voi... “phi vật thể” (07/07/2013)

>   Hàng trăm xe ôtô Morning, Matiz nhập khẩu thoát “án” bị truy thu thuế (07/07/2013)

>   Nhiều báo điện tử ở VN bị tấn công từ chối dịch vụ (07/07/2013)

>   Viện phí tại Hà Nội sẽ tăng mạnh từ 1/8 (07/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật