Vẽ cả đàn voi... “phi vật thể”
Sau khi Quốc hội thông qua luật chống lãng phí dân biểu gặp cử tri báo cáo tình hình. Một cử tri hỏi: Đã “túm” được “ông lãng phí” nào chưa? Đã có tính toán rằng bớt giấy tờ công chứng sẽ tránh lãng phí 1.000 tỉ tiền photocopy và áp mộc theo cơ chế một cửa nhiều khóa!
Thực ra khoản tiết kiệm này là 1.000 tỉ x (X) vì cần nhân thêm hệ số X. X ở đây là tiền xăng chạy xe, tiền gửi xe, tiền thu nhập giờ lao động mà người dân phải bỏ ra để đi giao dịch và vv… nữa. Bao lâu mới “túm” được cụ thể một xe biển xanh/đỏ đưa “bà nhà” đi chùa hay lên đồng mà phạt. Sau cao trào mua, đổi xe mới xịn tràn lan, các cơ quan ra quyết nghị ngưng việc này và lập tức có thành tích tiết kiệm được hàng trăm tỉ nữa.
Chuyên gia giáo dục tính: Có thể giảm 30% khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa. Hỏi mỗi năm cái 30% “vô tích sự” này lãng phí toàn quốc bao nhiêu tỉ? Chuyên gia cải cách hành chính tính - sau khi bộ máy hành chính đã “mắc bệnh béo phì” trầm trọng - rằng có thể/cần giảm đến 30% biên chế hành chính các cấp. Sẽ đỡ lãng phí bao nhiêu tỉ tiền lương và giảm bao nhiêu triệu vụ phiền hà mà họ gây ra cho dân… Cô xem có phải sự quan liêu, việc lãng phí rất hữu hình, vật thể nhưng “ông lãng phí” rất vô hình, phi vật thể.
Quy hoạch là cốt lõi của đô thị hóa, việc nhập cư, nhập khẩu, sửa đường, kẹt xe, tai/tệ nạn, thất thoát, tham nhũng… chỉ là những chuyện hữu hình từ đó mà ra. Thành phố tôi đây có hàng trăm quy hoạch treo. Đã xóa hơn 300 cái và sẽ rà soát xóa tiếp 190 cái nữa!
Mà treo là thế nào? Một bà mẹ kêu: “Treo” tôi 17 năm rồi từ khi tôi mới sinh con nay cháu đã sắp thi cao đẳng mà nhà không được xây, đất không được canh tác, tiền bồi thường chưa nhận đủ. Tiếc đám đất nên làm liều mượn tạm đất vốn của chính mình để trồng cây ngắn ngày kiếm tiền chợ. Hỏi có bao nhiêu vạn người lâm vào cảnh đó. Cả một thế hệ ở thành phố bị đánh cắp bởi hơn 500 bản/bánh vẽ treo. Đến đây thì có vẻ như cả sự, việc lãng phí cũng bốc hơi hóa phi vật thể! Của kho vô tận nào mà không bốc hơi với những siêu lãng phí theo các định dạng trên?
Vì bản vẽ quy hoạch là nơi để hài hòa mọi quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng nên chúng cũng là đấu trường, võ đài của các lợi ích nhóm dẫn tới các “siêu lãng phí, siêu thất thoát”. Dân chúng chỉ có thể khiếu kiện dự án, chủ đầu tư chứ quy hoạch như dự báo thiên tai, biết ai mà kiện!
Khốn thay các dự án không treo lại còn lãng phí khủng hơn “treo” khi tạo ra núi BĐS tồn kho để mặc dân nghèo vô gia cư. Rồi nhà nước mất tiền mở hàng trăm phiên họp bàn giải cứu con tin. Rồi TV mất tiền làm chương trình để một “ông điện ảnh” hết thời cùng một bà cựu hoa hậu chưa hết vô duyên cùng bàn chuyện giải cứu BĐS. Cuối cùng đến lượt cô mất tiền điện khi xem cái chương trình vô dụng đó, trách ai! Lãng phí cứ thế chồng chất tầng tầng lớp lớp. Rồi cười trừ hòa cả làng: Tất cả chúng ta đều vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của lãng phí.
Có bài báo rất hay bàn về việc “vẽ” ra các văn bản - tức luật lệ, cơ chế, dự án, nghị định, thông tư… - từ chi li việc nhỏ: Ngoại tình phạt bao nhiêu, cấp thẻ hành nghề kiểu gì, mặc đồ lót ra đường phạt thế nào, mũ bảo hiểm, xe chính chủ… đến các “tầm nhìn” tới khi nào căn bản hoàn thành hiện đại hóa, bóng đá dự World Cup, du lịch kịp Thái Lan, điện ảnh ngang khu vực… Mới có công văn nhắc các tỉnh thành có quy hoạch tượng đài Vua Hùng và các anh hùng dân tộc (có danh sách kèm theo). Tương lai ta sẽ có vài chục cụ Vua Hùng khác nhau và vài chục cụ Lý Bí cũng khác nhau ở mọi nơi.
Bài báo khẳng định bản thân việc làm (dự thảo, tranh luận, phản biện, công bố, hướng dẫn, thi hành… ) các văn bản có thể đã là sự lãng phí lớn nhất nếu đội ngũ làm văn bản lập/hành pháp kém chất lượng, đẻ ra các sản phẩm - văn bản - tồi! Ta đang lạm phát các văn bản chất lượng thấp do “tập thể” những người làm ra chúng “chưa đạt chuẩn”. Theo “quẻ Dịch” thì lãng phí bắt đầu từ quan liêu kết thúc ở tham nhũng - dịch biến bất tận!
Người qua đường nhếch mép nghiêm trang: Khéo “vẽ cả đàn voi”. Đố “túm được ông lãng phí” nào nhá!
Nguyễn Bỉnh Quân
lao động
|