Thứ Hai, 08/07/2013 09:40

Ưu đãi "sét đánh" của công ty ma

Trung tuần tháng 7 này, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả. Xem ra, sau một thời gian tạm lắng, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao tại Việt Nam lại đang có những diễn biến phức tạp.

Phi vụ... bí mật - nguy cơ tiềm ẩn

Ngoài việc sử dụng thông tin lấy cắp để sản xuất thẻ tín dụng giả, trò lừa đảo bằng cách dụ các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam vay vốn ưu đãi cũng có vẻ như vẫn chưa hề cũ.

Chẳng hạn, gần đây, xuất hiện những lời mời chào đầy hấp dẫn tới tất cả các doanh nghiệp Việt Nam về khoản cho vay vốn dài hạn với số tiền từ 20 triệu USD trở lên, lãi suất 1,5% (ân hạn trong thời gian 3 năm).

Để tăng tính “xác thực”, những tay lừa đảo chuyên nghiệp tạo lập các website ma với những thông tin không thể... chính xác hơn về những thông tin bổ trợ cho uy tín “tầm quốc tế” của những “công ty tín thác”, “tập đoàn tài chính đa quốc gia”...

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn vay được vốn (trong vụ lừa đảo trước đây đã bị cảnh sát Việt Nam phát hiện và xử lý là Công ty TNHH Đầu tư Thái Bình Dương và Polynesia Công ty PPI) do Sapa Lavelua, quốc tịch Pháp nhập cảnh vào Việt Nam theo thư mời của Phân viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Thương mại tại TP.HCM) theo phương thức trên, phải được một trong 4 ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam bảo lãnh, hoặc thông qua PPI để xin chứng thư bảo lãnh của một ngân hàng quốc tế.

Việc xin chứng thư bảo lãnh này do Công ty Hải Phú Sơn (chính là công ty do đồng bọn của Sapa Lavelua lập ra) đảm nhận và tất nhiên, doanh nghiệp phải trả phí tư vấn cho Hải Phú Sơn. Điều kiện do Hải Phú Sơn đưa ra là, nếu muốn có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng quốc tế, thì doanh nghiệp phải nộp tiền đặt cọc bằng 30% trị giá vốn vay. Tuy nhiên, trong 30% này, doanh nghiệp chỉ phải nộp trước có 1,5%, còn lại 28,5% thì phía PPI sẽ hỗ trợ. Khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, rất dễ bị sa bẫy trước lời mời chào cho vay vốn đầy hấp dẫn này.

Thật may, trước những thông tin “sét đánh” về ưu đãi như vậy, Văn phòng Interpol Việt Nam đã kịp thời liên lạc với Văn phòng Interpol của Cộng hòa Pháp và Cảnh sát Pháp cho biết: “Tập đoàn Sapa Lavelua Holding và Công ty PPI không có tên trong hệ thống quản lý danh sách các công ty đăng ký hoạt động tại châu Âu. Công ty PPI LLC cũng không có trong hồ sơ quản lý các doanh nghiệp của bang Nevada, Mỹ.

Như vậy, tất cả các công ty mà Sapa Lavelua đưa ra giới thiệu rằng, PPI Việt Nam là thành viên đều là công ty “ma”. Hơn thế, ngay cả văn phòng đại diện của PPI tại Việt Nam cũng là văn phòng “ma”, vì ngành chức năng tại Hà Nội chưa hề cấp phép hoạt động cho văn phòng này.

Chắc chắn, nếu ai cũng thận trọng trước mỗi giao dịch, đặc biệt là các giao dịch với các định chế tài chính quốc tế, để có thể tham vấn từ phía cơ quan cảnh sát, đặc biệt là Văn phòng Interpol Việt Nam, thì khả năng sa bẫy của bọn lừa đảo quốc tế sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất có thể.

Vẫn là câu hỏi: vì sao?

Thông thường, đối với những cá nhân bị lừa đảo với lượng thiệt hại nhỏ, cùng với sự ma mãnh và thủ đoạn gian xảo của bọn tội phạm, thì đa phần do sự cả tin và lòng tham đã dẫn dụ các nạn nhân sa bẫy. Tuy vậy, đối với các vụ lừa đảo có giá trị lớn, quy mô vượt quá tầm quan hệ trong nước, thì sự nhẹ dạ, cả tin và ngay cả yếu tố quan trọng nhất để bọn tội phạm lừa đảo có thể hoàn tất vụ lừa là lòng tham, hầu như không có vai trò gì tại các vụ này.

Vậy tại sao lại có thể xuất hiện nhiều nạn nhân và giá trị các vụ lừa lại rất lớn, trong khi rất dễ dàng tra cứu để tìm sự hỗ trợ từ hệ thống thông tin công cộng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật là rất lớn, bởi trong những năm qua, với sự lớn mạnh không ngừng về trình độ nghiệp vụ, sự sẵn sàng đối mặt với tội phạm và thái độ vì nhân dân của khối các cơ quan này, nhưng bao giờ cũng vậy, khi vụ việc đến được với các cơ quan này, thì rất tiếc, đó lại là sự đã rồi.

Nói sự đã rồi, bởi lẽ, khi vụ việc vỡ lở, nạn nhân đã bị lừa, tội phạm, hoặc là đã cao chạy xa bay, hoặc nếu có bắt được, thì chúng cũng đã hoàn tất quá trình “chuyển hóa” tài sản của vụ lừa đảo. Vậy câu hỏi được đặt ra là, vì sao lại xuất hiện khuyết tật của quá trình hợp tác chống lừa đảo (đặc biệt là lừa đảo có yếu tố nước ngoài) và làm thế nào để loại trừ được khuyết tật chết người đó?

Thứ nhất, theo khuyến cáo từ phía Văn phòng Interpol Việt Nam, do đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những màn kịch lừa đảo, nên tất cả các thông tin về bọn chúng đều là giả mạo, từ tên tuổi, địa chỉ đến cả những tấm hình chân dung hoặc nhà cửa, vợ con…, thậm chí cả các tài liệu giấy tờ như chứng nhận của ngân hàng, của công chứng, thậm chí của chính phủ… nước sở tại đều là giấy tờ giả vô cùng tinh xảo.

Thứ hai, đứng về mặt nghiệp vụ, đa phần thủ đoạn lừa đảo được thực hiện bởi các nhóm tội phạm quốc tế đều là những thủ đoạn mới, chưa phổ biến tại Việt Nam, nên các giải pháp đối phó chưa được cập nhật kịp thời.

Thứ ba, đối với các cá nhân, đặc biệt là các tổ chức kinh tế, tâm lý e ngại khi tiếp xúc với cơ quan bảo vệ pháp luật là rất phổ biến. Thậm chí, ngay cả khi đã bị dính bẫy, nhiều doanh nghiệp còn cố tình che giấu, hoặc có xu hướng khai báo giảm mức độ thiệt hại.

Theo lý giải từ một số điều tra viên cao cấp trong ngành công an, nguyên nhân của hành động trên, xuất phát từ tâm lý sợ bị mọi người cười chê và từ đó bị đánh giá là dốt nát, nên “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hơn thế, trong những trường hợp không khai báo, hoặc thiếu hợp tác trong quá trình khai báo là do sợ ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, trong không ít trường hợp, rất có thể, nạn nhân của vụ lừa này sẽ trở thành thủ phạm của vụ lừa tiếp ngay sau đó.

Huyền Thi

đầu tư

Các tin tức khác

>   Vinashin lại nhận tối hậu thư vì chây ỳ (08/07/2013)

>   Tranh đất nuôi ngao, dân 2 huyện đánh nhau (08/07/2013)

>   Tổng công ty Sông Đà cố tình không hiểu luật? (08/07/2013)

>   Vẽ cả đàn voi... “phi vật thể” (07/07/2013)

>   Hàng trăm xe ôtô Morning, Matiz nhập khẩu thoát “án” bị truy thu thuế (07/07/2013)

>   Nhiều báo điện tử ở VN bị tấn công từ chối dịch vụ (07/07/2013)

>   Viện phí tại Hà Nội sẽ tăng mạnh từ 1/8 (07/07/2013)

>   Xử lý 19 công ty có hành vi cạnh tranh không lành mạnh (07/07/2013)

>   Xử lý 19 công ty có hành vi cạnh tranh không lành mạnh (07/07/2013)

>   Tạp chí Nội chính ra mắt số đầu tiên (06/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật