Nhìn từ chuyện Bộ trưởng muốn cách chức Giám đốc Sở
Tại hội nghị trực tuyến giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với các tỉnh, thành phố mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã nêu vấn đề có thể cách chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng Đàm Xuân Lũy vì “không hoàn thành nhiệm vụ” trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải.
Xâu chuỗi hàng loạt động thái điều hành khác của Bộ trưởng Thăng từ sự kiện “sân bay Đà Nẵng”cho đến nay, có thể thấy một thông điệp rõ ràng từ ông: mọi việc đều phải được quy trách nhiệm rõ ràng!
|
Theo quan sát của VnEconomy, sự việc đã đưa đến nhiều bình luận, suy diễn khác nhau về vấn đề trách nhiệm và chịu trách nhiệm, cũng như về công tác quản lý cán bộ.
Giám đốc Sở nói không sai…
Nếu nói về nghiệp vụ, ông Đàm Xuân Lũy đã có nhiều trải nghiệm thực tế. Ở Hải Phòng, ông đã có quá trình lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn trong ngành trước khi trở thành Giám đốc Sở.
Nhưng, cuối năm 2012, cơn bão số 8 đổ bộ vào Hải Phòng đã làm “tốc mái” hành trình làm lãnh đạo của ông Đàm Xuân Lũy. Khi đó, điện thoại của ông “hết pin” khiến Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Thành không thể liên lạc, trong khi nhân viên Công ty Đường bộ Hải Phòng lợi dụng cơn bão đã tổ chức... thu thêm tiền của các xe qua phà, trong đó có cả xe của lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng.
Chiều 13/11/2012, ông Lũy đã tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Nhưng, vì sự việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận và trở nên nổi tiếng cả nước, đã có những đồn đoán về việc ông Lũy sẽ phải rời ghế Giám đốc. Những người gần gũi ông Lũy nhận thấy, kể từ đó ông sống khá tâm trạng.
Ông Lũy đã báo cáo gì trong hội nghị trực tuyến nói trên? Ông nói rằng ở Hải Phòng hiện có 13.000 doanh nghiệp vận tải, nhưng 80% doanh nghiệp chỉ có từ 1-3 xe, và mới có 10% doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải.
Thế nhưng, với tư cách người đứng đầu Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng - cơ quan “quản lý nhà nước về giao thông vận tải”, việc thừa nhận thực trạng ấy được hiểu như là không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Lũy có lẽ đã quá “thật thà” trong cách báo cáo, nhưng, như ông đã khẳng định trong khi trả lời phỏng vấn báo chí sau đó, là “có vấn đề gì mà phải sợ vì ông đã nói vấn đề này 5 năm nay rồi, từ thời Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng”. Ông cũng nói với báo chí rằng, chính sách quản lý cần thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và trong câu chuyện quản lý kinh doanh vận tải, ông sẵn sàng làm việc với Thanh tra Bộ!
Bộ trưởng làm đúng
Hiện chưa có thông tin nào từ phía Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hải Phòng về việc “đề xuất cách chức” đã được hiện thực hóa bằng văn bản, hay mới chỉ là ý kiến đơn thuần trong hội nghị.
Tuy nhiên, nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng có đề xuất việc này, thì điều đó cần được ghi nhận như là sự truy cứu trách nhiệm bằng chế tài cụ thể. Với tư cách người đứng đầu ngành giao thông vận tải, ông Thăng chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chính phủ và người dân về các vấn đề trong lĩnh vực của mình, nên nếu một cán bộ trong ngành không hoàn thành nhiệm vụ, thì kỷ luật là cần thiết.
Tháng 10/2011, ít tháng sau khi trở thành Bộ trưởng, khi thị sát thực trạng xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, báo chí rầm rộ đưa tin Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình do tình trạng thi công chậm tiến độ nhiều năm liền.
Xâu chuỗi hàng loạt động thái điều hành khác của Bộ trưởng Thăng từ sự kiện “sân bay Đà Nẵng”cho đến nay, có thể thấy một thông điệp rõ ràng từ ông: mọi việc đều phải được quy trách nhiệm rõ ràng!
Ý kiến nhiều chiều về cách điều hành của ông mấy năm qua đều có, nhưng một điều đã được cả xã hội ghi nhận, là tiến độ các công trình giao thông nói chung đã được đẩy lên rất nhiều trong hai năm qua.
Trong quản lý nói chung, quản lý nhà nước nói riêng, cả về lý thuyết và thực tiễn, nếu không quy được trách nhiệm cho người đứng đầu thì rất khó để công việc được hoàn tất một cách nhanh chóng, hiệu quả như kỳ vọng. Sân bay Đà Nẵng nếu không có sự kiện “trảm tướng” ngay tại công trường, có lẽ cũng khó được hoàn thành và khai trương đúng một năm sau đó. Đường vành đai 3, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và một số công trình khác dường như cũng đã có chung “hiệu ứng”.
Chuyện dài “ngang - dọc”
Thật tiếc, ngay cả khi cả lý thuyết và thực tiễn đều ủng hộ, một cơ chế điều hành tạo điều kiện cho việc chịu trách nhiệm cá nhân một cách đầy đủ nhất dường như vẫn chưa trở thành thực tiễn. Cho dù có bất bình với “cấp dưới” của mình là Giám đốc Đàm Văn Lũy, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng không thể “trảm” ngay như đã làm ở sân bay Đà Nẵng.
Hệ thống hành chính của Việt Nam hiện được vận hành theo cả chiều ngang và chiều dọc. Về chuyên môn, ông Lũy là “cấp dưới” của ông Thăng, chịu trách nhiệm về ngành giao thông vận tải ở một địa phương. Nhưng người ra quyết định phê chuẩn chiếc ghế Giám đốc Sở của ông Lũy lại là Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Cho dù cả ông Thăng và Chủ tịch Hải Phòng cùng chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng, thì việc ai sẽ chịu trách nhiệm nếu ông Lũy không hoàn thành nhiệm vụ, rõ ràng vẫn chưa được minh định.
Không chỉ vậy, chúng ta cũng chưa quen được với chuyện từ chức, cách chức, khi một cán bộ nào đó không hoàn thành nhiệm vụ. Hơn 10 năm trước, khi phát biểu trong một hội nghị Chính phủ mở rộng, người đứng đầu Chính phủ khi đó đã nói đại ý rằng bản thân ông cũng rất khó khăn khi muốn kỷ luật một lãnh đạo tỉnh vì “vướng trên vướng dưới”. Dân gian thì đúc kết thực tiễn bằng cụm từ, “trên bảo dưới không nghe”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng rất biết mình biết người khi nói rằng “sẽ đề xuất Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng…” thay vì nói “sẽ cách chức” đối với ông Đàm Văn Lũy. Dù đã có thông điệp điều hành rõ ràng và nhất quán, trải nghiệm hai năm làm Bộ trưởng đã cho vị tư lệnh ngành này thấy rõ, có nhiều rào cản, nhiều chuyện “vướng trên vướng dưới” từ các ngành, địa phương khác vẫn đang chờ đợi ông ở đâu đó.
Anh Minh
vneconomy
|