TS. Trần Du Lịch: Lạm phát cả năm 2013 sẽ được kiềm chế ở mức 7%
“Kinh tế năm 2013 không thể tăng trưởng cao, chỉ ở mức hơn 5 % nhưng lạm phát cũng được kiềm chế tại 7%, tỷ giá đến cuối năm tăng thêm cao nhất cũng chỉ 2% và cả năm ở mức 3% là tối đa”.
Hội thảo nhận định kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2013
|
Đó là phát biểu của TS. Trần Du Lịch tại hội thảo nhận định kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm do Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) tổ chức chiều ngày 18/08.
Theo TS. Trần Du Lịch, hiện tại những chỉ báo vĩ mô đã cho tín hiệu tích cực như lạm phát được kiềm chế, tiền tệ không còn là yếu tố chính, dự trữ ngoại tệ lớn bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu, xuất khẩu tăng 18%, có thể khắc phục được nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, vẫn có những khó khăn. Nợ xấu giảm nhưng bản chất chưa giảm; hàng tồn kho có giảm nhưng do doanh nghiệp giảm công suất chứ không phải sức mua tăng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản có dừng lại nhưng khả năng phục hồi của nhiều doanh nghiệp rất khó.
Kinh tế vĩ mô tuy khó khăn nhưng tính bất ổn đã được cải thiện, bối cảnh cho kinh tế có thể phục hồi là triển vọng.
Về dự báo trong thời gian cuối năm, ông nói: “Kinh tế năm 2013 không thể tăng trưởng cao, chỉ ở mức hơn 5% nhưng lạm phát cũng được kiềm chế ở mức 7%, tỷ giá đến cuối năm tăng thêm cao nhất cũng chỉ 2% và cả năm ở mức 3% là tối đa”.
Chứng khoán và BĐS hình thành bong bóng nền kinh tế
Nhìn lại nền kinh tế thời gian qua, TS. Trần Du Lịch cho rằng giai đoạn từ 2008-2013 là thời kỳ dài nhất về bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Ông dẫn chứng, trước khi hội nhập WTO, trong vòng 15 năm từ 1991 đến 2005 kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt do phát triển theo giá trị nội lực. Mặc dù vẫn có thời kỳ suy giảm từ 1997-1999 do khủng hoảng tài chính trong khu vực nhưng vượt qua khá nhanh.
Tiếp đến, giai đoạn đầu sau khi gia nhập WTO (2006), thị trường bùng nổ mạnh mẽ nhưng nguồn vốn chủ yếu là đầu cơ ngắn hạn và tham gia chủ yếu vào thị trường chứng khoán. Nhưng giai đoạn này, thể chế không bền vững, chính sự không bền này cũng làm xuất hiện bong bóng chứng khoán và làm cho nền kinh tế không thể phát triển được, lâm vào tình trạng khủng hoảng khi nguồn vốn dịch chuyển qua thị trường bất động sản (BĐS) và tạo nên một bong bong mới.
Ông phân tích, thị trường chứng khoán năm 2006 với vốn hóa lên đến 40% GDP, sau khi đạt đỉnh vào tháng 3/2007 dòng vốn từ chứng khoán chuyển qua BĐS làm thị trường BĐS biến chuyển quá mức, giá tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Vì thế, giai đoạn 2006-2010 nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào nợ mà không dựa vào vốn chủ sở hữu. Giai đoạn này Chính phủ bội chi ngân sách 56% GDP, còn doanh nghiệp không ngừng gia tăng vốn vay. Việc nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu làm doanh nghiệp lâm vào tình trạng luôn luôn thiếu vốn. Xét trong vòng 20 năm qua, lần đầu tiên kinh tế Việt Nam có sự phát triển thấp hơn cả Indonesia và Philippines.
Xét về tăng trưởng tín dụng, trước năm 2006, tín dụng Việt Nam tăng từ 20-25%/năm, nhưng năm 2007, tín dụng tăng 53%. “Mặc dù tăng cao như vậy nhưng mức tăng này vẫn không đủ cung tiền để bù cho bong bóng xảy ra ở lĩnh vực bất động sản” - TS Lịch nhấn mạnh.
Năm 2008-2009 tác động khủng hoảng đã làm kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào thị trường thế giới rất nhiều do độ mở nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP ở mức quá lớn, đã có lúc độ mở này lên đến 160%.
Đến năm 2011 và 2012 kinh tế Việt Nam sa vào tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài, tất cả các giải pháp mà Chính phủ áp dụng từ 2008 đến 2013 chỉ là tình thế, chỉ tập trung chữa hiện tượng (bất ổn ở đâu, đưa chính sách ở đó) chứ không chữa bản chất (gốc của nền kinh tế). Với điều kiện này, thị trường BĐS Việt Nam phát triển méo mó và bất ổn chính đến từ thị trường BĐS.Thị trường BĐS trong giai đoạn này đầu cơ thái quá, cung cầu biến đổi. Sản phẩm thị trường BĐS tạo ra không phù hợp với sức mua thị trường (chủ yếu chỉ là sản phẩm cao cấp).
Toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào ngân hàng thương mại
Khi thị trường chứng khoán tăng một cách thái quá, các ngân hàng thương mại cũng tham gia vào làm thị trường càng trở nên biến động. Trong khi đó các hệ thống pháp chế bảo đảm an toàn cho thị trường chứng khoán giai đoạn này chưa bền vững dẫn đến dù phát triển mạnh nhưng TTCK không thể hiện vai trò chính là tạo vốn trực tiếp cho nền kinh tế.
Với chủ trương cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng khó thực hiện nên hầu như không có doanh nghiệp nào tham gia phát hành. Trong khi đó tất cả trái phiếu Chính phủ phát hành thì chỉ ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia làm cho nguồn vốn trung và dài hạn không thể phát triển được. Cuối cùng toàn bộ nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào ngân hàng thương mại. Theo thống kê, 97% tín dụng của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào NHTM, chỉ 3% là các định chế phi tài chính.
Năm 2011, Chính phủ tập trung giảm kiềm chế lạm phát như cắt giảm đầu tư công tạo cân bằng nền kinh tế nhưng hệ quả quá lớn là doanh nghiệp phá sản thua lỗ, kinh tế tăng tưởng trì trệ, niềm tin thị trường giảm.
Ông kết luận, nền kinh tế Việt Nam từ 1990 đến nay phát triển dựa trên 4 cột mốc chính là vai trò doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân bùng nổ, kinh tế phát triển dựa trên nền nông nghiệp nhiều ưu thế, tỷ lệ FDI/GDP cao so với nhiều nước. Nhưng do bất ổn vĩ mô, từ 2012 xuất hiện những lĩnh vực khó khăn nghiêm trọng như doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế tư nhân.
Duy Hoàng ghi
Infonet
|