Ổn định thị trường giá cả những tháng cuối năm
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá cả thị trường 6 tháng cuối năm sẽ có tốc độ tăng nhanh hơn so với 6 tháng đầu năm khi giá xăng dầu đã bắt đầu tăng từ ngày 17/7, cùng với giá dịch vụ y tế, điện, nước... đều có nhiều dấu hiệu tăng.
Tuy nhiên, với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thì mục tiêu quản lý lạm phát đề ra nhiều khả năng sẽ đạt được dù vẫn cần những biện pháp phối hợp liên ngành chặt chẽ.
Tránh tạo những “cú sốc”
Tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013" do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) vừa được diễn ra vừa qua tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng diễn biến giá cả ở Việt Nam từ nay tới cuối năm 2013 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (điện, than, dịch vụ y tế, giáo dục…). Diễn biến giá cả khá ổn định trong 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy đây là “cơ hội tốt” để Chính phủ thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng này theo cơ chế thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Minh Thụy của Viện Kinh tế - Tài chính thì việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều, lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách về giá cả. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về giá, xử lý nghiêm vi phạm. Các mặt hàng do Nhà nước định giá, các hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón... cần được kiểm soát.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam đánh giá, mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%. Với mức tăng của 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm chỉ số sẽ tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện… nhưng mục tiêu cả năm có thể sẽ đạt được.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và tiềm ẩn những rủi ro tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô như: tồn kho, nợ xấu chưa được giải quyết hiệu quả; tín dụng theo xu hướng tăng lên; sức mua tăng dần; tác động của việc tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ, của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Các chuyên gia cho rằng từ nay tới cuối năm các quyết sách điều hành vẫn cần hết sức thận trọng, linh hoạt, tăng cường và phải có sự phối hợp chặt chẽ để ổn định mặt bằng giá cả. Ngoài việc thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, các cơ quan quản lý cũng cần phải tiếp tục tiến hành các giải pháp căn cơ để xử lý nguyên nhân sâu xa, thì 6 tháng cuối năm phải tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả một số các giải pháp lớn.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa thì trước mắt cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; áp dụng ngay, có hiệu quả các biện pháp xử lý khai thông “điểm nghẽn” hiện nay của nền kinh tế là tăng tổng cầu của nền kinh tế, giải quyết tình trạng nợ xấu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giảm tồn kho. Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán chồng chéo, vòng véo, lũng đoạn thị trường, chú ý tổ chức lại hệ thông phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng giảm bớt khâu trung gian, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu để hạ giá thành sản phẩm.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho rằng, tổ chức hệ thống phân phối quốc gia những mặt hàng thiết yếu, bao gồm lương thực cái này phải giao cho các tập đoàn kinh tế lớn tự chủ về tài chính.
Bộ Tài chính cũng cho rằng phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; làm tốt công tác dự báo để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, có các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng tổng cầu; xây dựng các giải pháp củng cố thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới nhằm tạo nguồn cung bền vững và giảm chi phí, qua đó giảm lượng hàng tồn kho, kích thích sản xuất của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tín dụng tăng cao.
Thùy Dương
vietnam+
|