Tăng trưởng 6%: Thấp nhưng không dễ đạt
6% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là một nội dung trong khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 của Bộ kế hoạch và Đầu tư. Con số 6% - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 - không phải là quá sức đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, đó là mục tiêu không dễ đạt được.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014 của các tổ chức quốc tế và Việt Nam
|
Kể từ năm 2011, luôn có một khoảng cách lớn giữa mục tiêu tăng trưởng hằng năm với kết quả thực hiện. Năm 2011, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% nhưng thực tế chỉ đạt 5,89%. Năm 2012, kế hoạch là 6-6,5%, nhưng chỉ đạt 5,03%. Năm nay mục tiêu là 5,5% nhưng nhiều khả năng chỉ đạt 5,1-5,2%.
Lần này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số dự tính dựa trên cơ sở kinh tế thế giới sẽ phục hồi tích cực hơn so với năm 2013. Theo đó, GDP toàn cầu năm 2014 sẽ tăng 4%, cao hơn mức 3,3% của 2013. Những con số này được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 4 năm nay. Nhưng viễn cảnh này cũng đã bớt phần sáng sủa khi đầu tuần qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2014 xuống còn 3,8% vì có những rủi ro mới xuất hiện.
Trên thực tế, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Mỹ đang đau đầu khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn chưa thống nhất về tiến trình cắt giảm ngân sách. Một sự cắt giảm ngân sách quá đột ngột có thể khiến tiến trình phục hồi của Mỹ trật đường ray. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm dần quy mô của gói nới lỏng định lượng trong năm nay và chấm dứt hẳn vào giữa năm sau.
Bất ổn còn đến từ khu vực đồng euro khi tăng trưởng GDP quý I/2013 là quý thứ 6 liên tiếp bị suy giảm. Các thị trường mới nổi cũng đang có dấu hiệu bị cảm lạnh. Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (EMI) của Ngân hàng HSBC rớt xuống 50,6 vào tháng 6. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Kết quả này phần nào phản ánh viễn cảnh tăng trưởng bấp bênh của các nền kinh tế mới nổi, nổi bật là Trung Quốc.
Theo tạp chí The Asset, chính phủ mới của Trung Quốc đang tìm cách thay đổi mô hình tăng trưởng bền vững hơn theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư. Một cuộc cải cách như thế sẽ giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, nhiều khả năng sẽ khiến tăng trưởng chậm lại và gián tiếp ảnh hưởng đến các nước có giao dịch thương mại, đầu tư với nước này, trong đó có Việt Nam.
Viễn cảnh không mấy khả quan của các thị trường xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ là điểm trừ cho tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.
Giữa lúc tình hình thế giới không mấy thuận lợi, các vấn đề nội tại ở Việt Nam lại chưa được giải quyết triệt để. Điển hình là tiến trình tái cơ cấu chậm chạp ở khu vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Điều này sẽ khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%.
Các dự báo của một số tổ chức quốc tế cũng không lạc quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồi tháng 5, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2014 từ 6,4% xuống 5,2% và là mức cắt giảm lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đó là chưa kể với tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến sẽ thấp hơn các năm trước (tỉ lệ khoảng 30% GDP), mức tăng trưởng cao hơn chỉ xuất hiện khi năng suất và tính hiệu quả của nền kinh tế tăng lên một cách đáng kể. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra trong tương lai gần.
Có thể sự lạc quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư một phần đến từ tác động trễ của các công cụ kích thích như gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỉ đồng và việc thành lập công ty mua bán nợ để giải quyết nợ xấu. Tuy vậy, tính hiệu quả của các công cụ này vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.
Dự báo tăng trưởng năm 2014 dù gì cũng chỉ là dự báo. Trước mắt, tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay không khả quan. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng ì ạch và còn cách xa mục tiêu 12% của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả về vốn đăng ký và giải ngân đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dường như Việt Nam đang hụt hơi trong việc thu hút FDI so với các nước trong khu vực như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thừa nhận. Một ví dụ là vốn FDI chảy vào Indonesia trong quý I/2013 đạt đến 9,58 tỉ USD so với chỉ 6,03 tỉ USD của Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, họ vẫn tiếp tục bi quan. Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy các doanh nghiệp cảm nhận tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm nay còn xấu hơn so với 6 tháng cuối năm ngoái.
Rõ ràng, con đường đi đến đích tăng trưởng 6% của Việt Nam còn gặp nhiều chướng ngại vật. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, vấn đề mấu chốt nằm ở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. “Việt Nam có khả năng đạt được mức tăng trưởng cao hơn, vào khoảng 6,5-7%, nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào kết quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”, ông nhận xét.
Sơn Nguyễn
nhịp cầu đầu tư
|