Ông Ngô Trí Long: Thị trường tài chính Tiền tệ - Guồng quay đang nhanh dần
Trong những tháng ngày "giông bão” và bị ám ảnh bởi bong bóng bất động sản, bóng ma lạm phát, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa tin vào việc điều hành lãi suất, điều hành thị trường vàng, điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Dù ít nhiều các chính sách có những hạn chế nhất định nhưng nếu nhìn trong dài hạn, NHNN đã nỗ lực rất nhiều để đưa ra các biện pháp tác động vào nền kinh tế. Guồng quay thị trường đang vận hành.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả Ngô Trí Long cho rằng: "Các giải pháp của NHNN gắn với việc triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường… chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Ngân hàng hạ lãi suất, dòng vốn bơm vào hoạt động sản xuất,
kinh doanh mạnh mẽ hơn
|
Mạnh tay tác động vào cung
Thưa ông, vấn đề của toàn nền kinh tế hiện nay là niềm tin. Niềm tin của người dân ngày càng cạn. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Ông Ngô Trí Long: Đúng là niềm tin hiện nay thấp. Niềm tin của người dân là cách họ nhìn vào bộ máy tổ chức, thể chế, nhìn vào chính sách, vào thị trường. Muốn tăng thêm niềm tin cho toàn xã hội thì việc dễ làm trước, việc khó làm sau. Các chính sách đã vạch ra thì phải thực thi. Ví dụ như xử lý nợ xấu, NHNN đã có chủ trương từ lâu bằng việc thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng. Nhưng mãi ngày 1-7, mới đi vào hoạt động. Hay ví dụ như gói kích cầu 30.000 tỷ lãi suất ưu đãi 6% hỗ trợ thị trường phải đốc thúc để vốn giá rẻ đến tay người dân. Để nâng cao niềm tin cho toàn xã hội thì những chính sách đã nói phải làm, khi đã làm thì nên đưa vào cuộc sống.
Thưa ông, trở lại với vấn đề chính sách. Trong tuần đầu tháng 7, dường như DN rất sốc khi NHNN đột ngột nới biên độ tỷ giá hối đoái +1%. Bởi trước đó, khi thị trường USD có tăng song NHNN vẫn khẳng định, sẽ giữ ổn định thị trường ngoại hối. Các DN than rằng, NHNN không nhất quán trong lời nói và hành động.
- Chúng ta phải nhìn nhận rằng, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá với mục đích chính là khuyến khích xuất khẩu.
Và việc có sóng USD trên thị trường là do quan hệ cung cầu. NHNN vẫn thường xuyên bán đô la cho các ngân hàng thương mại, rồi bản thân NHNN cũng tiến hành việc nhập khẩu vàng nên có thời điểm khan hiếm. Trong khi đó, nguồn thu ngoại tệ của NHNN là hạn hẹp.
Khi USD ngoài thị trường tự do lên 21.900 đồng/ USD thì NHNN đã tác động vào cung. Và theo quy luật nhất định, khi vừa ban hành chính sách gì thì thị trường cũng phải có biến chuyển. Nhưng giờ đây giá đô la đã lại vào khung.
Mục tiêu của Thống đốc NHNN trong năm 2013 giữ ổn định, nếu có biến động chỉ biến động trong 3%, NHNN đủ lực lượng cung ứng đồng bạc xanh. Và trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá đã ổn định. Điều này khiến cho giá nguyên liệu đầu vào ổn định, khiến chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm ổn định, chỉ tăng 2,41%. Đó là những tiền đề vĩ mô NHNN tạo dựng được.
Bản thân DN vẫn than rằng, tình trạng đô la hai giá vẫn tái diễn. Sau khi điều chỉnh tỷ giá, DN tiếp tục phải mua đô la giá cao hơn niêm yết trong ngân hàng . Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay cái thực và cái không thực trong hoạt động kinh tế có nhiều vấn đề. Chúng ta không thể nói chung chung được mà phải có số liệu. Việc xuất hiện tình trạng đô la hai giá là có lý do, và nguyên nhân của nó. Khi chúng ta sốt đô la, khi cầu lớn hơn cung, DN muốn gấp rút cần mua đô la thì phải chấp nhận bằng việc thỏa thuận.
Nghĩa là ông tin vào các quyết sách của NHNN trong cách quản lý đồng bạc xanh?
Đúng vậy!
Vẫn còn lợn cợn
Thưa ông, ngoài giá đôla, thị trường trong thời gian qua cũng ghi nhận sự biến động lạ lùng của giá vàng. Sau khi hạn tất toán vàng đã kết thúc nhưng lời hứa thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa được thực hiện. Ông đánh giá sao?
- Hiện nay, chính sách về quản lý thị trường vàng theo tôi nghĩ còn nhiều bất cập. Đó là kiểu quản lý một mình một chợ dẫn đến bất cập về giá. Tôi đọc báo có thông tin, Ân Độ có cách quản lý vàng giống Việt Nam. Thực ra, Ấn Độ chỉ quản lý chặt hơn về thị trường. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ không kinh doanh vàng.
Tôi nghĩ thời gian tới, NHNN nên bỏ việc độc quyền thương hiệu.
Phát ngôn của NHNN sau khi DN đóng xong tất toán thì giá vàng trong nước sát với thế giới nhưng lời nói và hành động lại không đi cùng nhau. Gây ra sự búc xúc và thiếu niềm tin. Một số điểm trong Nghị định 24 về kinh doanh vàng còn bất cập thì nên sửa đổi. Cái quan trọng là khoảng cách giá trong nước thu hẹp với giá thế giới.
Theo tính toán của tôi, khoảng cách này chỉ 40 -50 USD là hợp lý. NHNN nhập vàng từ tài khoản và để chuyển vàng từ vàng tài khoản sang vàng vật chất cần có phí. Phí này tùy thuộc vào từng thời điểm. Trong lúc thị trường vàng thế giới căng thẳng, chuyển đổi vàng tài khoản sang vàng vật chất tốn khoảng 4-5 USD/lượng. Nhưng lúc giá vàng thế giới hạ nhiệt thì chi phí chuyển đổi chỉ khoảng 2- 3 USD. Lấy mức chia trung bình, với thời điểm hiện tại giá vàng trong nước chỉ nên chênh với giá vàng thế giới 1 triệu đồng/ lượng.
Có một thực tế lượng vàng trong dân rất lớn, cần phải khai thác để đưa vào phát triển xã hội. Nếu NHNN cứ nhập để tung vàng ra, hút tiền đồng về, vô hình trung ta để một đống tài sản đấy nằm im, không đưa vào sản xuất. Vì thế không thể tốt cho nền kinh tế? Việc NHNN tiếp tục cung ứng vàng là không nên?
- Đúng vậy, đứng về góc độ phát triển sản xuất kinh doanh thì việc để tiền chết trong vàng là không nên.
Nhiều tính toán, vàng nằm trong dân khoảng 400-500 tấn, NHNN cần khai thác được nguồn lực này để phục vụ sản xuất. Trong khi chưa khai thác được mà NHNN lại cứ tung vàng ra bán cho DN, DN mua được lại bán cho dân. Như vậy, đi ngược với mục đích ban đầu là chống vàng hóa. Đây cũng chính là mặt trái của đấu thầu vàng cần xem xét lại có nên tiếp tục nữa hay không?
NHNN đấu thầu vàng nhưng NHNN lại không thể kiểm soát được giá vàng trên thị trường, bằng chứng giá vàng vẫn luôn trồi sụt thất thường?
- Theo tôi, NHNN hoàn toàn có đủ sức mạnh để kiểm soát được giá vàng. Kinh doanh vàng hiện nay rất chặt chẽ, điều kiện cao. Nhiều DN không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng đã biến tướng dưới hình thức kinh doanh nhẫn trơn và trang sức. Mà phong tục truyền thống người Việt Nam ngoài trang sức, vàng còn có tác dụng tích lũy.
Hiện nay, NHNN độc quyền kinh doanh vàng, mà khi độc quyền muốn giá bao nhiêu thì định giá bấy nhiêu. Đó là giá thị trường rồi. Do vậy nói NHNN không thể kiểm soát giá vàng là không đúng. NHNN chỉ chưa thực hiện lời hứa kéo giá vàng trong nước sát thế giới mà thôi. Nếu bây giờ NHNN kéo giá đấu thầu vàng xuống thì khoảng cách giá vàng sẽ xuống theo ngay.
Cụ thể, khi NHNN tung ra 40.000 lượng vàng ngay lập tức NHNN có thể mua ngay 40.000 lượng vàng từ thị trường thế giới về bù đắp. Tay phải mua, tay trái bán là hoàn toàn hợp lý. Khi thực hiện đấu thầu, NHNN phải quy định mua giá nào bán giá đó, coi như là áp mức trần cho giá bán. DN chỉ được bán trong mức giá cho phép, ăn chênh lệch khoảng bao nhiêu phần trăm… Khi NHNN kéo giá xuống, thị trường cũng sẽ xuống theo ngay lập tức. Nếu DN chỉ nhăm nhăm bán đắt, không muốn bán vàng rẻ nên "ôm” vàng lại thì chính DN sẽ không thể tồn tại.
Cơ quan quản lý là người điều tiết thị trường nên NHNN có đủ cơ sở, tín hiệu để điều khiển thị trường?
- Có lẽ NHNN chờ sự hạ nhiệt ổn định của giá vàng thế giới, sau đó mới vào cuộc rút ngắn khoảng cách chênh lệch.
Thúy Hằng
Đại đoàn kết
|