Chủ Nhật, 07/07/2013 14:46

Tăng tỉ giá: Đừng quá lạc quan!

Ngân hàng Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng từ đợt điều chỉnh tăng tỉ giá giữa VNĐ và USD lên 1% song thực tiễn kinh tế Việt Nam cho thấy không thể lạc quan “tếu” với biện pháp hành chính này

Sau một thời gian tương đối dài được giữ ổn định, giữa nhiều đồn đoán, thậm chí cải chính về điều chỉnh tỉ giá, hôm 27-6, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỉ giá giữa VNĐ và USD lên 1%, đồng USD sẽ đắt hơn, lãi suất tiền gửi USD được hạ thấp, chỉ còn 0,25%/tháng nhằm “một mũi tên bắn được nhiều đích”: Hạn chế tâm lý giữ USD trong dân vì giữ USD nay không có lợi bằng gửi tiết kiệm bằng VNĐ, làm cho việc rút vốn ngoại tệ ra khỏi Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trở nên tốn kém hơn so với trước đây, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và thúc đẩy xuất khẩu.

Tỉ giá giữa VNĐ và USD những ngày qua khá căng thẳng.

Lợi thì có lợi...

Gần đây, Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe đã phá giá đồng yen đến 25%, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu và tăng trưởng GDP Nhật Bản vọt lên đáng kể, vượt qua được tình trạng suy thoái, trì trệ kéo dài.

Một số người đã nhanh chóng liên hệ trường hợp Nhật Bản với đợt điều chỉnh tỉ giá này của Việt Nam và hy vọng việc điều chỉnh tỉ giá cũng sẽ tác động tích cực tương tự tới xuất khẩu của nước ta, góp phần ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vấn đề ở Việt Nam khác nhiều so với Nhật Bản. Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài chiếm đến 65% trong khi DN trong nước chỉ đóng góp 35%. Xuất khẩu của DN đầu tư nước ngoài chủ yếu là tận dụng lao động giá rẻ ở Việt Nam, lắp ráp các linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài để xuất khẩu. Điển hình là Samsung Vina nhập khẩu 100% linh kiện từ Samsung ở Trung Quốc để sản xuất điện thoại thông minh Galaxy; giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 12 tỉ USD xuất khẩu của Samsung Vina trong năm 2012. Dự kiến xuất khẩu của DN này sẽ vượt ngưỡng 20 tỉ USD trong năm 2013. Đối với những DN đầu tư nước ngoài xuất khẩu các sản phẩm lắp ráp này, điều chỉnh tỉ giá ít tác động tới kết quả hoạt động của họ vì giá các linh kiện nhập khẩu tăng lên tương ứng do điều chỉnh tỉ giá và tỉ lệ giá trị gia tăng trong nội địa không tăng cùng. Tương tự, xuất khẩu dệt may, da giày của các DN Việt Nam cũng chủ yếu là các sản phẩm gia công, tỉ lệ đầu vào nhập khẩu của các sản phẩm này lên đến 70%-75% giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá trị các sản phẩm đầu vào sản xuất trong nước chỉ chiếm 25%-30%, kể cả chi phí hậu cần, bao bì... Vì vậy, điều chỉnh tỉ giá chỉ có tác dụng rất hạn chế để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này.

Điều chỉnh tỉ giá sẽ tác động thuận lợi đến xuất khẩu nông - lâm - hải sản ở mức độ nhất định vì đây là những sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa cao hơn so với các sản phẩm lắp ráp hay gia công kể trên. Tùy theo tỉ lệ giá trị gia tăng của từng sản phẩm, xuất khẩu cao su, cà phê, gạo, thủy sản có thể thuận lợi hơn song tác động không phải quá lớn với mức điều chỉnh tỉ giá 1%. Dù vậy, tỉ trọng các sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu không quá lớn nên tác động thúc đẩy xuất khẩu chỉ có mức độ. Khác với Nhật Bản, muốn tăng xuất khẩu, Việt Nam phải có nỗ lực lâu dài để tăng tỉ lệ giá trị nội địa, cải thiện kết cấu hạ tầng, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính ở hải quan, bến cảng, thuế...

Mặt khác, việc điều chỉnh tỉ giá chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát vì nền kinh tế nước ta có tỉ lệ nhập khẩu trên GDP rất cao, có năm lên đến 90% GDP; giá các sản phẩm nhập khẩu như xăng dầu, nguyên liệu cho thức ăn gia súc, dược phẩm... sẽ tăng lên và hoàn toàn không phải tình cờ mà giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng lần thứ hai trong 1 tháng, đợt mới nhất là hôm 28-6, chỉ 1 ngày ngay sau khi điều chỉnh tỉ giá.

Không phải phép mầu

Điều chỉnh tỉ giá diễn ra trong bối cảnh kinh tế nước ta có một số cải thiện nhưng đang còn phức tạp với không ít thách thức. NH Nhà nước đã bán ra hơn 40 tấn vàng và nhu cầu về vàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. Lượng vàng nhập khẩu chắc chắn đã lấy đi một lượng ngoại tệ không nhỏ, nhập khẩu của nền kinh tế đã tăng lên và 6 tháng đầu năm nay đã nhập siêu 1,4 tỉ USD, dự kiến cả năm 2013 có thể nhập siêu lên đến 9 tỉ USD, nhu cầu ngoại tệ cho thanh toán quốc tế là có thật. Sáng qua (6-7), tỉ giá trên thị trường tự do có thời điểm chạm mức 22.000 VNĐ/USD, đây là chỉ dấu cho thấy duy trì tỉ giá ổn định trong 6 tháng cuối năm là không phải dễ dàng mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, cải tiến cơ cấu xuất nhập khẩu và cân đối thanh toán tài khoản vãng lai.

Cơ sở để hy vọng cải thiện tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm là cải cách và tái cơ cấu kinh tế. Quốc hội đã thông qua các điều chỉnh mà Chính phủ đề nghị về giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập DN, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN kinh doanh. Bản thân các DN nhà nước, DN dân doanh cũng phải tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh cho phù hợp với điều kiện thị trường, sức mua trong nước. Phải nỗ lực tự thân, tự đổi mới để tìm hướng đi vì điều chỉnh tỉ giá không thể là phép mầu để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở nước ta.

Có thể tăng thêm 1% nữa?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tỉ giá vẫn còn dư địa tăng thêm 1% nhưng kèm theo đó là lắm mối lo...

Sau đợt điều chỉnh tỉ giá hôm 27-6, tỉ giá VNĐ/USD tăng liên tục trong nhiều ngày qua. Các NH đồng loạt bán ra ngoại tệ với giá trần. Trong khi đó, huy động vốn bằng ngoại tệ sụt giảm, trần lãi suất tiền gửi USD cũng giảm mạnh. Những diễn biến mới về cầu ngoại tệ cùng với cán cân xuất nhập khẩu có sự thay đổi, lãi suất USD có thể tiếp tục giảm là một ẩn số đối với tỉ giá.

Ngày 6-7, trên cơ sở tỉ giá liên NH là 21.036 đồng/USD cộng với biên độ 1%, các NH thương mại bán ngoại tệ với giá trần 21.246 đồng, giá mua vào chỉ thấp hơn bán ra 6 đồng/USD. Nếu tính từ ngày 28-6 (thời điểm NH Nhà nước tăng tỉ giá liên NH từ 20.828 đồng lên 21.036 đồng/USD), các NH đã liên tục tăng giá mua vào USD hơn 100 đồng.

Theo các NH, hơn 1 tháng qua, do NH Nhà nước không bán ra USD nên nguồn cung USD của các NH phụ thuộc hoàn toàn DN xuất khẩu. Mặt khác, người dân không bán USD cho NH bởi giá thu mua USD trên thị trường tự do thường cao hơn NH từ 100-200 đồng/USD trong khi DN mạnh tay bán ngoại tệ sau khi lãi suất tiền gửi USD giảm. Do đó, các NH phải cạnh tranh thu mua USD để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng.

Diễn biến trên cho thấy tỉ giá đang đứng trước nhiều sức ép và nhiều khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Bởi lẽ, từ đầu năm 2013, NH Nhà nước đã đề ra mục tiêu ổn định tỉ giá không quá 2%-3%. Tuy NH Nhà nước đã tăng tỉ giá liên NH thêm 1% nhưng theo đại diện Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dư địa điều chỉnh tỉ giá vẫn còn 1%. Nếu NH Nhà nước duy trì cam kết tỉ giá dao động trong khoảng 3% thì từ nay đến cuối năm 2013, tỉ giá có thể sẽ điều chỉnh tăng thêm 1%.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH Trường Đại học Mở TP HCM, cho rằng tỉ giá có điều chỉnh nữa hay không còn phụ thuộc vào tín hiệu thị trường, trạng thái ngoại hối của NH Nhà nước, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có làm tăng sức mua USD để nhập lậu vàng hay không, cán cân thanh toán của Việt Nam có gây sức ép lên cầu ngoại tệ?... Cũng theo ông Thuận, trong bối cảnh xuất khẩu còn khó khăn, NH Nhà nước nên tăng thêm tỉ giá 1%.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu tỉ giá được tăng thêm, NH Nhà nước sẽ có điều kiện dùng hàng ngàn tỉ đồng tiền lãi từ việc bán vàng để thu mua hơn 2 tỉ USD, bù lại cho cho số tiền nhập khẩu hơn 40 tấn vàng mà NH Nhà nước đã bán ra thị trường trong thời gian qua.

Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế - NH Nguyễn Trí Hiếu, dù có lợi cho xuất khẩu nhưng tỉ giá tăng thêm với biên độ thấp sẽ không có tác động nhiều đến nền kinh tế. TS Hoàng Thế Thỏa (NH Nhà nước) cho rằng khi tỉ giá tăng, các DN sẽ phải điều chỉnh lại phương án sản xuất - kinh doanh và các hợp đồng kinh tế, gây tốn kém tiền bạc và nhiều bất lợi khác. Ngay cả các DN xuất khẩu cũng chưa chắc đã hưởng lợi bởi nhiều DN vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Mặt khác, tỉ giá còn gây tác động tâm lý khi nhiều người chuyển sang tích giữ USD, điều này lại dồn áp lực lên tỉ giá.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng tác động đáng lo của điều chỉnh tỉ giá là liên quan đến nợ nước ngoài của Việt Nam. Khi NH Nhà nước điều chỉnh tỉ giá thì chắc chắn phải cân nhắc rất kỹ yếu tố này. TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, cũng nhận định tỉ giá tăng sẽ tăng thêm “chút ít” đối với gánh nặng nợ công và nhập siêu...

Thy Thơ


TS Lê Đăng Doanh

người lao động

Các tin tức khác

>   Áp lực tăng trưởng tín dụng 12% (06/07/2013)

>   Lãi suất hạ, doanh nghiệp vẫn kêu cao (06/07/2013)

>   Cơ hội tháo trần lãi suất? (05/07/2013)

>   Thông báo thay đổi thành viên hệ thống thanh toán liên ngân hàng (05/07/2013)

>   Sốt với USD giao dịch liên ngân hàng (05/07/2013)

>   Nhiều ngân hàng ngừng giữ hộ vàng (05/07/2013)

>   Thông tư 15 và những nỗ lực của NHNN (05/07/2013)

>   Vốn giá rẻ vẫn xa tầm tay doanh nghiệp (05/07/2013)

>   TGĐ Standard Chartered VN: Tín dụng giảm do niềm tin kinh doanh thấp (05/07/2013)

>   Nới tỷ giá: Được nhiều hơn mất (05/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật