Thông tư 15 và những nỗ lực của NHNN
Ngày 27/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 15 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND không kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,2%/năm, giảm 0,8%; lãi suất tối đa đối với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 7%/năm, giảm 0,5%; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD tự ấn định.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu và lạm phát ở mức thấp, động thái này của NHNN đã có tác dụng tích cực, giúp các TCTD giảm chi phí đầu vào, qua đó sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay, làm tăng lượng tiền trong lưu thông.
Thông tư 15 cũng đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền nếu tiếp tục gửi tiền tại các TCTD theo kỳ hạn 6 tháng trở lên, giúp các TCTD giảm dần rủi ro kỳ hạn và củng cố thanh khoản, từng bước tăng nguồn vốn trung dài hạn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn của nền kinh tế.
Nới lỏng lãi suất chỉ là một giải pháp
Trên thực tế, các TCTD đã cố gắng tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, liên tục đưa ra các chương trình tín dụng với mức lãi suất ưu đãi; thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất đối với những khoản cho vay đã giải ngân trước ngày 13/5/2013 và tiếp tục cho vay mới với lãi suất 10%/năm đối với các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản; đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi như tích cực triển khai chương trình cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 với lãi suất không quá 9%/năm; dành 12.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên.
Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng tiền tệ chỉ mang lại kết quả hạn chế, trong một thị trường mà hoạt động sản xuất trầm lắng do sức mua giảm sút và đầu ra bế tắc, kinh tế phục hồi chậm. Trong một số trường hợp, khi chi phí đầu vào giảm, một số TCTD có thể quyết định cho vay liều lĩnh hơn, làm tăng mức độ rủi ro.
Vấn đề đối với nền kinh tế hiện nay là phải vừa thúc đẩy đầu tư đồng thời với tăng chi tiêu, nhưng một mình hệ thống ngân hàng không thể tạo ra được những chuyển biến đáng kể do hoạt động cho vay dựa trên nguồn vốn đi vay và ngân hàng phải có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn này (trả đủ tiền gốc và lãi cho người gửi tiền cùng các khoản chi phí khác).
Bài học về nới lỏng lãi suất đã được tất cả các nước áp dụng trong thời kỳ suy thoái vừa qua, nhưng không có tác động đáng kể. Vì thế, bên cạnh các biện pháp nới lỏng tiền tệ, vẫn cần những giải pháp khác để hình thành và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Cần phối hợp biện pháp tiền tệ và tài khóa
Tại khu vực đồng tiền chung Euro, cùng với việc thực hiện các đợt tái cấp vốn với lãi suất dưới 1%/năm cho các ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra các chương trình mua trái phiếu của một số chính phủ đang gặp khó khăn, đồng thời buộc các chủ nợ tư nhân (chủ yếu là các NHTM trong nước) phải xóa một phần nợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế của khu vực này rất chậm chạp.
Tại Mỹ, bên cạnh việc duy trì chính sách lãi suất gần như bằng không trong thời gian suốt từ năm 2010 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tung ra 3 chương trình nới lỏng định lượng để mua trái phiếu mà bản chất của nghiệp vụ này là cho một số doanh nghiệp vay vốn để tái cơ cấu và củng cố năng lực tài chính. Sau khi đã phục hồi và thoát khỏi khó khăn, doanh nghiệp sẽ trả dần những khoản tiền đã vay từ FED.
Từ cuối năm 2012, Chính phủ mới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng phải tung ra hàng loạt gói kích thích tiền tệ và tài khóa để vực dậy nền kinh tế vốn đang bị suy thoái và giảm phát hoành hành suốt gần 2 thập kỷ qua, mặc dù tỉ lệ nợ công đang vượt ngưỡng 240% GDP.
Đối với Việt Nam hiện nay, hai khó khăn lớn nhất là nợ xấu và sức mua của người tiêu dùng, điều này đòi hỏi phải xem xét các biện pháp tài khóa.
Bên cạnh các biện pháp của NHNN và Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) về xử lý nợ xấu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các biện pháp tài khóa và biện pháp tiền tệ để xóa một phần nợ tồn đọng tại các doanh nghiệp, tiến hành cứu một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên thông qua nghiệp vụ mua trái phiếu của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực và doanh nghiệp nhất định.
Về vấn đề này, cần phân định rõ ràng những khoản nợ cần giao cho VAMC tiến hành xử lý, những khoản nợ cần giao cho Công ty Quản lý Nợ thuộc Bộ Tài chính (DATC) xử lý, những khoản nợ cần sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để xử lý trực tiếp.
Để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn ngân sách và giảm gánh nặng nợ công, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các dòng tiền, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu khu vực DNNN như bán một phần tài sản của Chính phủ tại các DNNN, đẩy nhanh quá trình thoái vốn của các DNNN, giải thể các công ty con và công ty trực thuộc, thậm chí một số tập đoàn và tổng công ty Nhà nước.
Như vậy, Thông tư 15 đã thể hiện nỗ lực của NHNN trong việc tiếp tục nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần có giải pháp tổng thể và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là khai thác khả năng hỗ trợ của các biện pháp tài khóa, cho dù tỉ lệ nợ công đang ở mức cao.
TS. Hoàng Thế Thỏa
Chính phủ
|