Nới tỷ giá: Được nhiều hơn mất
Động thái “nới” biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là liều thuốc tâm lý khá thích hợp trong bối cảnh thị trường tài chính hiện nay.
Doanh nghiệp xuất khẩu được lợi
Mặc dù mang lại sự ổn định cho thị trường ngoại hối trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, nhưng việc giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD trong suốt 18 tháng qua đã mang đến tâm lý kỳ vọng cho thị trường. Những diễn biến về cầu ngoại tệ thời gian gần đây cộng với cán cân xuất nhập khẩu có sự thay đổi từ xuất siêu sang nhập siêu đã khiến nhu cầu ngoại hối trên thị trường có nhiều biến động. Vì thế, việc nới biên độ tỷ giá của NHNN được đánh giá là bước đi phù hợp, giúp thị trường ngoại hối ổn định.
Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ - cho rằng: “Việc nâng tỷ giá thêm 1% là hợp lý, sự điều chỉnh này không gây xáo động lớn, đây là cách làm tương đối phù hợp với diễn biến thị trường”. Phân tích kỹ hơn, ông Kiêm cho rằng, nới tỷ giá là động thái đánh trúng tâm lý thị trường đang cần, nhất là đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Khi xuất khẩu được tạo điều kiện sẽ tác động đến việc làm, sức mua và hoạt động của các ngành nghề khác. Đồng quan điểm này, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Đây là động thái tích cực của NHNN, cùng với việc giảm lãi suất huy động thì nới tỷ giá được xem như là biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN, điều này chắc chắn sẽ giúp ích cho xuất khẩu.
Dường như các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh xuất khẩu như cao su, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, phần mềm… sẽ được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá. Làm phép tính đơn giản, nếu mục tiêu doanh thu từ xuất khẩu của một doanh nghiệp khoảng 36 triệu USD trong năm nay thì với biên độ tỷ giá mới, doanh nghiệp đã được lợi từ chênh lệch là 7,5 tỷ đồng.
Từ năm 2012 đến nay, NHNN đã 7 lần điều chỉnh trần lãi suất nhưng vẫn giữ nguyên tỷ giá, vì thế, theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, với những diễn biến thị trường vừa qua, lần điều chỉnh lãi suất này nếu không nới tỷ giá thì sẽ tạo thêm áp lực kỳ vọng lên thị trường; tỷ giá neo quá lâu sẽ không có lợi cho nền kinh tế và sẽ để lại hậu quả vì dù lạm phát Việt Nam thấp nhưng vẫn cao so với các nước khác. |
Nền kinh tế không chịu nhiều tác động
Xét ở một góc độ khác, điều chỉnh tỷ giá cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các khoản nợ nước ngoài nhưng vẫn nằm trong “giới hạn”. Ông Hiếu cho rằng: “Việc phá giá đồng tiền thế này có thể là một bước định hướng của NHNN, chứ không phải là do nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, giá mới cũng sẽ không có tác động nhiều lắm tới kinh tế những tháng cuối năm dù biết rằng, khi tỷ giá nâng lên thì sẽ tốt cho xuất khẩu nhưng với biên độ thấp thì tác động sẽ không nhiều”.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đưa ra những phân tích cụ thể: Việc tăng tỷ giá cũng có tác động đến nền kinh tế nhưng không nhiều, bởi đối với cán cân thương mại của Việt Nam kể cả có điều chỉnh tỷ giá thì cũng không thay đổi, vẫn xuất nhập bình thường vì cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam là khác so với các nước. Theo ông Lực, tác động duy nhất của điều chỉnh tỷ giá là liên quan đến nợ nước ngoài của Việt Nam, tuy nhiên, khi NHNN điều chỉnh tỷ giá thì chắc chắn phải cân nhắc rất kỹ đối với ảnh hưởng này. Còn ông Kiêm cũng cho rằng, tỷ giá tăng sẽ tăng thêm chút ít đối với gánh nặng nợ công và các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như nhập siêu, nhưng ông cũng lạc quan tin tưởng rằng, cân nhắc giữa lợi và hại trong điều chỉnh thì cái lợi vẫn nhiều hơn.
Duy Minh
Công thương
|