Cơ hội tháo trần lãi suất?
Theo quan điểm của TS. Cao Sỹ Kiêm, đúng là lãi suất đã giảm nhưng so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp vẫn còn cao. Nhưng, lãi suất chỉ nên giảm từ từ theo lộ trình, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường; không nên giảm nhanh quá, có thể gây hiệu ứng ngược trong cả việc huy động lẫn cho vay của ngân hàng.
Đường cong lãi suất đã được thiết lập
Một tuần sau quyết định giảm trần lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng về mức 7%/năm, hoạt động tiền gửi tại các ngân hàng diễn ra vẫn bình thường. Theo khảo sát của phóng viên tại một số điểm giao dịch thì lượng khách đến gửi tiền tại ngân hàng không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên.
Chị Nga – nhân viên một phòng giao dịch ngân hàng trên phố Hàn Thuyên cho biết, nếu so với các lần điều chỉnh trước, đợt giảm lãi suất lần này người dân hầu như không có phản ứng với thị trường. Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hơn, phổ biến tại kỳ hạn 6 tháng trở lên thay vì 1 – 3 tháng trước đây. Sức hấp dẫn kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được nhận định là do được “tháo trần”.
Tùy theo cung – cầu vốn của thị trường, khả năng tài chính mà các ngân hàng đưa ra các mức lãi suất tốt nhất cho khách hàng. Điều này, giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn dài hơi để chủ động lên kế hoạch kinh doanh, tính toán giảm lãi suất cho vay với khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng đảm bảo tối đa quyền lợi của mình.
Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết, thông điệp lãi suất phát đi được một tuần nay và mọi hoạt động giao dịch tiền gửi của ngân hàng vẫn diễn ra rất tốt. Nhiều ý kiến đánh giá cao động thái giảm trần lãi suất huy động của NHNN để tiếp tục tạo cơ sở cho các NHTM hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho DN, nền kinh tế.
TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết, việc điều chỉnh lãi suất vừa qua không chỉ phù hợp với diễn biến tình hình cung cầu thị trường tiền tệ, mà còn phản ánh sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ và lời hứa của Thống đốc trước Quốc hội về việc giảm lãi suất tháo gỡ khó khăn cho DN, nền kinh tế.
Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp là hệ thống ngân hàng sẽ nỗ lực giảm lãi suất một cách tốt nhất để chia sẻ, hỗ trợ tạo mọi điều kiện cho các DN tiếp cận được vốn ngân hàng.
Nói là làm, sau Hội nghị này, NHNN đã chính thức điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 7,5% xuống 7%/năm. Đồng thời chỉ áp dụng trần lãi suất đối với kỳ hạn này. Còn các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, NHNN cho phép các ngân hàng tự điều chỉnh phù hợp với khả năng tài chính.
Trên thực tế, trước và sau khi có quyết định hạ trần lãi suất, các ngân hàng đều không sử dụng hết “room” lãi suất. Tại Vietcombank, lãi suất huy động áp dụng khá đa dạng: kỳ hạn 1 tháng: 6%/năm; 2 tháng: 6,5%/năm; 3 tháng: 6,8%/năm; 6 tháng – 9 tháng: 7%/năm; 12 tháng: 8%/năm.
Hay như tại Techcombank từ kỳ hạn 1 đến dưới 12 tháng mỗi kỳ hạn cũng áp dụng mức lãi suất khác nhau nhưng không quá 7%/năm. Có thể nói đến thời điểm này, đường cong lãi suất đã hình thành được dạng khá chuẩn theo đúng quy luật kỳ hạn gửi càng dài lãi suất càng cao.
Thời điểm chín muồi tháo trần lãi suất?
Việc các ngân hàng đón đầu giảm lãi suất, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Liệu đây là thời điểm phù hợp cho tháo trần lãi suất huy động? Bình luận vấn đề này, theo Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung, để thị trường tự quyết định mức lãi suất là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải hội tụ điều kiện cần và đủ. Trong khi đó hiện tại thị trường mới đạt được một vế điều kiện cần.
Bởi trên thực tế, vẫn còn một số ngân hàng thanh khoản chưa thực sự tốt nên vẫn cần sự can thiệp của NHNN để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng. Do vậy, chỉ nên thả nổi từng phần như lộ trình NHNN thực hiện trong thời gian qua, tức là dần cởi bỏ trần lãi suất huy động. Đây là bước đi hoàn toàn hợp lý.
Về việc chưa bỏ trần lãi suất thời điểm này được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lý giải, do “sức khỏe” các ngân hàng chưa đồng đều. Có nhiều ngân hàng khỏe song cũng có những ngân hàng sức khỏe còn chưa thực sự tốt. Do đó, thời điểm này chưa phù hợp tháo trần lãi suất.
Hơn thế, việc duy trì mức lãi suất hiện nay sẽ hình thành đường cong lãi suất “chuẩn hơn”. Mặt khác cũng tạo sự công bằng, ngân hàng nào có tiềm lực sẽ được tiếp cận vốn giá rẻ hơn thị trường. Thống đốc cũng đề nghị các NHTM trên cơ sở khả năng tài chính của mình để quyết định khả năng huy động cũng như cho vay của mình.
Liệu trong thời gian tới, có nên tiếp tục giảm lãi suất huy động tạo cơ sở cho các ngân hàng giảm lãi vay? Theo quan điểm của TS. Cao Sỹ Kiêm, đúng là lãi suất đã giảm nhưng so với khả năng sinh lời của DN vẫn còn cao. Nhưng, lãi suất chỉ nên giảm từ từ theo lộ trình, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường; không nên giảm nhanh quá, có thể gây hiệu ứng ngược trong cả việc huy động lẫn cho vay của ngân hàng.
Về lý thuyết, nếu lạm phát giảm về mức 5 – 6% thì vẫn còn dư địa giảm lãi suất. Nhưng hiện tại nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm. “Khi nền kinh tế khó khăn trì trệ, cần phải có sự hỗ trợ, mà hỗ trợ tốt nhất chỉ có tung vốn vào thị trường qua chính sách tài khóa, tiền tệ”, ông Kiêm nhận định. Do đó, chắc chắn lạm phát sẽ phải dâng lên. Nếu giảm lãi suất xuống sâu, đi ngược lại quy luật thị trường, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.
Với tư cách là người đại diện cho khối DNNVV, TS. Kiêm đánh giá cao nỗ lực giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua. Nhưng một lần nữa ông khẳng định, gốc khó khăn của DN không còn do lãi suất mà vấn đề hiện nay là cần có giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu, giải phóng hàng tồn kho, tạo dòng tiền mới cho DN…
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, các ngân hàng đang nỗ lực kéo lãi suất cho vay xuống. Nhưng vấn đề của các DN bây giờ không phải vì lãi suất mà một bộ phận lớn DN do sức khỏe tài chính suy giảm nên khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Nên dù có giảm lãi suất thêm nữa cũng chỉ tác động không đáng kể đến DN.
Huyền Thanh
thời báo ngân hàng
|