Nội dung cơ bản của Nghị định 68 hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi
Để triển khai thực hiện Luật bảo hiểm tiền gửi (BHTG), ngày 28/6/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG, Nghị định này sẽ có hiệu lực ngày 19/8/2013.
Nghị định 68 cùng với Luật BHTG đã tạo lập cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, sự ổn định, lành mạnh của hệ thống các TCTD. Trong phạm vi bài viết này sẽ làm rõ các nội dung cơ bản của Nghị định 68. Cụ thể:
Về tổ chức BHTG
Về cơ bản, kế thừa mô hình của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện tại, Luật BHTG và Nghị định 68 quy định BHTG là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Đồng thời Nghị định 68 cũng quy định Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ chức BHTG và quy định chức năng, nhiệm vụ theo đề nghị của Thống đốc NHNN.
Để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức BHTG trên cơ sở tự bù đắp chi phí, Nghị định 68 cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN xác định mức trích cụ thể mà tổ chức BHTG được trích từ nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để bù đắp chi phí .
Về tổ chức tham gia BHTG
Trên cơ sở các quy định của Luật BHTG và Luật các TCTD, Nghị định 68 quy định cụ thể các tổ chức tham gia BHTG là các TCTD có nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm: (i) Ngân hàng thương mại, (ii) Ngân hàng hợp tác xã, (iii) Quỹ tín dụng nhân dân (iv) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài và (v) Tổ chức tài chính vi mô.
Do đặc thù trong hoạt động nhận tiền gửi, Nghị định 68 quy định tổ chức tài chính vi mô phải tham gia BHTG đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, nhưng không bao gồm tiền gửi tiết kiệm bắt buộc.
Quy định về cấp, cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG; sử dụng, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG cấp trước ngày Luật BHTG có hiệu lực
Bên cạnh quy định cụ thể về trường hợp cấp mới Chứng nhận tham gia BHTG, để phù hợp với tình hình thực tế, Nghị định 68 bổ sung về các trường hợp được cấp lại Chứng nhận BHTG bao gồm: (i) Khi tổ chức tham gia BHTG được Ngân hàng Nhà nước cho phép phục hồi hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân; (ii) Khi Chứng nhận BHTG bị mất, rách nát, hư hỏng; (iii) Khi có sự thay đổi thông tin Chứng nhận BHTG. Nghị định 68 cũng quy định rõ thời hạn để thực hiện việc cấp lại chứng nhận BHTG là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm của tổ chức tham gia BHTG.
Đồng thời, Nghị định 68 cũng quy định rõ đối với việc sử dụng và thu hồi chứng nhận bảo hiểm được cấp trước ngày Luật BHTG có hiệu lực. Theo đó, chứng nhận BHTG được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng, trừ chứng nhận BHTG đã được cấp cho tổ chức không phải tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG. Chứng nhận BHTG đã được cấp cho tổ chức không phải tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG hết giá trị sử dụng.
Về cung cấp thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức BHTG
- Về cung cấp thông tin của tổ chức BHTG cho NHNN
Việc cung cấp thông tin của tổ chức BHTG cho NHNN thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật BHTG. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xử lý kịp thời đối với các nguy cơ rủi ro, mất an toàn trong hoạt động (như mất khả năng chi trả) và các vi phạm khác của tổ chức tham gia BHTG, Nghị định 68 bổ sung quy định tổ chức BHTG có trách nhiệm báo cáo ngay với NHNN trong trường hợp: (i) Tổ chức tham gia BHTG vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng hoặc vi phạm các quy định về pháp luật ngân hàng khác; (ii) Hoạt động của tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ dẫn đến mất khả năng chi trả, thất thoát tài sản hoặc có tác động tiêu cực tới các tổ chức tín dụng khác.
- Về cung cấp thông tin của NHNN cho tổ chức BHTG
Nghị định 68 quy định cụ thể mục đích tiếp cận thông tin của tổ chức BHTG là để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 13 Luật BHTG và quy định rõ một số thông tin được tiếp cận của NHNN bao gồm: (i) Một số chỉ tiêu báo cáo theo chế độ báo cáo thống kê của NHNN; (ii) Báo cáo tài chính của tổ chức tham gia BHTG; (iii) Thông tin về việc cấp Giấy phép, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thông tin về việc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi đối với tổ chức tham gia BHTG; (iv) Thông tin về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản tổ chức tham gia BHTG; (v) Thông tin về việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tham gia BHTG theo quy định pháp luật về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng; (vi) Các thông tin khác theo quy định của NHNN trong từng thời kỳ.
Nghị định 68 cũng giao trách nhiệm cho NHNN hướng dẫn cụ thể về các nội dung thông tin, phương thức tiếp cận thông tin của tổ chức BHTG để phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ và đảm bảo tính khả thi của quy định.
Về việc hỗ trợ tài chính đối với tổ chức BHTG trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm
Để hướng dẫn Khoản 12 Điều 13 Luật BHTG, Nghị định 68 quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính của tổ chức BHTG bao gồm: (i) Văn bản đề nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc đề nghị Chính phủ bảo lãnh để vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức khác do người có thẩm quyền của tổ chức BHTG ký; (ii) Kế hoạch trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm; (iii) Phương án, kế hoạch hoàn trả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả khoản vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức khác; (iv) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
Nghị định 68 cũng giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với tổ chức BHTG hoặc xem xét, quyết định bảo lãnh cho tổ chức BHTG vay vốn của TCTD, tổ chức khác.
Về ủy quyền trả tiền bảo hiểm
Nghị định 68 quy định cụ thể hơn về trường hợp ủy quyền cho tổ chức tham gia BHTG khác thực hiện việc trả tiền bảo hiểm. Theo đó, tổ chức BHTG và tổ chức tham gia BHTG phải ký hợp đồng ủy quyền trả tiền bảo hiểm. Nội dung hợp đồng ủy quyền phải nêu rõ trách nhiệm của tổ chức tham gia BHTG trong việc sử dụng số tiền do tổ chức BHTG chuyển để chi trả đúng thời hạn, đúng số lượng, đúng đối tượng được trả tiền bảo hiểm.
Nghị định 68 cũng quy định rõ điều kiện để tổ chức tham gia BHTG được tổ chức BHTG ủy quyền chi trả bảo hiểm, bao gồm: (i) Tổ chức tham gia BHTG phải tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng trong thời gian tối thiểu 6 tháng gần nhất trước thời điểm chi trả tiền bảo hiểm; (ii) Có mạng lưới đặt ở địa điểm thích hợp cho việc chi trả tiền bảo hiểm.
Về nhận tiền bảo hiểm
Để bảo đảm sự minh bạch và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được bảo hiểm, Nghị định 68 quy định rõ các loại giấy tờ mà người được BHTG phải xuất trình khi nhận tiền bảo hiểm bao gồm chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Trường hợp người nhận tiền bảo hiểm là người được ủy quyền, người thừa kế của người được BHTG, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách là người được ủy quyền, người thừa kế của người được BHTG theo quy định của pháp luật. Trường hợp gửi tiền tiết kiệm, người được BHTG phải xuất trình thẻ tiết kiệm. Trường hợp mua giấy tờ có giá do tổ chức tham gia BHTG phát hành, người được BHTG phải xuất trình chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu.
Về việc tổ chức BHTG tham gia quản lý, thanh lý tài sản và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả
Để tạo điều kiện cho các tổ chức liên quan trong việc xác định quyền tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG, Nghị định 68 quy định về việc tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức BHTG như sau:(i) Đối với tổ chức tham gia BHTG là tổ chức tín dụng, việc tham gia thanh lý, quản lý tài sản của tổ chức BHTG được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản đối với tổ chức tín dụng; (ii) Đối với tổ chức tham gia BHTG là chi nhánh ngân hàng nước ngoài, việc tham gia thanh lý, quản lý tài sản của tổ chức BHTG được thực hiện theo quy định của NHNN về thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức BHTG
Để làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức BHTG, Nghị định 68 quy định rõ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của NHNN đối với BHTG, bao gồm: Thứ nhất, trình Thủ tướng Chính phủ: (i) Thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG; (ii) Phê duyệt điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức BHTG, (iii) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức BHTG; (iv) quyết định việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với tổ chức BHTG hoặc quyết định bảo lãnh cho tổ chức BHTG vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức khác.
Thứ hai, NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động BHTG, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức BHTG; thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tổ chức BHTG; quyết định cơ cấu, tổ chức; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, kiểm soát viên của tổ chức BHTG.
Đồng thời, Nghị định 68 còn quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – thương binh và xã hội hướng dẫn các vấn đề liên quan đến chế độ tài chính, tiền lương của tổ chức BHTG.
Ngoài ra, để phù hợp với quy định về việc thay thế văn bản QPPL theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và thẩm quyền ban hành văn bản về các quy định về khung phí, phí và hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Luật BHTG, Nghị định 68 quy định rõ: Các quy định của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 về BHTG và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành; trừ các quy định về phí BHTG, số tiền bảo hiểm được trả tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP tiếp tục được thực hiện cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về khung phí BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG./.
sbv
|