Ngân hàng nhỏ vượt mặt ông lớn về tín dụng
Không chỉ yêu cầu nỗ lực tăng tín dụng, trong chỉ thị ban hành cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhắc nhở các ngân hàng chú ý đảm bảo thanh khoản, kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt là chú trọng rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên.
Chú trọng rót vốn lĩnh vực ưu tiên
Tính riêng tháng 6/2013, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tăng hơn 50% so với mức tăng 5 tháng đầu năm cộng lại.
Như vậy, 6 tháng đầu năm 2013, tín dụng của nền kinh tế đã tăng 4,5%. Với đà này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 là hoàn toàn khả thi, bởi 6 tháng đầu năm 2012, tín dụng chỉ tăng 0,76%, nhưng cả năm vẫn đạt gần 9%.
Sản xuất là một trong những lĩnh vực được ưu tiên rót vốn
|
Tín dụng tăng nhanh trở lại là dấu hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, điều bất thường là tín dụng tăng, nhưng chủ yếu lại đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, trong khi các ngân hàng quốc doanh vẫn ì ạch.
Điều đáng lo là, nhiều khả năng, dòng vốn của các ngân hàng nhỏ đang chảy vào lĩnh vực tiêu dùng, chứ không phải khu vực sản xuất.
Minh chứng là, trong tháng 6, theo báo cáo của Ngân hàng HSBC, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm còn 46,6 điểm (tháng 5 là 48,8 điểm).
Như vậy, chỉ số PMI vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy sản xuất vẫn giảm sút. Không chỉ sản xuất phục hồi chậm, mà gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng được giải ngân rất chậm, tính đến đầu tháng 7 mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng.
Hơn nữa, xét về thông lệ, trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh giành khách hàng vay vốn như hiện nay, các ngân hàng nhỏ không thể có lợi thế hơn ngân hàng lớn về lãi suất.
Vậy đâu là lý do ngân hàng nhỏ “vượt mặt” về tín dụng với các “ông lớn” khi sản xuất còn trì trệ, nếu không phải là đổ vốn cho vay tiêu dùng?
Trên thực tế, do khó khăn trong tăng trưởng tín dụng, khó tìm khách hàng là doanh nghiệp, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, nhất là cho vay mua nhà, mua ô tô, cho vay chi tiêu qua thẻ… Thậm chí, nhiều ngân hàng còn đề nghị NHNN nới room tín dụng lên 30%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank lo lắng về việc một số ngân hàng do tăng trưởng tín dụng thấp, đã đưa ra nhiều chính sách nguy hiểm, trong đó có làn sóng cho vay tiêu dùng. Nếu lĩnh vực này không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ để lại nhiều hệ lụy. Cũng theo ông Vinh, sức ép cung vốn ra nền kinh tế, tín dụng tăng thấp, cộng với chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ đem lại nhiều nguy cơ cho chất lượng tín dụng.
Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Standard Chartered Vietnam cảnh báo: “Việt Nam không nên để nguồn thanh khoản hiện tại chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng, mà nên hướng dòng tiền vào lĩnh vực sản xuất”.
Bắt đầu siết chính sách tiền tệ?
Không chỉ yêu cầu nỗ lực tăng tín dụng, trong chỉ thị ban hành cuối tuần qua, NHNN cũng nhắc nhở các ngân hàng chú ý tới đảm bảo thanh khoản, kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống và đặc biệt chú trọng rót vốn vào những lĩnh vực ưu tiên.
Chỉ thị được đưa ra không lâu sau khi NHNN triệu tập G14 (gồm 14 ngân hàng lớn nhất) cho thấy, cơ quan này đang có biểu hiện cẩn trọng với tín dụng, cảnh giác với lạm phát.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: “Cuộc họp của NHNN với G14 vừa qua cho thấy, NHNN đang bắt đầu cẩn trọng với tăng trưởng tín dụng và có vẻ siết chặt chính sách tiền tệ hơn một chút. Bởi hiện nay, mặc dù vốn dư thừa lớn, song vốn cung ra thị trường cũng không nhỏ.
Tình trạng dư thừa vốn, cộng với sức ép cung vốn ra nền kinh tế có thể khiến các ngân hàng dễ dãi cho vay. Trong khi đó, giá cả có thể tăng trở lại vào tháng 9 tới, khi nguồn cung giảm sau một thời gian cầu giảm mạnh”.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sự thận trọng của NHNN là cần thiết, bởi tín dụng tăng trưởng quá nhanh, trong khi tín dụng phục hồi ở mức độ vừa phải cho thấy, dòng tiền nóng có thể gặp rủi ro, đồng thời kéo lạm phát gia tăng.
Thùy Liên
đầu tư
|