Thứ Ba, 23/07/2013 14:10

Lãi suất 5% có 'cứu' được nền kinh tế?

Không lo người gửi tiền sẽ “bỏ chạy” khi đưa trần lãi suất huy động về 5%, kể cả khi tiền gửi được rút ra cũng sẽ quay trở lại nhà băng. Thậm chí, tiền rút ra còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng.

2013 là năm quan trọng khi kinh tế vĩ mô đã ổn định với lãi suất đã giảm mạnh và thị trường tài chính đi vào trật tự. Tuy nhiên, các thông tin và chỉ số phát triển kinh tế vẫn là nỗi lo lớn. Chính sách lãi suất hiện nay liệu có cản trở sự phát triển?

Không lo người gửi "bỏ chạy"

Giai đoạn 2000-2009 trước đây, lãi suất huy động 8% và cho vay 12% đã có vai trò quan trọng thu hút nguồn vốn cho doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất, giảm tiêu dùng để giảm lạm phát. Mới đây, một vài ngân hàng đã đi trước trong việc thực hiện lãi suất huy động vào khoảng 7%, cho vay 10%-12% chứng tỏ dư địa giảm lãi suất huy động xuống 5% và cho vay xuống khoảng 7%-8% là khả thi.

Trần lãi suất huy động cần phải giảm về 5% để có thể đạt mục tiêu giảm mạnh lãi suất cho nền kinh tế. Với mức lên giá 20% của VND gần đây do neo chặt tỷ giá với USD khi USD đang lên giá với các đồng tiền khác, lạm phát dự kiến vào khoảng 8% thì người gửi vẫn sẽ để tiền trong ngân hàng. Thực tế, khi lãi suất huy động giảm xuống 7%, các ngân hàng vẫn có số dư huy động tăng khá tốt. Trần lãi cho vay sẽ được đưa về 8% với mức chênh lệch 3% dành cho chi phí hoạt động ngân hàng.

Vẫn còn dư địa để giảm lãi suất huy động xuống 5%

Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế Việt Nam là lãi suất ít có tác động đến lạm phát theo mô hình nghiên cứu định lượng lạm phát ở Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2012. Đó cũng là ý kiến của cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trong một hội thảo đầu tư vào tháng 4/2013. Nguyên nhân là do tín dụng tiêu dùng của Việt Nam khá thấp, chỉ chiếm 10% tổng tín dụng hệ thống. Cũng theo nghiên cứu này của NHNN, lạm phát hiện nay ở Việt Nam chủ yếu do tâm lý, tốc độ cung tiền lớn và nặng nhất là do chi tiêu công của Chính phủ. Do đó, cần hết sức tránh các biện pháp kích cầu qua chi tiêu công - vốn đã chiếm tỷ trọng lớn và vượt khỏi khả năng cung ứng của nền kinh tế.

Lần đầu tiên Việt Nam có một thị trường tài chính lành mạnh và trật tự từ tháng 7/2013 khi NHNN tất toán thị trường kinh doanh vàng của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại tệ lớn và kiểm soát được mức độ và lượng USD trong nền kinh tế là một thành công đáng khích lệ của NHNN.

Một tác động lớn của mức lãi suất huy động 5% là sẽ có một lượng vốn VND sẽ rút ra khỏi ngân hàng để tìm nơi đầu tư. Trong ngắn hạn, sẽ có một lượng VND được rút ra khỏi ngân hàng để đi vào các kênh khác. Với lạm phát các năm tới sẽ vào khoảng dưới 5%, là mức lạm phát tối ưu để phát triển nền kinh tế Việt Nam theo ý kiến của các chuyên gia chính phủ, thì nguồn vốn VND sẽ quay trở lại ngân hàng trong trung và dài hạn.

Kích thích tiêu dùng, mua sắm

Lượng vốn rút ra còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng. Hiện nay, thị trường chứng khoán ít thu hút vốn do triển vọng kinh tế năm 2013 không tốt và tình hình kinh doanh chưa sáng sủa của các công ty niêm yết. Kênh đầu tư bất động sản đang được các ngân hàng đẩy mạnh thông qua các chương trình tín dụng kích cầu khác ngoài gói 30.000 tỷ của Chính phủ.

Dư địa chính sách để NHNN thực hiện việc giảm lãi suất trần này là tổng mức tăng cung phương tiện thanh toán M2 còn được 10% trong năm 2013, cho phép NHNN bơm một lượng tiền ra thị trường để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Việc tính toán chính xác lượng tiền cần thiết để bơm vào có thể thông qua các mô hình tính toán dự báo trên máy tính dựa vào số liệu đã có. Ngoài ra, NHNN có thể giảm lượng tiền phải bơm vào hệ thống bằng cách chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Các biện pháp để tăng tưởng tín dụng như gói 30.000 tỷ cho bất động sản, phát hành trái phiếu chính phủ và hoạt động của công ty VAMC là các biện pháp thúc đẩy trong trung hạn, có thời gian tác động khá chậm, trong vòng 2-3 năm. Trong báo cáo cập nhật tăng trưởng tháng 7/2013 của WorldBank đã giảm tăng trưởng năm nay của Việt Nam xuống 5,3% chính là do tính đến thời gian tác động khá chậm của các gói thúc đẩy này.

Biện pháp nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất sẽ có tác dụng nhanh chóng nhất cho nền kinh tế với thời gian tác động chỉ 1-3 tháng. Đây sẽ là một liều thuốc bổ, một động lực mạnh để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng và phát triển thị trường nội địa.

Có thể thấy với việc giảm lãi suất huy động xuống 5%, chính sách tiền tệ có một mũi tên trúng nhiều đích bao gồm kích thích phát triển kinh tế trong năm 2013 thông qua tổng mức mở rộng tín dụng 12%. Việc tăng cung tiền thêm tương đương 5% cho tiêu dùng sẽ làm tăng lượng vốn cho thúc đẩy cung cầu tiêu dùng nội địa, làm tăng mức đóng góp của tiêu dùng vào thúc đẩy nền kinh tế. Một tác dụng rất quan trọng khác của tiêu dùng là làm tăng hiệu suất của nền kinh tế.

Trong báo cáo gần đây của WorldBank, Việt Nam có GDP tương đương theo sức mua là 322 tỷ USD và bình quân đầu người tương đương 3.600 USD, đứng vào nhóm các nước thu nhập trung bình. Trước đây chúng ta còn nghèo nên không thể tiêu dùng nội địa nhiều, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã có khả năng tích luỹ đủ để tăng tiêu dùng và hoàn toàn có khả xây dựng thị trường nội địa mạnh với 90 triệu dân với đa số là dân số trẻ và có nhu cầu tiêu dùng cao.

Việc giảm lãi suất trần huy động cho phép giảm mạnh lãi suất trái phiếu. Hiện nay, trái phiếu chủ yếu được huy động ở các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm với lãi suất khoảng 8%. Khi trần lãi suất giảm xuống 5% thì sẽ huy động được trái phiếu loại dài hạn hơn 5 năm với lãi suất chỉ còn khoảng 6%. Khi đó, chi phí đáo hạn của trái phiếu sẽ giảm được 30%. Điều này rất quan trọng và có lợi cho kế hoạch phát hành và sử dụng trái phiếu của chính phủ và doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định với việc giảm lãi suất, áp lực lên việc tái cấu trúc sát nhập ngân hàng cũng lớn lên, do vốn huy động chuyển từ ngân hàng yếu kém sang các ngân hàng mạnh mẽ, sẽ làm cho công việc tổ chức lành mạnh hoá ngân hàng thuận lợi hơn khi khi các nhóm lợi ích ngân hàng yếu kém bị áp lực cạnh tranh từ nhóm các ngân hàng lành mạnh.

Việc giảm lãi suất để thúc đẩy và phát triển kinh tế đòi hỏi nghệ thuật và bản lĩnh, trình độ của Chính phủ, NHNN trong việc thực hiện. Theo kinh nghiệm gần đây của kinh tế học hiện đại, các biện pháp tiền tệ sẽ có tác động mạnh nhất đến việc kích thích kinh tế khỏi trì trệ, suy thoái mà ở đây, ngân hàng trung ương đóng vai trò quan trọng.

Một cách ngắn gọn, khi thế giới đã thay đổi, chúng ta cần dứt khoát thay đổi lối tư duy đánh nhanh thắng nhanh bằng cách tăng trưởng dựa vào khẩu sang phát triển nhờ tiêu dùng nội địa để có một tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn.

Nguyễn Anh Tiến

diễn đàn kinh tế vn

Các tin tức khác

>   ACB cố tình không trả nhà cho dân: Bộ Xây dựng vào cuộc (23/07/2013)

>   Giải pháp thoái vốn ngân hàng (23/07/2013)

>   OceanBank: PetroVietnam áp lực thoái vốn - Lợi thế kinh doanh có mất đi? (23/07/2013)

>   M&A – “trong chán ngoài thèm“ (23/07/2013)

>   Thêm ngoại tệ được giao dịch tại cửa hàng miễn thuế (23/07/2013)

>   Ngân hàng nhỏ vượt mặt ông lớn về tín dụng (23/07/2013)

>   Tìm “ven” bơm vốn vào bất động sản (23/07/2013)

>   CEO Vietcombank làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (22/07/2013)

>   Thống đốc sẽ không xem xét khen thưởng lãnh đạo TCTD có nợ xấu trên 5% (22/07/2013)

>   ACB: Bổ sung dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn (22/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật