Nhiều dự án thủy điện đã phát sinh nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ đồng
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, nhiều dự án thủy điện tại địa bàn tỉnh phải kéo dài tiến độ thi công, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, không cân đối được nguồn trả nợ ngân hàng nên hiện nay một số dự án đã phát sinh nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Gia Lai có tiềm năng lớn về thủy điện với trữ năng ước tính lên đến khoảng 10,5 – 11 tỷ MW. Hiện nay, ngoài một số công trình thuỷ điện lớn với công suất khoảng 2 nghìn MW đã đi vào hoạt động, còn có hàng chục công trình thuỷ điện vừa và nhỏ với công suất hàng chục nghìn kW đã và đang được đầu tư xây dựng. Xác định thủy điện là thế mạnh của tỉnh, do vậy trong những năm vừa qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động cân đối và ưu tiên nguồn vồn đáng kể để đầu tư cho lĩnh vực này.
Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang đầu tư tín dụng cho 27 dự án thủy điện với dư nợ đạt 4.855 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ, tăng 2,3% so với đầu năm và bằng 68% tổng vốn tín dụng mà các ngân hàng đã cam kết đầu tư.
Tuy nhiên, thời gian qua, những khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp là chủ đầu tư của những dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án phải kéo dài tiến độ thi công, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, không cân đối được nguồn trả nợ ngân hàng nên hiện nay một số dự án đã phát sinh nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trong thời gian qua, nhiều đập thủy điện bị vỡ do thi công không đảm bảo chất lượng, mà gần đây nhất là đập Thủy điện Ia Krêl 2. Ngay sau sự cố vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định chấm dứt 6 dự án thủy điện nhỏ gồm: Đăk Ayounh, Sơn Lang 1, Sơn Lang 2, Ia Glae 2, Plei Keo, Ia Hiao do không hoạt động đúng tiến độ đã cam kết.
Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và để đảm bảo việc đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh an toàn và hiệu quả, thiết nghĩ các ngành chức năng cần vào cuộc với quyết tâm cao hơn nữa, đặc biệt là trong công tác quy hoạch, phê duyệt thiết kế, giám sát thi công. Còn về phía ngân hàng cần quan tâm hơn nữa công tác thẩm định dự án, đánh giá năng lực tài chính của chủ đầu tư để có quyết định đầu tư tín dụng phù hợp và đảm bảo an toàn vốn tín dụng.
SBV
|