Thứ Năm, 25/07/2013 16:34

Nợ của các tập đoàn, tổng công ty lên gần 70% vốn

Kết quả kiểm toán ở 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, nợ phải trả của các đơn vị này lên tới gần 70% tổng số vốn. Điều này cho thấy các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng.

* Petrolimex lỗ nặng, lãnh đạo vẫn hưởng lương cao

* Hầu hết các “ông lớn” đều sai phạm về kê khai thuế 

Đây là con số vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố trong buổi họp báo về kết quả kiểm toán năm 2012, sáng 25/7.

Theo ông Đào Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước, tổng số vốn của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến hết 31/12/2011 là trên 263.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 24,7%.

Tuy nhiên, phân tích chi tiết con số trên, ông Dũng cho biết, nợ phải trả của các đơn vị trên chiếm tới 69,94% tổng nguồn vốn.

Một vài cái tên được phía kiểm toán chỉ ra có tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn lên tới gần 90% như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), hay thậm chí là trên 90% là Tổng công ty Xây dựng Việt Nam (Vinaincon). Vinaconex cũng là cái "ông lớn" khác được Kiểm toán Nhà nước nhắc tới với tỷ lệ nợ lên tới trên 81%.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, nợ quá hạn phải trả ở một số tập đoàn, tổng công ty cũng đang ở mức cao. Trong đó, những cái tên được Kiểm toán Nhà nước "điểm danh" là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) với số nợ quá hạn lên tới trên 1.369 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) là hơn 73 tỷ đồng hay Tổng công ty Càphê Việt Nam (Vinacafe) cũng có số nợ vay quá hạn hơn 150 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc vay và sử dụng vốn vay ở các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn nhiều bất cập. Một số dự án dầu tư sử dụng vốn vay theo đánh giá của ngành kiểm toán là không hiệu quả và chậm tiến độ dẫn tới khó trả nợ.

Một số đơn vị thậm chí còn bị Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn đánh giá là "không bảo toàn được vốn." Trong đó, Cienco8, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco) hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là những doanh nghiệp lớn được Kiểm toán Nhà nước xếp trong diện nói trên.

Trong khi số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty ở mức cao như trên thì nợ phải thu của những đơn vị này được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là "quản lý chưa chặt chẽ, nợ xấu cao."

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc kiểm soát nợ phải thu thiếu chặt chẽ dẫn tới tình trạng chiếm dụng vốn lớn ở khách hàng của nhiều doanh nghiệp.

Trong đó, tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản của nhiều công ty lên tới trên 30-50%. như Công ty cổ phần Xây lắp và Sản xuất công nghiệp (40%), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (trên 39%), Công ty cổ phần Vimeco thuộc Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (trên 44%),...

Ở những doanh nghiệp khác, Kiểm toán Nhà nước còn thẳng thắn cho rằng, có tình trạng quản lý nợ tạm ứng không chặt chẽ dẫn tới nợ phải thu quá hạn tồn đọng lớn, tạm ứng bằng tiền mặt lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng chậm thu hồi.

Xuân Dũng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Xuất siêu 200 triệu USD trong tháng 7 (25/07/2013)

>   Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài 17 tỷ USD (25/07/2013)

>   Petrolimex lỗ nặng, lãnh đạo vẫn hưởng lương cao (25/07/2013)

>   Giày đi hia mơ đường vạn dặm (25/07/2013)

>   Sẽ có cơ chế riêng để thu hút đầu tư vào công nghệ cao (25/07/2013)

>   Cần tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải (25/07/2013)

>   Tái cấu trúc nông nghiệp - Cần một đột phá chiến lược (25/07/2013)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu lập “danh sách đen” xử lý dự án ODA chậm trễ (25/07/2013)

>   Thép, xi măng “kêu” tăng giá điện thiếu công bằng (25/07/2013)

>   Đầu tư hơn 650 tỷ đồng xây nhà máy sữa đậu nành (24/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật