Giày đi hia mơ đường vạn dặm
Khối doanh nghiệp (DN) da giày có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 23% số lượng DN toàn ngành da giày Việt Nam, khoảng 500 DN, nhưng có kim ngạch xuất khẩu đạt 76% kim ngạch toàn ngành và sản xuất cho hầu hết các thương hiệu nổi tiếng với số lượng đơn hàng lớn. Trong khi đó, dù có hơn chục thương hiệu, nhưng đến nay phần lớn các dn trong nước chỉ phục vụ thị trường nội địa.
Cửa hàng hiệu bít lối
Thái Bình Shoes và Đông Hưng dù được các DN trong giới mệnh danh là những "đại gia" đầu ngành da giày nhưng thực tế cũng không có nổi "tấm vé” gia công cho Nike và adidas. Hầu hết lợi nhuận của ngành đều lọt vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó chủ yếu là Hàn Quốc.
Vệ tinh cũng trong tay Nike và Adidas
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, giày dép xuất khẩu đạt gần 4 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này được đánh giá là rất khả quan trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Tuy nhiên, con số hấp dẫn này lại không khỏi khiến nhiều DN trong ngành ngậm ngùi vì đa phần lợi nhuận đều đổ dồn vào những DN có vốn nước ngoài (FDI).
Mặc dù chỉ chiếm 23% số lượng DN toàn ngành da giày Việt Nam, khoảng 500 DN, nhưng các DN FDI có kim ngạch xuất khẩu đạt 76% kim ngạch toàn ngành và sản xuất cho hầu hết các thương hiệu nổi tiếng với số lượng đơn hàng lớn.
Theo ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Đông Hưng Group, đơn vị đứng thứ hai trong Top các DN da giày Việt Nam xuất khẩu, với lợi thế của mình, DN FDI nhận các đơn hàng lớn từ những thương hiệu nổi tiếng là điều hiển nhiên.
"Trong khi đó, các DN Việt Nam do không phát triển đồng bộ nên việc khai thác đơn hàng đối với các thương hiệu lớn là hết sức khó khăn, gần như không với tới", ông Hưng nói. Nếu ký kết trực tiếp với các thương hiệu lớn, cụ thể là Nike và Adidas không thực hiện được, thì chiến thuật đi đường vòng, tức gia công lại cho những đơn vị gia công trực tiếp cho hai thương hiệu này cũng được các DN trong nước nghĩ đến.
Tuy nhiên, rào cản "toàn diện" (kỹ thuật, nguyên liệu, nhà máy, khả năng tài chính, năng lực sản xuất, luật lao động,...) một lần nữa trở thành áp lực quá lớn khiến các DN da giày nội địa chỉ đứng vòng ngoài đối với các thương hiệu lớn. Vì những thương hiệu lớn như adidas hay Nike rất kỹ lưỡng khi làm việc với các vệ tinh.
Điển hình, trước khi các vệ tinh muốn đưa đơn hàng của các thương hiệu này cho một đơn vị nào đó gia công, thì cũng phải có sự đồng ý của các thương hiệu ấy, nếu DN đủ tiêu chuẩn thì họ mới được cho phép làm.
Vấn đề của ngành da giày Việt Nam cũng không khác gì ngành dệt may hay một số ngành có thế mạnh xuất khẩu khác. Cụ thể, những nhóm ngành này, đặc biệt là các DN nội địa trong ngành da giày luôn tồn tại những bất lợi dễ thấy: thứ nhất, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, phụ thuộc vào khách hàng và các nhà cung cấp từ Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nhất là Trung Quốc, hơn 60% nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ đây; thứ hai, máy móc, thiết bị, công nghệ yếu, hầu hết phải nhập khẩu; thứ ba, hoạt động xúc tiến thương mại không được chú trọng.
Khó thoát phận gia công
Hiện Việt Nam có gần 600 nhà máy sản xuất da giày, với sự có mặt của những thương hiệu lớn như Nike, Skechers USA, Timberland (Mỹ), adidas, Puma, Asics (Nhật Bản), Reebok (Anh)... Song, riêng với Nike, Việt Nam đang chiếm tới 41% sản lượng của Hãng.
Các đối thủ chính trong nước bao gồm các DN như Pou Yuen Việt Nam, Taekwang, Kainan... có thế mạnh hơn hẳn về vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý sản xuất, tiếp thị xuất khẩu, vì vậy những công ty này cạnh tranh hơn hẳn về chất lượng, giá trị, thị trường xuất khẩu cũng rộng lớn hơn.
Chia sẻ trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012 và gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Nick Athanasakos, Phó chủ tịch cấp cao Phụ trách toàn cầu về sản xuất của Tập đoàn Nike (Mỹ), khẳng định, Việt Nam sẽ là địa điểm sản xuất vô cùng quan trọng của Hãng.
Liệu ngành giày Việt Nam có thể phát triển được trong vài năm tới khi nhiều chính sách, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết?
Theo ông Hưng, không dễ để chiếm dần đơn hàng của các DN FDI, bởi DN trong nước gần như không có ưu thế gì khi ngành cơ khí không phát triển, máy móc phải nhập nước ngoài, không phát triển ngành thuộc da, dệt vải... Trong khi đó, lợi thế của các DN da giày Đài Loan là họ làm khép kín toàn diện.
Xét về mặt số liệu, Việt Nam đang đứng thứ hai trong việc gia công da giày, sau Trung Quốc. Tuy nhiên, thị phần của các DN Việt Nam không lớn, chỉ chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tương đương 2,1 tỷ USD năm 2012, 5 tháng đầu năm đạt 777 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2011.
Theo Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso), các DN da giày trong nước chỉ mới đảm nhiệm được phân khúc thứ 3 (dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực và công nghệ sản xuất), giỏi lắm đảm nhiệm thêm một phần phân khúc 2 (máy móc thiết bị, quy trình công nghệ, vật tư).
Nhưng để tiến lên khâu 4 (kênh phân phối) và khâu 1 (R&D, thiết kế, marketing) thì hoàn toàn không dễ. Bởi thực tế, chỉ có 50% DN trong số 23% DN toàn ngành da giày Việt Nam làm theo FOB, còn lại cũng gia công nhưng so với trước thì cũng có những cải thiện nhất định.
Vì thế, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso, ngay cả TPP được ký kết thì DN da giày trong nước cũng còn quá nhiều thách thức. Chẳng hạn, để được hưởng thuế suất ưu đãi trong TPP thì vấn đề đáp ứng được yêu cầu xuất xứ là không hề dễ dàng.
Thông thường, các quốc gia nhập khẩu chấp nhận nước sở tại sử dụng 60% nguyên liệu hoặc giá trị chủ yếu từ các nước thành viên, nhưng vùng nguyên liệu chính của Việt Nam hiện nay lại không nằm trong nhóm TPP.
Ngoài ra, đa số DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu làm ăn theo phương thức gia công. Nếu TPP có hiệu lực thì chỉ có lợi trong việc tạo điều kiện việc làm ổn định cho người lao động, còn những lợi thế khác sẽ không đáng kể.
Gian nan tìm lợi nhuận
Không có được tấm vé gia công cho Nike và adidas, hai cái tên nội địa lớn nhất trong lĩnh vực da giày là Đông Hưng chọn cách chia nhỏ thị trường xuất khẩu với tỷ lệ từ 10 - 15% thị phần và thương hiệu, trong khi Thai Binh Shoes lại mở rộng thị trường trong nhiều lĩnh vực.
Kiếm 1 USD cũng khó
Đối với những thương hiệu lớn như Nike hay adidas thì thương hiệu chiếm 45% giá thành; thiết kế, phát triển sản phẩm chiếm 15%; sản xuất chiếm 10% (bao gồm từ khâu nguyên vật liệu đến sản xuất), và bán hàng chiếm 30%. Các DN gia công cho những thương hiệu như vậy thực tế chỉ chiếm được nhiều lắm là 15% trong toàn chuỗi giá trị.
Ví dụ: một đôi giày bán trên thị trường với thương hiệu Nike, hay adidas, Puma có giá 100 USD thì DN gia công chỉ có khoảng 10 - 15USD/đôi, nên lãi suất từ 1-1,4USD/đôi giày, với điều kiện hạn chế gia công thêm ở một số khâu thì mới đạt được con số này.
"Ranh giới giữa lãi và lỗ rất mong manh mà rủi ro đối với các nhà sản xuất thì quá lớn. Trước hết là vấn đề con người, nếu không khéo xử lý, sẽ rất dễ dẫn nảy sinh đình công biểu tình...
Vì vậy, vấn đề hiện nay của Đông Hưng vẫn là cố gắng để phát triển mạnh khâu phát triển sản phẩm, và lấn sân sang một chút bên thiết kế để kiếm thêm chút lợi nhuận", ông Hưng nhấn mạnh.
Để tìm kiếm lợi nhuận, nhiều DN đặt vấn đề làm đại lý cho các thương hiệu lớn, vì nhà phân phối có thể được hưởng 30% giá trị hàng bán ra. Nghe có vẻ khá hấp dẫn, nhưng khi bắt tay làm thì không dễ chút nào, bởi thực tế vấn đề này có quá nhiều điều kiện ràng buộc liên quan từ chủ thương hiệu.
Cụ thể, vừa qua Đông Hưng cũng đã thử nghiệm làm đại lý cho New Balance và Nike, cửa hàng được đặt tại Co.op Xtra (Thủ Đức, TP.HCM) và cũng đã gặp phải những thách thức, trước hết là doanh số.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày có những bước tiến đáng kể. Một số ngành hàng có tỷ lệ nội địa hóa đến 70%. Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là giày thể thao thì tỷ lệ nội địa hóa đã trên dưới 50%.
Tuy nhiên, một số dòng giày cao cấp vẫn phải nhập nhiều vật tư, đặc biệt là da. Đây cũng chính là khó khăn của nhiều DN da giày dù đang được đặt trong tay một cơ hội mới với các loại túi xách bằng da.
Bỏ qua một cơ hội nữa
Thai Binh Shoes, với 20 năm kinh nghiệm trong sản xuất giày, hiện có các đối tác chính như Decathlon, BBC, International... với các thương hiệu nổi tiếng như Reebok, Levis, DC, Sketcher, Piston và Quicksilver.
Thai Binh Shoes đặt mục năm 2013 là từ 14 -16 triệu đôi giày. Trong 5 tháng qua, Tập đoàn đã sản xuất và xuất khẩu hơn 5 triệu đôi giày. Tuy nhiên, nhà sản xuất này đang đặt nhiều hy vọng vào thị trường túi xách.
Cách đây hai năm, hãng Coach, một thương hiệu nổi tiếng tại Mỹ, đã quyết định đặt Thai Binh Shoes gia công túi xách. Theo đại diện của Thai Binh Shoes, giá trị gia công túi xách cho Coach cao gấp 2-3 lần giá trị sản xuất giày.
Doanh thu tính trên mỗi công nhân khi gia công túi xách sẽ cao hơn từ 30-50% so với sản xuất giày. Để nhận hợp đồng lớn này, Thai Binh Shoes đã đầu tư xây dựng một nhà máy mới trị giá hơn 10 triệu USD, với 3.000 công nhân.
Trong năm 2012, Thai Binh Shoes đã có hợp đồng xuất khẩu 1,8 triệu túi xách thời trang cho Coach, trị giá 50 triệu USD. Coach đang tính đến khả năng tăng năng lực sản xuất tại Thai Binh Shoes lên 5 triệu sản phẩm/năm, với giá trung bình 40-50 USD/sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Tổng giám đốc Thai Binh Shoes, từng cho biết, cơ hội cho ngành túi xách Việt Nam rất lớn. Có đến 8 trong số 10 hãng túi xách hàng đầu thế giới đang sản xuất tại Trung Quốc đặt vấn đề chuyển sản xuất qua Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu túi xách của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 40-50% nhờ lượng đơn hàng gia công chuyển từ Trung Quốc sang. Đặc biệt, thị trường Mỹ dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhất là sau khi TPP được thực hiện. Lúc đó, thuế suất của túi xách nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ thấp hơn sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp có đủ tiềm lực để đầu tư phát triển mô hình sản xuất để đáp ứng yêu cầu đơn hàng của đối tác hay không. Các DN FDI, chủ yếu là các DN Hàn Quốc đã chiếm trên 70% xuất khẩu túi xách.
Trong khi đó, điểm yếu cố hữu của DN trong ngành là không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu khi chỉ tự đáp ứng được 20% nhu cầu da thuộc, các nguồn phụ liệu sản xuất về cơ bản chưa thể tự đáp ứng được nhu cầu.
Phan Lê - Đỗ Phương
doanh nhân sài gòn
|