DN nhà nước: Ưu đãi đủ kiểu, nhưng 'quên' nộp cổ tức
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hụt thu của năm 2013, việc “bỏ qua” nguồn thu từ cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước tính hơn 1 tỷ USD là điều hết sức lãng phí. Cần tận dụng nguồn này để bù đắp cho sự thiếu hụt chi tiêu mà gánh nặng ngân sách đang gặp phải.
Nặng gánh chi tiêu vì các “ông kễnh”?
Theo VAFI, nếu các DNNN lớn nộp cổ tức sẽ giúp ngân sách tăng thu 1 tỷ USD
|
Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Tổng thu ngân sách 6 tháng chỉ đạt 43,3% dự toán năm. Có 21 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán trên 50%. 42 tỉnh, thành hụt thu.
Dự kiến nếu không có biện pháp hữu hiệu, năm 2013 ngân sách có thể bị hụt thu 65 nghìn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, tình trạng thiếu tiền không đủ chi chắc chắn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương.
Những tín hiệu xấu về thu ngân sách cũng được thể hiện khá rõ qua thông tin từ ngành thuế. Theo Tổng cục trưởng Thuế Nguyễn Văn Nam, số nợ đọng thuế 6 tháng đầu năm và của năm trước chuyển qua năm nay cao hơn so với cùng kỳ. Sáu tháng, ngành thu 291.600 tỷ đồng, bằng 45,2% dự toán năm. So với 3 năm trở lại đây, năm 2013 thu đạt thấp nhất cả tiến độ thu và dự toán ngân sách.
Năm 2013, ngành thuế được giao thu 12.800 tỷ đồng, nhưng khả năng chỉ thu được 700 tỷ đồng, hụt hơn 12.000 tỷ đồng so với dự toán. Nhiều khoản thu khác cũng dự kiến không thu được trong các tháng cuối năm và phải chuyển sang năm 2014.
Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng hàng nghìn tỷ đồng cổ tức được chia từ việc góp vốn vào các doanh nghiệp (như trường hợp dầu khí, điện lực góp vốn vào ngân hàng) sẽ giúp cho tình trạng vay nợ của Chính phủ thông qua phát hành trái phiếu được nhẹ gánh. Ở khía cạnh khác, nhà nước cũng là một cổ đông và cần thu lại tiền cổ tức. Nhất là trong bối cảnh đang thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN.
Ưu đãi đủ kiểu, đầu tư ngoài ngành, quên nộp cổ tức
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI) cho rằng, không nên coi tiền cổ tức là nguồn thu nhỏ. Đây là khoản tiền rất lớn đối với từng doanh nghiệp và với toàn bộ khối DNNN, doanh nghiệp có cổ phần nhà nước.
Theo ông Hải, nhiều DNNN như MobiFone, Vinaphone, Viettel, Vinacomin hay các công ty xổ số kiến thiết trong một thời gian dài đã được hưởng những ưu đãi không thể so sánh.
Ví dụ như họ được cấp vốn, cấp đất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của đất nước trong khi nghĩa vụ trả cổ tức cho phần vốn của nhà nước lại chưa tương xứng. Thậm chí nhiều DNNN còn dùng tiền đầu tư của nhà nước đổ sang các lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, bất động sản, khách sạn hoặc cho các doanh nghiệp thành viên vay hàng trăm nghìn tỷ đồng.
“Theo cơ chế hiện hành, toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế của DNNN được để lại doanh nghiệp. DNNN không có nghĩa vụ nộp tiền cổ tức cho nhà nước như tại các công ty có cổ phần nhà nước. Tôi tính, chỉ riêng mấy DNNN lớn như PVN, Viettel, Vinaphone, MobiFone nếu nhà nước thu cổ tức, mỗi năm cũng được 1 tỷ USD”, ông Hải phân tích.
Theo ông Hải, tại các quốc gia trên thế giới, nhà nước cũng thu hồi cổ tức hàng năm. Như ở Thái Lan, hiện Chính phủ chỉ nắm giữ 51% cổ phần tại vài chục doanh nghiệp lớn, nhưng tiền cổ tức chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước.
“Nếu áp dụng hình thức do VAFI đề xuất từ năm 2013, ước tính tổng số tiền cổ tức thu được khoảng 1 tỷ đến 4 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên 15% nếu các cơ quan nhà nước đòi hỏi chặt chẽ hơn với khối DNNN”, đại diện VAFI nói.
Một chuyên gia về tài chính cho rằng, hiện vẫn có quy định hàng năm nhà nước sẽ thu một phần lợi nhuận của DNNN để đưa vào quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.
Từ trước tới nay, chúng ta quá dễ dãi với người quản lý DNNN. Cho nên nhiều đơn vị coi nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận, miễn sao tồn tại mà không cần lãi nhiều.
Nếu thực hiện giải pháp buộc khối DNNN phải có nghĩa vụ nộp tiền cổ tức hàng năm theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng hoặc theo mức cổ tức bình quân trong ngành sẽ giúp đào thải những nhà quản lý yếu kém, buộc giới quản lý DNNN phải chú trọng tuyển dụng và trân trọng người tài.
“Tiền đầu tư vào DNNN thực chất cũng là tiền thuế, trong đó có đóng góp của kinh tế tư nhân. Nếu sau khi đầu tư, nhà nước tiếp tục không thu cổ tức, nghĩa là các doanh nghiệp tư phải 2 lần chịu bất bình đẳng”, vị này phân tích.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng khó khăn, Bộ Tài chính nên khai thác những nguồn từ trước đến nay chưa tận dụng, trong đó có việc thu cổ tức từ các DNNN. Giải thích cho việc DNNN không nộp cổ tức, một quan chức Bộ Tài chính cho rằng, do có quy định của Chính phủ cho phép sau khi trích quỹ, bù lỗ... các DNNN chưa được cấp đủ vốn điều lệ sẽ được giữ luôn lại lợi nhuận để bù đắp vốn.
Phạm Tuyên
tiền phong
|