Trăn trở con số nhập siêu 6 tháng
Nhập siêu 6 tháng đầu năm giảm nhẹ, dừng ở mức 933 triệu USD, với một tháng 6 chững lại sau một tháng 5 tăng tốc. Nhận định về tín hiệu này, theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giảm con số nhập siêu chưa thể khẳng định điều gì, mà cần căn cứ vào mức tăng giảm của từng thành phần cụ thể.
Số liệu thống kê mới được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy những con số sụt giảm hơn so với số liệu từ Tổng cục Thống kê. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 6 ước đạt 21,73 tỷ USD, giảm 9,1% so với kết quả thực hiện tháng 5, trong đó. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 11 tỷ USD, giảm 5,7% và nhập khẩu đạt 10,72 tỷ USD, giảm 12,3%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 có mức thặng dư nhẹ 287 triệu USD.
Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt hơn 124 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 61,54 tỷ USD, tăng 15,1% và nhập khẩu đạt 62,47 tỷ USD, tăng 15,6%. Kết quả là cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam tính trong 6 tháng có mức thâm hụt 933 triệu USD, chỉ bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xét theo khối các DN, khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu trong 6 tháng đạt 72,29 tỷ USD, tăng mạnh 26,6% và chiếm 58,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu đạt 37,16 tỷ USD, tăng mạnh 27,5% và nhập khẩu là gần 35,13 tỷ USD, tăng mạnh 25,7%. Ngược lại, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu trong 6 tháng của khối DN trong nước đạt 51,72 tỷ USD, tăng 2,6% và chiếm 41,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 24,38 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,3% và nhập khẩu là 27,34 tỷ USD, tăng 4,9%.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, bàn luận con số nhập siêu phải xem xét số liệu nào giảm, số liệu nào không giảm. Trên thực tế, kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế bị lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sản xuất. Do đó, nếu nhập siêu giảm do nền kinh tế nhập trang thiết bị ít hơn thì đó là dấu hiệu buồn cho thấy nền kinh tế đang phát triển chậm lại. "Giảm nhập siêu chưa hẳn buồn cũng chưa hẳn vui. Cần căn cứ vào mức độ sụt giảm như thế nào” – ông Thành nói.
Đáng lưu ý, theo ông Thành, nhìn nhận tình trạng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay cần đặc biệt nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân khiến các DN FDI phát triển cực kỳ mạnh, trong khi đối nghịch lại là sự yếu kém của hệ thống DN Việt. Vì đâu nên nỗi? Đơn giản, DN FDI vay vốn ở nước sở tại chỉ từ 2-3%, trong khi DN nội phải vay vốn với lãi suất từ 10% trở lên. Cùng một địa bàn lại có mức chênh lệch lãi suất lớn nên DN FDI phát triển tốt hơn cũng là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể hàng loạt vấn đề khác như thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu. Rõ ràng, DN FDI có hàng loạt lợi thế khách quan hơn so với DN nội.
Một vấn đề nữa, DN FDI bán sản phẩm cho thị trường khác, cho công ty mẹ với những điều kiện thanh toán mềm như trả chậm 3 tháng, thậm chí 6 tháng. Về việc này, không phải DN Việt không làm được. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Rõ ràng, DN Việt có phương tiện thực hiện để cạnh tranh với DN FDI nhưng lại chưa hề tận dụng hết những lợi thế vốn có ấy.
Vũ Phong
Địa đoàn kết
|