Thứ Tư, 24/07/2013 08:47

Đã có hai doanh nghiệp di dời khỏi KCN Biên Hoà 1

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Hải – phó tổng giám đốc tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) – đơn vị được UBND tỉnh Đồng Nai phân công thực hiện đề án di dời khu công nghiệp Biên Hoà 1, khi trao đổi với phóng viên vào chiều qua 23.7.

Tuy vậy, theo ông Hải việc di dời hoàn toàn khu công nghiệp (KCN) Biên Hoà 1 thực tế còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cái khó thứ nhất là kinh phí lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của hơn 100 doanh nghiệp (DN) cũng như 26.000 lao động. Kế đến việc, từ trước đến nay chưa có tiền lệ di dời cả một KCN nên có nhiều khúc mắc trong hành lang pháp lý. “Nắm rõ được các khó khăn trên, nên trong đề án chúng tôi xây dựng một cơ chế đặc thù, trong đó có cơ chế về hỗ trợ DN di dời, hỗ trợ cho người lao động, thuế thu nhập, thuế nhập khẩu”, ông Hải nói.

Các cơ chế đặc thù đã được thông qua?

Thực tế một số kiến nghị của chúng tôi vượt quá những quy định tại các nghị định, thông tư về thuế vượt thẩm quyền. Do đó, để được thông qua thì phải kiến nghị ra Quốc hội và một số cái phải xin có cơ chế đặc thù cho đề án này. Liên quan đến những kiến nghị trên, vừa rồi uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội đã có kiểm tra và ghi nhận các ý kiến của đề án này và đề nghị Quốc hội nghiên cứu sớm phê chuẩn cơ chế đặc thù cho đề án.

Cơ chế hỗ trợ di dời được đề án nêu ra thế nào thưa ông, bởi thực tế có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn nếu phải di dời?

Việc nhiều nhà máy gặp khó khăn về vốn khi phải di dời, trong đề án, cái phương án được chúng tôi đưa ra là nhà đầu tư nào có đủ năng lực về tài chính thì được tự chuyển đổi theo quy hoạch; còn nhà đầu tư nào không đủ năng lực tài chính thì sẽ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ xây dựng nhà máy ở vị trí mới. Còn chính sách được xây dựng thì phải làm sao để chi phí đền bù thoả đáng, các DN nhận được làm sao có đủ thời gian và chi phí xây dựng nhà máy ở vị trí mới.

Di dời cả KCN đồng nghĩa với việc di dời 26.000 công nhân, làm thế nào để ổn định đời sống của lực lượng này thưa ông?

Ngoài việc hỗ trợ cơ chế chính sách thì tỉnh cũng kiến nghị Trung ương một số cơ chế chính sách hỗ trợ bổ sung tuyến xe buýt từ KCN Biên Hoà 1 đến KCN Giang Điền (nơi các DN sẽ được di dời đến), ban hành quy chế hỗ trợ về thủ tục pháp lý khi mà các DN di dời tới địa chỉ mới, quan tâm đến chính sách nhà ở cho công nhân ở vị trí mới là KCN Giang Điền. KCN Biên Hoà 1 trước đây có hai cư xá cho công nhân, hiện tại hai cư xá này đã tư nhân hoá rồi. Để đảm bảo tính khả thi cho KCN Giang Điền thì kế bên KCN này là hai khu dân cư, mỗi khu hơn 100ha, trong đó một khu đã duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và Sonadezi cũng đang tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Với hai khu dân cư liền kề với KCN Giang Điền như vậy thì việc giải quyết chỗ ở cho công nhân là không khó, trong khu quy hoạch này cũng có trường cấp 1, 2, 3, trạm xá…

Kế hoạch chuyển đổi công năng KCN Biên Hoà 1 được đưa ra cụ thể thế nào thưa ông, nếu không đúng kế hoạch đề ra thì ai chịu trách nhiệm?

Việc chuyển đổi công năng có đúng kế hoạch hay không thì theo khảo sát ý kiến của các DN, theo tờ trình mới nhất của chủ tịch UBND tỉnh ký trình Thủ tướng Chính phủ gồm ba giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2013 – 2014, giai đoạn 2 từ 2015 – 2018, giai đoạn 3 từ 2019 – 2022. Do vậy, để dự án triển khai được theo phân kỳ, sớm vượt qua những khó khăn bước đầu như đã trình bày thì cơ chế chính sách đặc thù cho dự án phê duyệt nhanh chừng nào tốt chừng ấy. Được biết, hiện bộ Kế hoạch và đầu tư đang lấy ý kiến bộ ngành để trình Chính phủ.

Như ông nói, hiện có hai doanh nghiệp đang tiến hành dời khỏi KCN Biên Hoà 1 trong lúc chưa có chính sách cụ thể. Vậy họ có được hỗ trợ?

Tôi xin khẳng định, một dự án một cơ chế, trước sau như một. Các doanh nghiệp di dời trước hay sau khi ban hành cơ chế đặc thù đều được hưởng quyền lợi như nhau.

Nhiều người cho rằng, do khu đất của KCN Biên Hoà 1 sau di dời sẽ là “đất vàng” nên đã hấp dẫn Sonadezi?

Di dời KCN Biên Hoà là chủ trương chung từ Trung ương đến địa phương, Sonadezi chỉ được UBND tỉnh Đồng Nai giao viết đề án di dời. Sau khi đề án di dời được duyệt; lúc đó tỉnh mới xem xét ai là nhà đầu tư cấp 1, và nhà đầu tư này không nhất thiết là Sonadezi mà có thể là doanh nghiệp nào đó đủ thực lực. Đến bây giờ, Sonadezi chỉ đóng vai trò viết thuê đề án di dời. Hơn nữa, trong đề án di dời chúng tôi cũng có nêu quan điểm các doanh nghiệp bị di dời đều là cổ đông của dự án chuyển đổi công năng của KCN Biên Hoà 1. Như vậy, các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi, cũng được làm chủ (cổ đông) chứ không phải nhà đầu tư cấp 1 hưởng lợi hết ở khu đất sau di dời.

Đào Lê – Đoàn Quý

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Ngồi trên biển cá vẫn đói nguyên liệu (24/07/2013)

>   Thêm chỉ đạo quan trọng về Vinashin (24/07/2013)

>   Trăn trở con số nhập siêu 6 tháng (23/07/2013)

>   Melia Hà Nội liệu có bị tỷ phú Thái thâu tóm? (23/07/2013)

>   Trên chuyến tàu đặc biệt ra Trường Sa: Sóng “yêu” – Sóng “ghét” (23/07/2013)

>   M&A – “trong chán ngoài thèm“ (23/07/2013)

>   VNSteel - đại gia thép ngày càng mềm yếu (23/07/2013)

>   Nước mắm Phú Quốc và vụ kiện mở đường (23/07/2013)

>   Ngành thép điêu đứng vì dự án "ngoài vùng phủ sóng" (23/07/2013)

>   Sẽ dừng nhiều dự án thủy điện ở Tây Nguyên (23/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật