Thứ Sáu, 26/07/2013 14:55

Cho Vinashinlines phá sản: Chạm tới những mối quan hệ tế nhị...

 Không tách được công tác quản lý ra khỏi vấn đề sở hữu cho nên có một sự rất nhập nhằng giữa quản lý và nhân sự. Ngay cả khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng khó khăn đưa ra quyết định phá sản.

* Sẽ cho phá sản Vinashinlines

TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới nhận định sau việc Vinashinlines được phép phá sản.

Giải tỏa nhanh để "lưu thông huyết mạch"

PV: - Thưa Tiến sĩ, Văn phòng Chính phủ vừa đưa ra thông báo mới nhất về việc Vinashinlines sẽ được làm thủ tục phá sản trong thời gian tới. Đây đã là tín hiệu vui cho nền kinh tế, thưa ông?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Tôi nghĩ rằng đây thực sự là tin vui cho nền kinh tế. Khi doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả trở thành gánh nặng cho nền kinh tế thì việc dũng cảm "cho chết hẳn" là đúng. Khi đó mới tạo được sự "lưu thông huyết mạch" cho nền kinh tế.

Khi đó, cả nhà đầu tư cũng như người lao động sẽ biết được số phận của mình và tìm con đường đi mới. Ngân hàng cũng tìm phương án giải quyết nợ. Còn không cho phá sản thì tất cả chững lại, đóng băng và không có hướng giải quyết.

PV: - Thưa ông, đúng là nhiều chuyên gia kinh tế cũng có cùng quan điểm này. Khi đã quyết định cho doanh nghiệp phá sản thì cũng có nghĩa là phải giải quyết khối nợ nần, tài sản còn lại, làm thế nào cho nhanh gọn, tránh thất thoát tiếp?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Theo kinh nghiệm của các nước, khi cho phá sản phải kiểm toán toàn bộ lại để biết còn gì, nợ bao nhiêu. Trong đó theo luật kinh doanh thì khoản nào vay phải trả trước. Đầu tư những khoản nào còn lại thì mới tính toán chia nợ. Tất cả đều phải tuyên bố rõ ràng.

PV: - Có ý kiến cho rằng việc kéo dài thủ tục phá sản khiến khả năng thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn và tài sản bị giảm giá trị. Điều này khiến cả chủ nợ và con nợ đều không muốn sử dụng thủ tục phá sản. Chẳng hạn, quy định trong Luật Phá sản chỉ được tuyên bố phá sản khi nào thu hồi hết nợ và thanh lý hết tài sản doanh nghiệp, nhưng trong thực tế, quy định ấy chỉ góp phần kéo dài vụ việc. Chuyện này tương đồng với sự e ngại phá sản của các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thất bại. Đó là nỗi sợ gây thất nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn lao động, sợ ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan quản lý nhà nước, sợ phơi bày các yếu kém quản lý… Ông có nghĩ như vậy?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Tôi nghĩ điều này đúng. Có nhiều người nghe đến từ phá sản là sợ, trong khi trên thực tế phá sản là điều rất tốt cho nền kinh tế bởi nếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu thua lỗ thì phải giải tỏa ngay để "lưu thông huyết mạch".

Ngay sau đó phải cho họ siết nợ. Tạo hành lang pháp lý để người siết nợ được quyền ký và công bố bán tài sản ngay tức thì mà không cần phải có sự ra mặt của chủ sở hữu.

Đằng này ta lại khác, ví dụ khi ngân hàng siết nợ nhà nhưng chẳng may chủ sở hữu căn nhà đó "chuồn đi" nơi khác là tuyệt nhiên không thể bán nhà siết nợ.

Tức là không có chữ ký của ông chủ sở hữu căn nhà chuyển nhượng sở hữu là không bán được, thành ra cứ tắc lung tung.

Nếu đã định làm phải tạo hành lang pháp lý, nếu không trả được nợ sẽ có thông báo lần 1,2,3.. và đến đúng ngày thì công bố cái nhà hay tài sản đó đã bị siết nợ. Một khi đã có văn bản ra trình cho các cơ quan pháp lý là được quyền bán đấu giá ngay để lấy tiền về.

Người nào mua tài sản này cũng được ngân hàng đích thân ký dựa trên quyết định của tòa án mà không cần quan tâm đến chủ cũ. Có như thế mới nhanh và tránh được sự kéo dài vụ việc, tốn kém thêm.

Việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người đại diện doanh nghiệp hiện tại là không rõ ràng

Phải làm mới có kinh nghiệm

PV: - Thế nhưng có ý kiến cho rằng ngay cả khi cho phá sản nếu làm không minh bạch thì các tài sản còn sót lại nay sẽ tiếp tục thất thoát. Theo ông liệu có thể xảy ra điều này?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Đây là vấn đề kỹ thuật. Tức là khi cho phá sản sẽ phải lên danh mục tất cả các khoản tài sản, tiền người khác nợ cho đến đất đai, thương hiệu… tính thành tiền. Hiện còn nợ những ai, nợ bao nhiêu… đều phải chi tiết. Nghĩa là phải có sự vào cuộc của kiểm toán.

Tất cả các khoản nợ đều phải phân loại rõ ràng. Nếu anh có ý đồ che dấu để biển thủ tài sản thì rõ ràng phạm tội hình sự. Bởi tài sản còn dính dáng đến tư cách pháp nhân, chứng từ pháp lý.

Chỉ ngại là với những tài sản pháp nhân không rõ ràng thì dễ bị biến báo chuyển sang cho những người khác trước khi kiểm toán vào cuộc.

PV: - Dù rằng cho phép Vinashinlines phá sản nhưng có cảm giác những người trong cuộc đang rất lúng túng để xử lý. Ông nhận định gì về điều này?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Tôi nghĩ điều này cũng dễ hiểu vì là người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe thấy chuyện cho doanh nghiệp nhà nước phá sản.

Với các nước, luật phá sản được thực hiện rất đơn giản, gọn nhẹ, nhưng rõ ràng. Thế nhưng cái khó của chúng ta là để tình trạng bết bát này lâu quá nên bây giờ kiểm kê lại tài sản có khi mất hết.

Chính vì thế cả bản thân tôi cũng như các chuyên gia kinh tế mới nhiều lần có ý kiến là nên cho phá sản sớm những doanh nghiệp không hiệu quả để cứu vãn được tốt nhất những gì có thể.

Thế nhưng dù gì thì cũng buộc phải làm bởi chả còn con đường nào khác. Cứ làm rồi dần sẽ có kinh nghiệm thôi. Tôi nghĩ phải làm từ đó mới có thể vỡ ra các vấn đề kỹ thuật, kế toán, đấu giá pháp lý… tất cả phải nâng cấp dần lên.

Chạm vào những mối quan hệ tế nhị về mặt hệ thống

PV: - Vậy có nghĩa là cứ ôm một đống tiền của nhà nước đầu tư một thời gian thua lỗ rồi cho phá sản hay sao? Liệu điều này có nói lên gì?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Đây là trách nhiệm của nhà nước. Công ty quản lý vốn của nhà nước phải làm cho cặn kẽ nếu không chả dại gì mà các doanh nghiệp lại không thay nhau "xin" phá sản.

Tôi muốn nói nếu luật mà không khéo thì không riêng gì nhà nước mà cả tư nhân cũng sẵn sàng lợi dụng kẽ hở để tẩu tán, tham ô tài sản, tiền vốn…

Ở Australia đã từng có trường hợp như vậy mà người ta gọi phá sản theo kiểu khôn ngoan. Tức là họ cũng lập ra công ty rồi huy động vốn rất nhiều sau đó giả vờ làm ăn nhưng lại rút dần tiền rồi qua một tay khác. Khi có nợ nần lại tuyên bố phá sản rồi đi lập công ty khác và đi công ty khác để làm tiếp.

Tức là họ cũng lập ra công ty rồi huy động vốn rất nhiều sau đó giả vờ làm ăn nhưng lại rút dần tiền rồi qua một tay khác. Khi có nợ nần lại tuyên bố phá sản rồi đi lập công ty khác và đi công ty khác để làm tiếp.

Thứ hai nữa, việc chứng minh là phá sản phải đàng hoàng, rõ ràng. Nếu họ phát hiện thấy trong khi làm ăn có dấu hiệu vi phạm, ví dụ đáng lẽ mua nguyên vật liệu chỉ là giá 3 nhưng doanh nghiệp này lại mua lên thành giá 5 chẳng hạn, dứt khoát sẽ bị điều tra kỹ. Và nếu đúng thì sẽ đi tù ngay.

Hay như ở Mỹ, nếu một công ty được nhận quyết định phá sản nhưng họ lại thấy trong ban ra quyết định có người được mua lại tài sản rất rẻ của đơn vị phá sản thì sẽ bị làm rõ và phanh phui ngay lập tức.

Thế nhưng khía cạnh này tôi không có đủ niềm tin rằng ở ta có thể làm được bởi sự thất thoát chạy lung tung các ngõ ngách. Tìm kiếm một hồi, truy trách nhiệm rồi kiểm điểm, nhắc nhờ và hòa cả làng.

PV: - Ý của ông là trách nhiệm giám sát sử dụng nguồn vốn chưa thể hiện đúng vai trò của các cơ quan chức năng? Rồi ngay cả khi sự thể đã đến nước bung bét thì việc truy trách nhiệm cũng không đến nơi đến chốn?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Đúng như vậy. Chính vì người ta không tách được cái quản lý ra khỏi vấn đề sở hữu cho nên có một sự rất nhập nhằng giữa cái gọi là quản lý và nhân sự.

Nhân sự nhà nước quyết định, quản lý nhà nước cũng làm bằng việc giao cho một ông cán bộ của mình làm. Bây giờ mất mát vốn đi không biết làm thế nào. Cùng lắm lại đưa ra lý do là do năng lực yếu kém rồi lại thôi.

Tôi nghĩ với cách quản lý có lỗ hổng như thế thì sẽ còn mất nhiều. Đây sẽ là cơ hội để nhiều người lợi dụng.

Ở đây tôi muốn nói tới vai trò giám sát còn yếu và không theo quy luật thị trường. Ở các nước trên thế giới, các công ty khi đã phát hành cổ phiếu cho các cổ đông phải công bố con số, nếu thấy đang làm ăn có lãi mà báo cáo kỳ sau thấy chỉ còn 7% thì sẽ phải thay ngay người đứng đầu công ty.

Còn ở Việt Nam thông tin kinh doanh mập mờ, giám đốc thì lo đi học chứng chỉ lý luận này kia. Tức là chúng ta đang bị chạm vào những mối quan hệ tế nhị về mặt hệ thống nên khó tách kinh doanh và thị trường ra khỏi quản lý kiểu như thế này.

Chính vì vậy khi nói chuyện cải cách doanh nghiệp nhà nước đi thuê CEO nước ngoài về trả lương theo giá thị trường thì sẽ phải được quyền quyết. Thế nhưng đụng đâu cũng vướng thì chẳng ai dám làm.

Dù Luật Phá sản của Việt Nam đã được ban hành gần 20 năm nhưng tỷ lệ doanh nghiệp chủ động hoặc bị yêu cầu phá sản là rất ít.

Doanh nghiệp dù đã lâm vào tình cảnh phải phá sản nhưng không chủ động tiến hành thủ tục phá sản mà thường cố gắng vay mượn để tiếp tục sống lay lắt, hoặc chọn giải pháp giải thể.

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao cho thấy, có rất ít doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản theo Luật Phá sản (chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số các doanh nghiệp ngừng hoạt động).

Thay vì xin phá sản, DN thường chọn cách tạm ngừng hoạt động. Luật pháp hiện tại cho phép DN Việt Nam được tạm dừng hoạt động tối thiểu 1 năm và tối đa 2 năm.

Sau đó, nếu không thể hoạt động tiếp thì giải thể. Đây cũng là cách hành xử ưa thích của DN Việt Nam, tạo ra những DN dù đã chết nhưng vẫn không thể chôn.


Bích Ngọc

Đất việt

Các tin tức khác

>   Trung Quốc thâu tóm nguyên liệu sản xuất Ethanol (26/07/2013)

>   Việt Nam ít có tội phạm rửa tiền? (26/07/2013)

>   Xem xét cách chức lãnh đạo DNNN "chậm thoái vốn ngoài ngành" (26/07/2013)

>   Xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (26/07/2013)

>   Nhật cân nhắc khả năng phát động chiến tranh (25/07/2013)

>   Sẽ xem xét xử lý báo đưa tin sai về vụ “ông Trần Bắc Hà bị bắt” (25/07/2013)

>   Xe cá nhân Việt - Trung sẽ được đi sâu vào lãnh thổ của nhau (25/07/2013)

>   Bạc Hy Lai chính thức bị truy tố (25/07/2013)

>   Hoa Kỳ ủng hộ đưa quan hệ với Việt Nam lên tầm mức cao hơn (25/07/2013)

>   Mất tiền tỉ vì tin cán bộ địa chính (25/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật