Việt Nam ít có tội phạm rửa tiền?
Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền ra đời được 8 năm, nhưng đến nay, mới có 1 - 2 trường hợp rửa tiền được phát hiện ở Việt Nam. Con số này xem ra không phản ánh đúng thực tế.
8 năm, chỉ phát hiện 2 vụ rửa tiền
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, chưa có đánh giá chính thức nào của cơ quan chức năng về tình trạng rửa tiền tại Việt Nam, nhưng nếu căn cứ vào số liệu của các cơ quan pháp luật, thì số vụ rửa tiền ở nước ta là quá ít.
Một vụ án liên quan đến rửa tiền được phát hiện và đang được xử lý, đó là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Bộ Công an, trong vụ án này, 2 đối tượng sử dụng số tiền hàng trăm tỷ đồng bất hợp pháp để cho Huyền Như vay nặng lãi đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị tội danh cho vay nặng lãi, thay vì tội danh rửa tiền trước đó.
Như vậy, nếu Tòa án tuyên án theo tội danh đó, thì đến nay, Việt Nam mới có một trường hợp rửa tiền được xử lý, bắt giữ, đó là vụ rửa tiền “ảo” LR từng gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua.
Việc chỉ một vụ việc liên quan đến rửa tiền được phát hiện và xử lý sau hơn 8 năm thực hiện Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền của Chính phủ ra đời là rất phi thực tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, con số trên không phản ánh đúng thực tế tình trạng rửa tiền ở Việt Nam. Thực tế, ở Việt Nam, do thói quen sử dụng tiền mặt, tiền “bẩn” có thể được “rửa” qua rất nhiều con đường, như chứng khoán, bất động sản, đầu tư dự án…, chứ không phải chỉ qua ngân hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc cũng thừa nhận, con số chỉ 1 - 2 vụ án liên quan đến rửa tiền được phát hiện là quá ít.
Ngân hàng than khó phát hiện tội phạm rửa tiền
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, việc phát hiện tội phạm rửa tiền là rất khó.
“Bản thân các ngân hàng cũng rất lo ngại việc rửa tiền, nên giám sát rất chặt chẽ. Nếu phát hiện các giao dịch liên quan đến các đối tượng rửa tiền, các ngân hàng sẽ từ chối ngay, nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, khó khăn nhất ở Việt Nam là làm sao để phát hiện các trường hợp rửa tiền. Để làm được điều này, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, công cụ như điều tra tội phạm và cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều cơ quan, đặc biệt là lực lượng cảnh sát”, ông Lực nói.
Một trong những lý do khiến số vụ việc rửa tiền được phát hiện ở nước ta quá ít là do khung pháp lý chậm được ban hành. Cụ thể, tuy Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền của Chính phủ ra đời năm 2005, song mãi đến năm 2012, các chế tài xử phạt tội danh này mới có hiệu lực.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, ở nhiều nước, người dân phải có trách nhiệm chứng minh khối tài sản là hợp pháp. Đó chính là căn cứ quan trọng chống rửa tiền. Trong khi đó, ở nước ta, người dân không có trách nhiệm chứng minh tài sản.
Ngoài ra, theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thói quen thanh toán bằng tiền mặt của nước ta khiến tình trạng rửa tiền thực chất “sôi động” hơn rất nhiều so với con số báo cáo.
Như vậy, rõ ràng, để phát hiện và ngăn chặn tội phạm rửa tiền, Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc. Trước hết, phải nhanh chóng đưa Luật Phòng, chống rửa tiền đi vào cuộc sống, từng bước chấm dứt thói quen thanh toán dùng tiền mặt, nâng cao trình độ chuyên sâu của lực lượng cảnh sát điều tra kinh tế. Bên cạnh đó, với những khoản tiền lớn, việc đưa ra những quy định bắt buộc người dân phải khai báo, chứng minh… cũng cần phải tính đến.
Hà Tâm
Đầu tư
|