Ngân hàng Việt “rụt rè” ở “sân chơi” WTO
Sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hệ thống ngân hàng trong nước đã có những chuyển biến tích cực, song cũng bộc lộ không ít yếu kém, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, làm hạn chế khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế.
Hội thảo “Gia nhập WTO và sự phát triển bền vững hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam”, diễn ra ngày 2/7, tại Hà Nội.
|
Tổng Giám đốc VietinkBank Nguyễn Văn Thắng cho rằng thời gian qua hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, cả về qui mô hoạt động, chất lượng dịch vụ, năng lực tài chính, trình độ quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin… Nhưng đi kèm với đó là chất lượng tín dụng xấu đi nhanh chóng, những khó khăn trong quản lý thanh khoản, lãi suất, tỷ giá... Những yếu kém này đã và đang có tác động tiêu cực tới môi trường vĩ mô thời gian qua.
Tại Hội thảo “Gia nhập WTO và sự phát triển bền vững hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam”, diễn ra ngày 2/7, tại Hà Nội, nhiều chuyên gia tài chính có chung quan điểm nguyên nhân của tình trạng trên do sự nâng cấp ồ ạt của các ngân hàng nông thôn lên thành các ngân hàng đô thị, số lượng ngân hàng và chi nhánh gia tăng nhưng không đi kèm với việc tăng cường chất lượng quản lý, giám sát và các quy định, tiêu chí minh bạch, tăng trưởng tín dụng quá nóng…
TS. Nguyễn Đại Lai (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước) nhận định những bất cập trên đã khiến chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng ở mức rất thấp.
Nhiều khách hàng là doanh nghiệp FDI chỉ đem vào Việt Nam một ít “vốn mồi” nhưng cũng cạnh tranh đi vay như doanh nghiệp trong nước để hoạt động khiến nguy cơ nợ xấu tăng nhanh. Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay vẫn có xu hướng cho các doanh nghiệp Nhà nước vay, khiến cho khối doanh nghiệp tư nhân - nhân tố đóng góp phần lớn vào GDP - gặp khó khăn, ông Lai nêu ý kiến.
Chuyên gia này kiến nghị, cần phải sửa những bất cập nói trên bằng cách phủ sóng đều pháp luật, tạo bình đẳng cho các đối tượng kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Về hướng phát triển tương lai của ngành ngân hàng, tại Hội thảo, một số chuyên gia cho rằng cần phải thận trọng khi xem xét yêu cầu nới tỷ lệ vốn góp cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài vào ngân hàng Việt Nam, nếu không thương hiệu và thị phần bị mất, đối mặt với việc mất kiểm soát luân chuyển vốn, trở thành địa điểm rửa tiền.
Tuy nhiên, cũng có luồng quan điểm khác cho rằng cần nới giới hạn góp vốn cổ phần lên cao (khoảng trên 40% hoặc không giới hạn), chỉ khi đó, các ngân hàng nước ngoài mới tích cực chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị tiên tiến, minh bạch, đẩy nhanh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, thực chất nhìn vào thị trường ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài có thị trường riêng của mình (doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài), các dịch vụ bán lẻ…, không nên lo ngại hiện tượng cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng trong nước.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank, việc gia nhập WTO giúp cho ngành ngân hàng nhận thức rõ những rủi ro, tạo động lực tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống để hoạt động lành mạnh hơn. Đồng thời, 6 năm qua, hệ thống ngân hàng buộc phải có sự điều chỉnh sau thời gian tăng trưởng “nóng” trước đây, hình thành bộ tiêu chí nâng cao chuẩn mực hoạt động ngành ngân hàng.
Huy Thắng
Chính Phủ
|