Thứ Ba, 02/07/2013 11:08

"Thời điểm vàng" để tự do hoá lãi suất

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến thêm một bước tới tự do hóa hoàn toàn lãi suất, dù vẫn là một bước đi thận trọng, với việc bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên từ ngày 28/6/2013.

Quyết định trên của NHNN được thị trường hoan nghênh, dù hơi muộn so với dự báo. Với tình hình thanh khoản của các ngân hàng hiện nay, chính NHNN cũng khẳng định, đã đủ điều kiện để bỏ trần lãi suất huy động, không sợ nguy cơ đua lãi suất.

Đã đến lúc giảm sự can thiệp bằng biện pháp hành chính vào thị trường

Trên thực tế, nhiều ngân hàng cũng đã đưa lãi suất huy động ngắn hạn về dưới mức trần. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao NHNN vẫn giữ trần lãi suất với kỳ hạn huy động vốn dưới 6 tháng?

Thứ nhất, đây có lẽ là phép thử cuối cùng của NHNN trước khi quyết định bỏ hoàn toàn trần lãi suất.

Thứ hai, các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng hiện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Bởi vậy, ngay cả khi đã “buông” trần lãi suất huy động theo quyết định trên, NHNN về cơ bản vẫn định hướng được lãi suất đầu vào của các ngân hàng thương mại.

Thứ ba, theo lý giải của Thống đốc NHNN, việc chưa bỏ trần lãi suất thời điểm này là để định hướng lãi suất cho các ngân hàng thương mại, giúp lãi suất cho vay giảm nhanh hơn. Nếu bỏ hoàn toàn trần lãi suất, để thị trường tự điều phối, thì sẽ mất rất nhiều thời gian.

Dù sự thận trọng của NHNN là có cơ sở, song đây có thể là sự thận trọng quá mức cần thiết, bởi hiện là thời điểm chín muồi để bỏ trần lãi suất, khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất yếu. Trong bối cảnh đầu ra không thể tăng, thì dù có bỏ trần lãi suất huy động, ngân hàng cũng khó “đua” nâng lãi suất huy động. Nếu trì hoãn thêm nữa, tới khi nhu cầu tín dụng đã phục hồi, việc bỏ trần lãi suất sẽ khó khăn hơn.

Còn nhớ, cách đây 1 năm, khi NHNN thông báo bỏ trần lãi suất huy động với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, nhiều ý kiến cũng lo ngại về một cuộc chạy đua nâng lãi suất để thu hút vốn. Song thực tế, rất ít ngân hàng làm vậy, bởi họ thừa hiểu rằng, đưa lãi suất huy động lên quá cao chính là tự “vác đá đè chân”, nhất là trong bối cảnh lãi suất thị trường liên tục hạ, tín dụng tăng trưởng âm, nguy cơ nợ xấu cao.

Chỉ còn vấn đề đặt ra là khi bỏ trần lãi suất, một số ngân hàng yếu thanh khoản trong hệ thống có thể sẽ nâng lãi suất huy động để thu hút vốn. Tuy nhiên, việc đó sẽ khó gây tác động lớn lên toàn hệ thống, bởi người dân hiện đã nhận thức rõ hơn về sự an nguy của tiền gửi, nên sẽ cân nhắc thận trọng khi quyết định chọn nơi gửi gắm tài sài của mình. Hơn nữa, từ ngày 9/7/2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ đi vào hoạt động, thanh khoản của các ngân hàng yếu phần nào sẽ được bù đắp, việc bỏ trần lãi suất, vì thế cũng dễ dàng hơn. Mặt khác, việc hình thành hai mặt bằng lãi suất khác nhau cũng hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường (ngân hàng an toàn thì lãi suất thấp và ngược lại).

Việc bỏ trần lãi suất có thể khiến mục tiêu giảm nhanh lãi suất cho vay của NHNN bị chậm lại. Song để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng không chỉ nhìn vào trần lãi suất định hướng của NHNN, mà phải chủ động giảm chênh lệch lãi suất huy động – cho vay thì mới thúc đẩy được tín dụng, với tinh thần cứu doanh nghiệp cũng là tự cứu mình.

Với những điều kiện hiện nay và kinh nghiệm tự do hoá lãi suất mà NHNN đã có trước đây, có thể đây là thời điểm tốt để NHNN bỏ hoàn toàn trần lãi suất, cũng tức là giảm sự can thiệp bằng biện pháp hành chính vào thị trường.

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   Lãi suất 6.99% - Nắm bắt cơ hội trong thách thức (02/07/2013)

>   Tái diễn tâm lý găm trữ USD (02/07/2013)

>   Nợ xấu được “xử” qua lăng kính VAMC (01/07/2013)

>   Ngân hàng chấp nhận cho vay lỗ! (01/07/2013)

>   Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng (01/07/2013)

>   Mầm mống bất ổn từ phá giá lãi vay (01/07/2013)

>   ĐHĐCĐ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam: Tăng vốn lên 7,500 tỷ đồng (01/07/2013)

>   Giảm lãi suất, tăng tỷ giá, vàng trồi sụt... (01/07/2013)

>   Cần cú hích lớn hơn hạ lãi suất (01/07/2013)

>   Phối hợp chính sách tài khóa để giảm lãi suất hiệu quả hơn (01/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật