Thứ Hai, 01/07/2013 11:10

Mầm mống bất ổn từ phá giá lãi vay

Lãi suất giảm, nhưng ngân hàng vẫn ứ vốn, không thể cho vay. Trong bối cảnh đó, việc một số ngân hàng “phá giá” lãi suất cho vay đang gây nhiều lo ngại.

Ngân hàng phá giá, doanh nghiệp trục lợi

Từ ngày 28/6, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm còn 7%/năm. Trần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên giảm còn 9%/năm. Tuy nhiên, ngay cả với mức lãi suất vay được coi là rất hấp dẫn này, thì các ngân hàng cũng vẫn khó tìm được khách vay.

Lãi suất giảm, nhưng ngân hàng vẫn vắng khách vay.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank khẳng định, theo khảo sát của VPBank, cứ 10 doanh nghiệp đến ngân hàng này vay vốn, thì chỉ 1 - 2 đủ doanh nghiệp điều kiện vay.

“Ngành ngân hàng đang chịu áp lực phải đẩy vốn ra nền kinh tế, nhưng đẩy vốn vào đâu? Hiện nay, có tới 70 - 80% doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vay vốn, trong khi sức mua yếu. Vì vậy, nếu đẩy tín dụng ra, thì chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể. Hiện nay, các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng cũng thể tăng trưởng tín dụng, buộc phải tìm mọi cách hạ lãi suất cho vay”, ông Vinh nói.

Việc các ngân hàng đua hạ lãi suất để câu kéo khách vay vốn là có thực. Điều này giúp các doanh nghiệp tốt có khả năng tiếp cận lãi suất thấp. Tuy nhiên, tình trạng này cũng đang gây ra nhiều lo ngại.

Bà Phan Thị Chinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lấy ví dụ, các ngân hàng đang đua nhau mời chào vay vốn với các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm từ AA trở lên. Nếu hôm trước, ngân hàng chào lãi vay là 8%/năm, thì hôm sau, có ngân hàng hạ xuống 7,5%, 7%, thậm chí là 6%/năm. Việc phá giá lãi suất cho vay khiến nhiều doanh nghiệp được lợi, trong khi lại tạo thêm nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

“Tôi không tiện nêu tên, nhưng biết chắc chắn có một doanh nghiệp lập kế hoạch lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ 80 - 100 tỷ đồng, nhưng kết thúc 6 tháng, họ lãi hơn 200 tỷ đồng. Trong số đó, 120 tỷ đồng là từ đầu tư tài chính. Cụ thể, đó là lãi do được vay vốn với lãi suất thấp, sau đó gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao”, bà Chinh cho biết.

Điều ngạc nhiên, theo bà Chinh, là trong số các ngân hàng phá giá lãi suất cho vay 6%/năm, có cả các ngân hàng nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các ngân hàng này dư dả tiền đồng để cho vay lãi suất thấp, trong khi huy động lại không nhiều so với ngân hàng nội. Phải chăng các ngân hàng này đang lợi dụng chênh lệch lãi suất cho vay VND và ngoại tệ, hoán đổi sang nội tệ để hưởng lãi suất cao? Nếu điều này là có thực, thì rủi ro sẽ rất lớn với hệ thống ngân hàng, đe dọa cả tỷ giá.

Vẫn còn mầm mống bất ổn

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất cho vay, bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trở lên là hoàn toàn phù hợp. Lý do là, hiện nay, thanh khoản của toàn hệ thống được cải thiện, nhiều ngân hàng dư thừa vốn, song một số ngân hàng vẫn đói vốn. Việc bỏ trần lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên sẽ khiến các ngân hàng yếu linh hoạt hơn trong huy động vốn. Mặt khác, việc giảm trần lãi suất cho vay kỳ hạn dưới 6 tháng giúp lãi suất thị trường giảm nhanh hơn. Tuy vậy, chất lượng tín dụng hiện mới là nỗi lo hàng đầu của các ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, một số ngân hàng do không thể tăng trưởng tín dụng đã đưa ra một số chính sách nguy hiểm như mua lại nợ của mình. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Đây là mầm mống của rủi ro và mầm mống này có thể xảy ra sau vài năm nữa, như bài học đã từng xảy ra năm 2009.

Bên cạnh đó, hiện nay, chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng được hưởng rất nhỏ, chỉ dưới 2%. Nếu tính cả những khoản nợ chưa được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ những năm trước, cộng thêm lợi nhuận hiện tại không đủ bù đắp, thì ngân hàng đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Chia sẻ nỗi lo này, bà Phan Thị Chinh cho rằng, trước đây, khách hàng tốt của hệ thống ngân hàng chiếm 70%, khách hàng xấu chỉ 30%, nên ngân hàng dễ cân đối, bù đắp được. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng xấu tăng lên 50 - 60%, trong khi với khách hàng tốt, thì ngân hàng cũng không được lợi do phá giá lãi suất để giành khách, nên rủi ro với hệ thống ngân hàng là rất lớn.

Bà Chinh cảnh báo, khi lãi suất hạ, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao dòng tiền. Nếu dòng vốn chạy khỏi ngân hàng, không đi vào sản xuất, kích thích kinh tế phát triển, mà lại gây lạm phát, thì phải có giải pháp để ngăn chặn.

Thùy Liên

đầu tư

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ Ngân hàng Xây dựng Việt Nam: Tăng vốn lên 7,500 tỷ đồng (01/07/2013)

>   Giảm lãi suất, tăng tỷ giá, vàng trồi sụt... (01/07/2013)

>   Cần cú hích lớn hơn hạ lãi suất (01/07/2013)

>   Phối hợp chính sách tài khóa để giảm lãi suất hiệu quả hơn (01/07/2013)

>   Cẩn trọng với tỉ giá mới (01/07/2013)

>   Giá vốn sản xuất đang được kéo xuống (30/06/2013)

>   Đẩy mạnh bơm tiền và những ám ảnh rủi ro (29/06/2013)

>   Nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ vì doanh nghiệp lục đục với ngân hàng (29/06/2013)

>   Tiền gửi dịch chuyển vì lãi suất (29/06/2013)

>   Giảm lãi suất là 'cú hích nhỏ' với thị trường tiền tệ (29/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật