Giảm lãi suất, tăng tỷ giá, vàng trồi sụt...
Cuối tuần qua, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một loạt quyết định quan trọng: giảm trần lãi suất huy động về 7%/năm, dỡ bỏ trần huy động kỳ hạn từ sáu tháng trở lên và tăng tỷ giá 1%, cùng lúc với việc hoàn thành tất toán vàng tại các ngân hàng.
Lãi suất giảm là điều kiện để thúc đẩy tín dụng. Trong ảnh là rao vặt xuất hiện ở nhiều nơi trên đường phố.
|
Các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất, tỷ giá niêm yết.
Tại ngân hàng BIDV (BID), từ 28.6, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng lùi về 6 và 6,5%/năm (áp dụng lần lượt với tổ chức kinh tế và dân cư); kỳ hạn 3 tháng còn 6,5% và 7%/năm; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng còn 7%/năm. Lãi suất USD, trần huy động với tổ chức kinh tế là 0,25%/năm, với dân cư là 1,25%/năm. Lãi suất cho vay vốn với các đối tượng ưu tiên như phát triển nông nghiệp nông thôn, tài trợ xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được BIDV áp dụng tối đa 9%/năm.
Tương tự, lãi suất huy động VND của Eximbank (HOSE: EIB) kỳ hạn 1 tháng còn 6,7%/năm; kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng còn 6,8%/năm, từ 6 tháng đến 11 tháng còn 6,9%/năm; từ 12 tháng 7,5%. Lãi suất huy động USD tại Eximbank áp dụng cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng đều 1,24%/năm.
Tại Vietcombank (HOSE: VCB) , lãi suất huy động VND kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 6,6%; 6,8% và 7,8%.
Tại Techcombank, lãi suất huy động VND kỳ hạn từ 1 tháng đến 11 tháng đều áp dụng mức trần 7%/năm…
Cùng lúc, các ngân hàng đồng loạt nâng tỷ giá
Cụ thể, tại ACB, tỷ giá niêm yết phiên giao dịch cuối tuần là 21.110 – 21.230 đồng/USD (giá mua vào – bán ra); tại Techcombank cũng bán ra mức giá tương tự, nhưng giá mua vào rẻ hơn 10 đồng/USD; tại Eximbank là 21.140 – 21.220 đồng/USD; tại Vietcombank là 21.130/21.200 đồng/USD… Như vậy, mức giá bán USD cao nhất tại các ngân hàng thương mại vẫn dưới mức trần 16 đồng/USD.
Giá USD trên thị trường tự do hôm 30.6 phổ biến 21.400 – 21.430 đồng/USD, trong khi hôm 28.6 là 21.325 đồng/USD.
Bước chuẩn bị bỏ can thiệp hành chính?
Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước nhận định, việc NHNN cùng lúc hạ trần lãi suất, tăng tỷ giá là “một gói điều chỉnh đồng bộ”. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay ra. Mặt khác, cả lãi suất huy động VND và USD cùng giảm giúp cho tiết kiệm VND vẫn giữ được “lợi thế cạnh tranh” so với tiết kiệm USD. Trong khi đó, tỷ giá tăng, sẽ kích thích người nắm giữ USD bán ra thị trường, góp phần giảm dần tình trạng đôla hoá trong nền kinh tế.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN vào thời điểm này là chủ động, bởi cầu vốn ngoại tệ thời điểm này không lớn. Cũng theo ông này, việc dỡ trần huy động kỳ hạn từ sáu tháng trở lên của NHNN được xem là một bước chuẩn bị tiến tới dỡ bỏ trần huy động cũng như cho vay, nhằm hạn chế can thiệp thị trường bằng các biện pháp hành chính. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng có giúp khơi thông dòng tín dụng vào nền kinh tế hay không, cần nhiều điều kiện khác nữa, trong đó quan trọng nhất vẫn là khả năng phục hồi của thị trường, doanh nghiệp.
Vàng: chưa phải thời điểm tốt để mua
Lãi suất huy động giảm, liệu dòng vốn có chảy mạnh sang các tài sản tài chính khác, đặc biệt là vàng – nhất là đúng thời điểm kim loại quý này đang lao dốc mạnh vừa qua?
Lo ngại này không phải thiếu cơ sở, khi mà thói quen tích trữ vàng đã “ăn vào máu” của người dân. Thực tế cũng cho thấy, trong những ngày qua, người dân đã xếp hàng, chen chúc mua vàng tại một số điểm giao dịch vàng lớn, nhất là ở Hà Nội.
Giám đốc kinh doanh công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, trong hai ngày cuối tuần qua, doanh số giao dịch tại doanh nghiệp tăng 50 – 60% so với trước đó, lượng vàng doanh nghiệp bán ra trung bình khoảng 1.500 lượng/ngày. Tuy nhiên, phần lớn giao dịch là nhỏ, từ vài chỉ đến vài lượng vàng, chưa có giao dịch lớn. “Người dân đã thận trọng hơn với vàng, trước những nhận định giá vàng có thể còn suy giảm và diễn biến quá khó lường như vừa qua”, ông Trọng nói. Tại Bảo Tín – Minh Châu, cũng diễn biến tương tự.
Vậy tại sao có tình trạng giá vàng có thời điểm tụt xuống còn 35,5 triệu đồng/lượng (giá bán ra) rồi bất ngờ quay đầu tăng 1,5 triệu đồng/lượng ngay trong ngày trong khi giá thế giới ít biến động? Tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng tại TP.HCM, cho biết, mở cửa phiên giao dịch ngày 26.6, giá vàng SJC chỉ còn 34,8 – 35,5 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra) – mức thấp nhất kể từ tháng 11.2010. Cùng thời điểm, phiên đấu thầu 40.000 lượng vàng đã được vét sạch, với mức giá 35,05 – 35,5 triệu đồng/lượng. Tổng giám đốc phân tích: “Phiên đấu thầu liền kề trước đó, NHNN chào thầu xấp xỉ 1,5 tấn, nhưng chỉ bán được xấp xỉ 1 tấn. Phiên này, các tổ chức tín dụng bất ngờ gom mua hết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không mua được lượng nào. Trong lúc đó, cầu vàng trên thị trường tăng mạnh, cung thiếu, giá vàng đã nhanh chóng đảo chiều và tăng vọt”.
Tuy nhiên, tổng giám đốc này cho rằng, “giá thời điểm hiện nay chưa phải tốt để mua”. Theo đó, giá thế giới có điều chỉnh tăng sau khi rơi thẳng đứng, song không thể khẳng định xu hướng giảm kết thúc. Mặt khác, sau 30.6, các ngân hàng tất toán xong, cầu vàng trong nước có thể giảm mạnh, giá vàng sẽ có cơ hội về gần giá thế giới hơn, thay vì cách biệt 5 – 6 triệu đồng/lượng như hiện nay.
Thảo Nguyễn
sài gòn tiếp thị
|