Tiền gửi dịch chuyển vì lãi suất
Nhiều ngân hàng thương mại công bố lãi suất huy động dưới mức trần khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển qua kỳ hạn dài nhằm hưởng lãi suất cao hơn
Từ ngày 28-6, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tại các ngân hàng (NH) chỉ còn 7%/năm (thay vì 7,5%/năm). Cùng lúc, việc hạ lãi suất cho vay thêm 1% (còn 9%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và điều chỉnh tỉ giá cho phù hợp với biên độ mới cũng được các NH đồng loạt thực hiện.
Khách hàng tìm hiểu lãi suất mới tại một ngân hàng ở TP HCM
|
Gửi càng dài, lãi suất càng cao
Theo Thông tư số 15 của NH Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài ấn định lãi suất tiền gửi bằng VNĐ cho tổ chức, cá nhân đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,2%/năm. Lãi suất tối đa từ 1 đến dưới 6 tháng là 7%/năm. Lãi suất từ 6 tháng trở lên thả nổi trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Với khoản tiền gửi bằng USD, lãi suất huy động tối đa đối với tổ chức là 0,25%/năm và cá nhân 1,25%/năm (thay vì 2%/năm như trước đây). Các tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai lãi suất và nghiêm cấm chi khuyến mãi dưới mọi hình thức để lách trần...
Sáng 28-6, theo ghi nhận của chúng tôi, các NH thương mại đã niêm yết lãi suất tiết kiệm ở mức trần mới, lãi suất tăng dần theo kỳ hạn gửi của khách hàng. Tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng: 6,5%/năm, 3 tháng: 6,8%/năm, 6-9 tháng: 7%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 8%/năm. NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hạ lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng về mức 6,8% - 6,9%/năm, kỳ hạn từ 3-5 tháng: 7%/năm và từ 6 đến dưới 12 tháng là 7,2% - 7,4%/năm…
Tại một số NH thương mại cổ phần khác, mức lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được niêm yết khá cao. NH TMCP Bản Việt công bố lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng ở mức 8,5%/năm và từ 12 tháng trở lên là 10%/năm. Nhân viên NH Bản Việt Chi nhánh Đồng Nai cho biết sau khi trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn giảm về 7%/năm và các NH được tự thỏa thuận lãi suất từ 6 tháng trở lên, khách hàng đã chuyển sang chọn gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn.
"Không ít khách hàng than phiền khi thấy lãi suất hạ nhưng họ vẫn chọn gửi tiết kiệm, chuyển sang kỳ hạn dài, nhất là người lớn tuổi có tiền nhàn rỗi. Không có hiện tượng rút tiền" - nhân viên này nói.
Nhân viên một chi nhánh Eximbank trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2, TP HCM cho hay lãi suất đang có xu hướng giảm nên gửi dài ngày sẽ có lợi hơn. Vì vậy, nhiều người đã chuyển sang gửi từ trên 6 tháng đến 1 năm.
Khách hàng tìm hiểu lãi suất mới tại một ngân hàng ở TP HCM
|
Tăng tỉ giá: Lợi cho xuất khẩu
Việc hạ trần lãi suất về 7%/năm được các chuyên gia đánh giá là hợp lý trong bối cảnh lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Hơn nữa, cùng lúc hạ trần lãi suất huy động VNĐ và USD sẽ giúp dòng tiền không chảy vào ngoại tệ, dù NH Nhà nước vừa điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá thêm 1%. Theo NH Nhà nước, biên độ tỉ giá tăng sau 1 năm rưỡi ổn định nhằm phản ánh chính xác hơn cung - cầu ngoại tệ, tạo sự ổn định cho thị trường.
Việc các NH điều chỉnh tỉ giá cũng được đánh giá là dấu hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu đang tăng trưởng tốt thời gian gần đây. Tại Vietcombank, giá mua mỗi USD ngày 28-6 tăng lên 21.150 đồng, bán ra 21.220 đồng, tăng 184 đồng/USD so với ngày hôm trước. Tỉ giá tăng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa rồi xuất khẩu trực tiếp như nông nghiệp, thủy sản… và những ngành xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.
Theo TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, hiện DN xuất khẩu trong nước đang kiệt quệ và rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế nên việc điều chỉnh tỉ giá là thật sự cần thiết. Mức điều chỉnh 1% là khá nhỏ nếu so với việc nhiều quốc gia trên thế giới liên tục phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu và nền kinh tế tăng trưởng.
TS Chí cho rằng trong ngắn hạn, phá giá tiền đồng sẽ gây tác động tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ nhưng NH Nhà nước có thể kiểm soát được. Về trung và dài hạn, tỉ giá tăng giúp nuôi dưỡng DN xuất khẩu bởi mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hơn 100 tỉ USD là nguồn ngoại tệ lớn mang về cho đất nước, góp phần cân bằng cán cân thương mại.
Kiểm soát dòng tiền chảy vào vàng
Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần lo ngại: "Hạ lãi suất là cần thiết khi lạm phát được kiểm soát tốt nhưng giá vàng đang giảm mạnh có thể khiến dòng tiền chuyển sang vàng. Chưa kể, một số NH yếu thanh khoản vẫn tiếp tục trả thêm lãi suất cho khách hàng nên có thể tiền sẽ chảy từ NH này sang NH khác".
TS Lê Đạt Chí cho rằng hạ lãi suất có lợi cho nền kinh tế, hỗ trợ DN nhưng nếu giảm quá sâu sẽ khiến dòng tiền chảy vào vàng. Vì vậy, quản lý thị trường vàng cần quyết liệt hơn, nhất là cần kiểm soát việc một số NH thương mại áp dụng dịch vụ cho vay cầm cố sổ giữ hộ vàng với lãi suất thấp. Khi đó, khách hàng có thể dùng số tiền vay này tiếp tục mua vàng, tạo lực cầu mạnh trên thị trường…
|
Thái Phương
Người lao động
|