Thứ Sáu, 28/06/2013 15:34

Không dễ để VAMC phát huy được hiệu quả

Từ ngày 9.7, nghị định thành lập Cty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) được Chính phủ ban hành và thông tư hướng dẫn thực hiện của NHNN chính thức có hiệu lực. Là đơn vị chủ lực giải quyết cục máu đông nợ xấu, đồng thời để đẩy nhanh quá trình tan băng tín dụng, Chính phủ cho phép VAMC được bảo lãnh cho tổ chức, DN, cá nhân vay vốn TCTD.

PV Lao Động đã cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu về yêu cầu cũng như khả năng thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh tại VAMC.

Theo quy định, VAMC được bảo lãnh cho tổ chức, DN, cá nhân vay vốn TCTD. Quan điểm cá nhân ông về chức năng này của VAMC như thế nào?

- Trước hết phải khẳng định VAMC được thành lập theo quyết định của Chính phủ là một Cty hoạt động trong lĩnh vực tài chính hay nói cách khác VAMC là một định chế tài chính. Vì vậy VAMC có thể thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh cho tổ chức, DN, cá nhân vay vốn từ TCTD. Tuy nhiên, để có thể đứng ra bảo lãnh thì VAMC phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định, trước hết là điều kiện về tài chính.

Giả sử như dựa vào những thông tin từ NHNN, VAMC dự kiến xử lý 40-70 ngàn tỉ đồng nợ xấu thì tổng tài sản của VAMC sau khi nhận nợ xấu có thể lên đến khoảng 50 ngàn tỉ đồng. Với VĐL của VAMC được cấp là 500 tỉ thì đòn bẩy tài chính có thể lên đến xấp xỉ 100/1.

Trong ngành tài chính nói chung thì tỉ lệ đòn bẩy tài chính 10/1 là an toàn, 15/1 là yếu, 20/1 đã là nguy hiểm. Như vậy với đòn bẩy tài chính khoảng 100/1 thì điều kiện an toàn tài chính của VAMC không đáp ứng điều kiện an toàn tài chính của một định chế tài chính.

Vậy làm thế nào VAMC có thể thực hiên nghiệp vụ bảo lãnh, thưa ông?

- Có 2 cách để VAMC có thể thực hiện tốt nghiệp vụ bảo lãnh. Cách thứ nhất, tăng VĐL cho VAMC lên mức đảm bảo tỉ lệ an toàn tài chính. Với cách này VAMC tự chủ hoàn toàn trong việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh vay vốn đối với các đối tượng được quy định. Tuy nhiên với cách này thì vốn cấp cho VAMC là rất lớn, có thể lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Ví dụ khi nợ xấu được xử lý lên 100 ngàn tỉ thì đòi hỏi vốn tối thiểu cho VAMC phải 10 ngàn tỉ. Đây là phương án tốt nhưng khó khả thi, vì như thế VAMC cần đến ngân sách nhà nước.

Cách thứ hai, VAMC sẽ được tái bảo lãnh. Tức là VAMC đứng ra thẩm định DN, cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện để bảo lãnh hay không. Còn thực sự đứng ra bảo lãnh vay có thể là Chính phủ hoặc NHNN. Tôi cho rằng tổ chức tái bảo lãnh cho VAMC có lẽ sẽ là NHNN. Như vậy có thể nói VAMC là cánh tay nối dài của NHNN khi thực hiện nghiệp vụ này.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

Nếu như VAMC chỉ là cấp trung gian cho nghiệp vụ bảo lãnh thì liệu việc triển khai có hiệu quả không? Ví dụ như thời gian xét duyệt hồ sơ bảo lãnh có bị kéo dài không, thưa ông?

- Thực tế ngay đối với nghiệp vụ bảo lãnh đang được triển khai giữa NHTM với một số cơ quan tổ chức tại các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Khi NH lập hồ sơ và xin bảo lãnh cho DN chuyển sang quỹ bảo lãnh tại địa phương lại không được chấp thuận do sự đánh giá khác nhau về điều kiện được bảo lãnh. Dẫn tới cả NH, quỹ bảo lãnh địa phương và DN mất nhiều thời gian, công sức mới hoàn thiện hồ sơ bảo lãnh.

Từ đấy có thể thấy nghiệp vụ bảo lãnh mà VAMC triển khai trong thời gian tới sẽ phải có sự chuẩn hóa cũng như quy định cụ thể rõ ràng về điều kiện được bảo lãnh. Ví dụ như loại hình DN nào? Số tiền bảo lãnh bao nhiêu, cho mục đích gì và trong thời hạn nào? Chỉ tiêu tài chính đối với đối tượng được bảo lãnh ra sao? Tài sản bảo đảm như thế nào?v.v... Bên cạnh đó, VAMC cần có quy chế, quy trình hợp tác chặt chẽ với các TCTD khi nhận bảo lãnh do VAMC phát ra.

NHNN với tư cách là nhà tái bảo lãnh cho VAMC phải hỗ trợ tối đa nhất là cơ chế, chính sách cho VAMC. Theo tôi hiểu khi VAMC chấp thuận bảo lãnh cho đơn vị, tổ chức, cá nhân nào thì chắc chắn cũng sẽ được NHNN chấp thuận. Nếu hồ sơ bảo lãnh đã được VAMC thẩm định lại phải đợi sự đồng ý của NHNN thì sẽ mất rất nhiều thời gian, như thế mục tiêu sử dụng nghiệp vụ bảo lãnh để hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN sẽ không có giá trị.

Theo như những chia sẻ của ông, dường như để thực hiện được nghiệp vụ này, ngoài vốn, VAMC còn cần có bộ máy chuyên nghiệp thực sự mới đáp ứng yêu cầu?

- Đúng vậy. Để hoàn thành những mục tiêu đề ra cũng như thực hiện đầy đủ chức năng hoạt động được quy định chắc chắn VAMC cần đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ vững vàng và hơn nữa là đạo đức nghề nghiệp tốt.

Hãy tưởng tượng VAMC mới thành lập mà theo như dự kiến thì cuối năm 2013 phải xử lý khoảng 20-30 ngàn tỉ nợ xấu. Với tổng tài sản bằng tài sản của một NH tầm nhỏ ở Việt Nam thì chắc chắn đòi hỏi về nhân sự là rất cao. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh không chỉ là nhân sự quản lý cấp cao mà đội ngũ cán bộ nghiệp vụ làm việc trực tiếp với các NH, khách hàng, cơ quan chính phủ, các nhà tư vấn, luật sư.

Vì thế, theo tôi, để VAMC đi vào hoạt động, thực hiện các hoạt động xử lý nợ xấu, bảo lãnh cho vay một cách có hiệu quả cần thêm nhiều thời gian. Sẽ còn cả đường dài trước mắt đối với VAMC cũng như NHNN trong tiến trình này.

Thanh Sơn

Lao động

Các tin tức khác

>   Người gửi tiền vẫn không mặn mà kỳ hạn dài (28/06/2013)

>   Ngân hàng cho DNNVV, đề xuất khó khả thi (28/06/2013)

>   NHNN công bố Quyết định thành lập Công ty TNHH MTV VAMC (28/06/2013)

>   Xác nhận thu nhập thấp cản đường gói 30.000 tỷ (28/06/2013)

>   98% các ngân hàng đã tất toán xong trạng thái vàng (28/06/2013)

>   21 vụ tiêu cực, tham nhũng trong ngành ngân hàng (28/06/2013)

>   VCSC: Tín dụng sẽ tăng mạnh 6 tháng cuối năm (28/06/2013)

>   VCSC: Khối ngoại ngần ngại do dò đoán được điều chỉnh tỷ giá (28/06/2013)

>   USD tự do vọt lên 21.400 đồng/USD (28/06/2013)

>   Tiền nhàn rỗi chảy vào đâu? (28/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật