Thứ Sáu, 28/06/2013 13:18

Ngân hàng cho DNNVV, đề xuất khó khả thi

Qua tham vấn nhiều chuyên gia, Thời báo Ngân hàng đều nhận được những cái lắc đầu bảo không cần thiết cho sự ra đời của một ngân hàng như vậy, xét cả về mặt thị trường, đối tượng, thời điểm và bối cảnh hiện nay.

Mục đích thì tốt

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang chuẩn bị đề xuất xây dựng một ngân hàng chuyên cho DNNVV vay.

Việc thành lập ngân hàng cho DNNVV được cho là không khả thi trong thời điểm này

Thông tin này được một lãnh đạo của VCCI cho biết mới đây. Theo lý giải của VCCI, với khả năng tiếp cận vốn ngân hàng hạn chế hiện nay, việc có riêng một ngân hàng cho DNNVV là nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ cho sản xuất phát triển. Trong bối cảnh, Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN thì đề xuất này được xem là mang tính tích cực.

Về mặt pháp lý, hành lang pháp luật không cấm việc thành lập TCTD mới nếu đáp ứng đủ các quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra. Luật Các TCTD hiện hành và Thông tư 40/2011/TT-NHNN (Quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam) chính là những hành lang cho việc cấp phép thành lập mới các TCTD, bao gồm TCTD dưới hình thức là công ty TNHH một thành viên, hai thành viên, cổ phần hay nước ngoài.

Nhưng vốn ở đâu?

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là vốn chủ sở hữu cho ngân hàng này sẽ đến từ đâu? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, trong thời điểm hiện nay, việc huy động vốn từ các cổ đông trên thị trường sẽ rất khó khăn.

“Khó vì các nhà đầu tư đâu có thiếu cơ hội đầu tư vào các ngân hàng trên thị trường hiện nay nếu họ muốn. Thậm chí nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện nay còn bán dưới mệnh giá”, TS. Hiếu lý giải và cho biết thêm: “Nếu nhìn nhận như vậy thì việc người ta bỏ vốn vào các ngân hàng đang hiện hữu có lẽ còn hấp dẫn hơn là bỏ vốn vào ngân hàng mà họ chưa rõ hình hài ra sao, lời lỗ thế nào”.

Do đó, theo TS. Hiếu, nói về vốn thì chắc là lại phải kéo “hầu bao” của Chính phủ ra. Nhưng trong lúc này thì ngân sách của Chính phủ vốn đã khó khăn lắm rồi, giờ bỏ thêm ra một vài ngàn tỷ cho một ngân hàng như thế sẽ càng khó hơn. Hơn nữa, nếu nguồn vốn là từ Chính phủ như vậy thì mối quan hệ giữa ngân hàng này với Quỹ Phát triển DNNVV mà Chính phủ mới có quyết định thành lập gần đây như thế nào cũng cần đặt ra? Nên chăng, thay vì dành vốn cho ngân hàng này (giả định đề xuất trên được đáp ứng) thì hãy bổ sung thêm vốn cho quỹ này để tăng khả năng và đối tượng hỗ trợ của quỹ.

Thiếu tính khả thi

Qua tham vấn nhiều chuyên gia, Thời báo Ngân hàng đều nhận được những cái lắc đầu bảo không cần thiết cho sự ra đời của một ngân hàng như vậy, xét cả về mặt thị trường, đối tượng, thời điểm và bối cảnh hiện nay.

Hiện NHNN đang tích cực triển khai thực hiện Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015. Có rất nhiều công việc phải triển khai để thực hiện tiến trình tái cơ cấu này, trong đó một trong những bước đi và cũng là mục đích quan trọng là giúp hệ thống mạnh lên thông qua việc tái cơ cấu, sắp xếp giảm bớt số lượng ngân hàng yếu kém.

Như vậy có thể hiểu, về chủ trương chúng ta không khuyến khích thành lập các TCTD mới. Trong đó, việc thành lập một ngân hàng để phục vụ cho một đối tượng cụ thể thì có lẽ lại càng không khuyến khích. “Xưa nay tôi thấy NHNN không khuyến khích việc ngân hàng sinh ra để phục vụ cho một đối tượng DN, dù thuộc lĩnh vực gì đi chăng nữa” – một chuyên gia nhìn nhận.

Đơn cử trước đây có một ngân hành được thành lập trong đó một cổ đông lớn của ngân hàng muốn lấy tên ngân hàng trùng với tên của tập đoàn mình nhưng không được NHNN chấp thuận để tránh nguy cơ ngân hàng phục vụ cho một tập đoàn, một đối tượng cụ thể. Hay cách đây hơn một năm, Bộ Xây dựng cũng từng có đề xuất thành lập Ngân hàng Xây dựng để chuyên cho vay mua nhà ở nhưng cũng đã bị “bác” vì không cần thiết.

Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều ngân hàng ra đời ban đầu với tư cách là chuyên doanh, sau một thời gian hoạt động mới thấy với việc bó buộc trong một phạm vi như vậy thì quy mô, uy tín… đều không ổn nên sau vẫn phải đổi tên và mở rộng hoạt động ra.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc thành lập ngân hàng này là không cần thiết xét về yếu tố thị trường. “Các NHTM hiện nay không có ngân hàng nào không cho DNNVV vay. Với 95% - 98% DNNVV trong nền kinh tế thì đây cũng là đối tượng chủ yếu của các NHTM”, TS. Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực,

VietinBank nêu quan điểm. Thực vậy, các TCTD Việt Nam hiện nay tổ chức nào cũng được quyền cho vay đối tượng DN này. Hơn nữa, dòng vốn đang khá dư giả, lãi suất giảm hơn trước rất nhiều và nhiều ngân hàng thậm chí còn chạy rất nhiều chương trình ưu đãi về lãi suất.

Vì vậy, hoạt động của ngân hàng mới theo cơ chế nào cần phải làm rõ. “Nếu theo cơ chế thương mại, thị trường thì có khác gì các hoạt động của các NHTM, còn nếu thực hiện theo cơ chế ưu đãi thì lấy gì ra để ưu đãi trong điều kiện mình đã hội nhập sâu hiện nay”, TS. Mùi nói.

Chuyên gia này cho rằng, gốc gác của vấn đề ở đây là sau một thời kỳ tăng trưởng nóng của cả ngân hàng và DN, giờ là lúc phải nhìn lại để thích ứng. “Nếu không thích ứng được thì việc không tiếp cận được vốn cũng là điều bình thường. Khi đã hoạt động theo cơ chế thương mại và thị trường, sẽ chẳng có ngân hàng nào có thể cho vay những DN mà biết trước họ không có khả năng trả nợ”, chuyên gia này nói.

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   NHNN công bố Quyết định thành lập Công ty TNHH MTV VAMC (28/06/2013)

>   Xác nhận thu nhập thấp cản đường gói 30.000 tỷ (28/06/2013)

>   98% các ngân hàng đã tất toán xong trạng thái vàng (28/06/2013)

>   21 vụ tiêu cực, tham nhũng trong ngành ngân hàng (28/06/2013)

>   VCSC: Tín dụng sẽ tăng mạnh 6 tháng cuối năm (28/06/2013)

>   VCSC: Khối ngoại ngần ngại do dò đoán được điều chỉnh tỷ giá (28/06/2013)

>   USD tự do vọt lên 21.400 đồng/USD (28/06/2013)

>   Tiền nhàn rỗi chảy vào đâu? (28/06/2013)

>   NHNN tăng tỷ giá liên ngân hàng 1% lên 21,036 VNĐ/USD (27/06/2013)

>   Thủ tướng: Không gia hạn tất toán vàng cho bất cứ NH nào (27/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật