Muôn kiểu “đi đêm” trong giao dịch bất động sản
Trong bối cảnh thị trường vẫn trầm lắng, nhiều chủ đầu tư bất động sản đã không từ bỏ bất kỳ một phương thức bán hàng nào miễn sao thanh khoản của dự án được cải thiện.
Một trong những chiêu thức bán hàng đang được giới đầu tư áp dụng phổ biến hiện nay chính là “chiêu” áp dụng các mức giá bán khác nhau cho mỗi khách hàng riêng lẻ. Ngay cả khi có khiếu kiện, tranh chấp, biện pháp tối ưu vẫn là “đi đêm” với từng khách hàng.
Mới đây, nhóm khách hàng mua căn hộ tại một dự án khu đô thị ở Cầu Giấy (Hà Nội) đã kéo đến đòi ban lãnh đạo chủ đầu tư phải thay đổi mức giá bán căn hộ. Nguyên do là bởi, số người này đã ký vào bản hợp đồng mua căn hộ xây thô của dự án này với giá 26 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi đóng tiền, những khách hàng này mới “cay cú” vì những hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký với một nhóm khách hàng khác trước đó giá chỉ 25 triệu/m2, trong khi các căn hộ đó lại có vị trí, hướng nhà đẹp hơn của họ.
Mặc dù sau đó, chủ đầu tư dự án này đã tìm đủ cách để lý giải về sự khác nhau của giá bán, song đều không được khách hàng chấp thuận. Cực chẳng đã, một hướng giải quyết theo kiểu có lợi cho cả đôi bên đã được đưa ra là “chỉ 4 căn hộ này” được chiết khấu số tiền 1 triệu/m2 vào kỳ đóng tiền đợt cuối, nhưng kèm theo đólà một điều kiện không được tiết lộ cho bất kỳ ai, đồng thời không được đòi hỏi thay hoá đơn thu tiền.
Sự việc này, tất nhiên cũng không giữ kín được lâu. Hầu hết các khách hàng đều rỉ tai nhau “mua được giá thấp hơn nhiều” so với mức giá công bố. Tuy nhiên, về hồ sơ giấy tờ mua bán, dường như tất cả vẫn chỉ là một mức giá đồng loạt, nên với những khách hàng không thuộc diện thân tín hay “khách VIP” thì đương nhiên vẫn phải ngậm đắng trả mức cao hơn.
Câu chuyện “đi đêm” giữa khách hàng và chủ đầu tư không chỉ diễn ra trong quá trình mua bán căn hộ. Cách đây chưa lâu, người viết được một khách hàng đưa cho xem tin nhắn với nội dung rằng “mấy hôm nữa em gửi lại tiền cho anh. Tuyệt đối không để ai biết nhé”. Đây là tin nhắn được gửi bởi vị chủ tịch hội đồng quản trị công ty nơi vị khách mua căn hộ.
Ngọn nguồn của tin nhắn trên là do dự án khá đình đám của một doanh nghiệp thuộc họ Sông Đà, nằm trên mặt đường Lê Văn Lương, sau gần 5 năm triển khai vẫn không thể hoàn thiện được. Số khách hàng vây kín trụ sở, dự án để đòi tiền có thời điểm lên tới hàng trăm người.
Tuy nhiên, khi mà ngân quỹ của công ty còn chưa đủ trả lương cho nhân viên, nên việc đòi được tiền của khách hàng, đương nhiên không phải chuyện dễ. Trước những áp lực với một vài mối quan hệ “nhạy cảm”, vị chủ tịch nói trên đã phải đích thân nhắn tin cho khoảng vài chục khách hàng với nội dung tương tự nhau và “sẽ trả nhưng xin khất một thời gian”.
Trong khi đó, với dự án Splendora, từng được quảng bá là “nơi ước đến – chốn mong về” sau nhiều lần kiện cáo, tranh chấp trong suốt hơn một năm qua, thì nay chủ đầu tư cũng buộc phải áp dụng chiêu thức thỏa thuận riêng với từng khách hàng trước cáo buộc “xây sai thiết kế”.
Nhưng cái may của chủ đầu tư Splendora là trong số 150 căn biệt thự triệu đô (giá từ 20 - 30 tỷ đồng/căn) được cho là bị sai thiết kế, chỉ có một khách hàng phát hiện ra và phát đơn kiện chủ đầu tư.
Trong buổi làm việc với vị khách hàng này mới đây, đại diện chủ đầu tư Splendora đã thừa nhận sai sót này. Giải pháp được đưa ra là sẽ miễn trừ số tiền phạt do nộp tiền chậm cho khách này trị giá lên tới gần 1 tỷ đồng, kèm với đó là sẽ tặng một gói sân vườn hoàn chỉnh trị giá vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, trước băn khoăn của vị khách hàng rằng “liệu chính sách này có áp dụng rộng rãi với nhiều khách hàng không”, thì câu trả lời là “chỉ anh mà thôi”.
Trao đổi với VnEconomy, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng, việc “đi đêm” giữa chủ đầu tư và khách hàng là khá phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Bởi đó thực chất vẫn chỉ là quan hệ kinh tế dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Tuy nhiên, với góc nhìn của người trong cuộc, không ít chuyên gia bất động sản lại nhìn nhận, việc “đi đêm” giữa chủ đầu tư và khách hàng là một động thái cần phải được lên án, bởi nó có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cũng như tiền lệ không mấy tốt đẹp cho các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực bất động sản cũng như cho chính các bên có liên quan trực tiếp mà có thể họ chưa lường trước được.
Bảo Anh
vneconomy
|