Mạnh tay kích thích tín dụng
Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại; bơm vốn khối lượng lớn ra thị trường mở với lãi suất thấp… ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang phát tín hiệu khuyến khích hệ thống ngân hàng tăng mạnh hơn nữa cung tín dụng cho nền kinh tế.
Đua nhau ưu đãi tín dụng
Ngân hàng thương mại cổ phần Eximbank (EIB) được NHNN nới room tín dụng (hạn mức tăng trưởng tín dụng) cả năm lên 15% theo đề nghị của ngân hàng này, thay cho mức 9% được giao từ hồi đầu năm. Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước cho biết, cơ sở để ngân hàng đề nghị được tăng hạn mức tín dụng là bởi đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt xấp xỉ 5,5% và tiến độ cho vay ra khá khả quan. “Tuy nhiên, đổi lại, cái giá phải trả là mặt bằng lãi suất cho vay của Eximbank khá thấp, có nghĩa lợi nhuận trong hoạt động tín dụng của ngân hàng sẽ tiếp tục giảm xuống thấp”, ông Phước nói.
Lãi suất ưu đãi cho vay hỗ trợ mua xe Piaggio của ngân hàng phát triển Mekong. Nhiều ngân hàng đang xúc tiến mạnh cho vay tiêu dùng nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
|
Đơn cử, từ cuối năm 2012 đến nay, ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng có lãi suất rất hấp dẫn, dưới 10%/năm trong đó nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, khách hàng cá nhân… tổng giá trị trên chục ngàn tỉ đồng và đã giải ngân được 25% khối lượng vốn này. Các gói tín dụng ưu đãi này, theo ông Phước, chỉ “cầu hoà”!
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Vietcombank (VCB) tính từ đầu năm đến hết tháng 5 chỉ nhúc nhích 0,2 – 0,3%. Do vậy, ngân hàng không đề nghị được tăng thêm hạn mức tín dụng được giao hồi đầu năm là 16% cho năm 2013. Tuy nhiên, phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng, nhận định, ngân hàng có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, do nhu cầu vốn thường tăng cao trong những tháng cuối năm. Mặc dù để thúc đẩy tín dụng đầu ra, cần rất nhiều yếu tố, nhưng theo ông Dũng, lãi suất thấp cũng tạo được sức hút nhất định. Trong sáu tháng đầu năm 2013, Vietcombank tung ra nhiều gói tín dụng có lãi suất ưu đãi, và dư nợ tín dụng được hưởng lãi suất ưu đãi này chiếm khoảng 1/3 dư nợ tín dụng ngắn hạn của ngân hàng.
Đây cũng là lý do nhiều ngân hàng cùng tung ra các gói tín dụng được nhiều ưu đãi, nhất là về lãi suất, như BIDV cho vay 10.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà ở; ngân hàng ACB dành 50 triệu USD cho vay xuất khẩu; Oceanbank cho vay tạm trữ lúa gạo, cho vay mua nhà, ôtô… trị giá vài ngàn tỉ đồng…
Tín dụng cả hệ thống có thể tăng trên 12%?
Mặc dù không phải ngân hàng nào cũng đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra, song theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, mức tăng trưởng tín dụng năm 2013 của cả hệ thống hoàn toàn có khả năng đạt 12% như định hướng tại chỉ thị 03 của NHNN ban hành ngày 18.7 mới đây. Để đạt mục tiêu này, NHNN liên tục đánh tín hiệu cho thị trường nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hơn nữa cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, như nới room cho một số đơn vị; giảm lãi suất thị trưởng mở (OMO) từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm và bơm 7.000 tỉ đồng vốn qua OMO – khối lượng bơm lớn nhất qua thị trường này từ đầu năm đến nay.
Thành viên HĐQT một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, nhận xét, lãi suất OMO giảm giúp hệ thống ngân hàng cải thiện thanh khoản, giảm bớt chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất đầu ra, kích cầu tín dụng cho nền kinh tế. Tổng giám đốc Trương Văn Phước, cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chưa hẳn các ngân hàng đã tiếp cận vốn qua OMO nhiều, song quyết định giảm lãi suất OMO của NHNN đã phát ra một tín hiệu về chính sách tiền tệ là khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thị trường liên ngân hàng đã xuất hiện tín hiệu sôi động hơn khi ngày 19.7 vừa qua lãi suất qua đêm đã được đẩy lên 5,1%. Theo một chuyên gia tài chính, đây cũng là một tín hiệu, cầu tín dụng tăng lên, dù chưa thật chắc chắn.
Báo cáo phân tích của ngân hàng HSBC mới đây, cho rằng, dư địa cắt giảm thêm lãi suất VND đã bị thu hẹp, do nguy cơ lạm phát toàn phần có thể tăng từ mức 6,7% trong tháng 6 lên 7,1% trong tháng 7 (so với cùng kỳ năm ngoái). Khả năng tiếp tục hạ lãi suất trong tương lai khó có thể diễn ra.
Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, nhận định, lạm phát cả năm nay dao động từ 5,75 – 6,5%, và lãi suất còn có thể giảm xuống thấp nữa, giúp cầu tín dụng tăng lên, cả hệ thống có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng 13 – 14% trong năm nay.
Thảo Nguyễn
sài gòn tiếp thị
|